|
  • :
  • :

Thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững và giải quyết việc làm

Thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, những năm qua, các cấp ủy, chính quyền địa phương đã quan tâm triển khai thực hiện chính sách tín dụng cho vay hộ nghèo, cận nghèo và cho vay giải quyết việc làm (GQVL). Thông qua nguồn vốn vay chính sách đã giúp nhiều hộ có cơ hội phát triển kinh tế và vươn lên trong cuộc sống.

So với mặt bằng chung của tỉnh thì Tuyên Hóa vẫn là huyện nghèo, xuất phát điểm thấp, cơ sở hạ tầng còn thiếu thốn. Tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo còn cao, nguy cơ tái nghèo lớn. 

Khó khăn là vậy, nhưng từ khi có Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách (TDCS) xã hội, đến nay có nhiều chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế-xã hội của huyện đã hoàn thành và vượt mức kế hoạch đề ra. Hàng năm, UBND huyện đều quan tâm dành một phần nguồn vốn từ ngân sách địa phương ủy thác qua Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (PGD NHCSXH) huyện để bổ sung nguồn vốn cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn. Đến nay, UBND huyện đã chuyển gần 10 tỷ đồng từ ngân sách sang PGD NHCSXH huyện thực hiện cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn, góp phần tăng tỷ lệ hộ được vay vốn từ nguồn vốn TDCS trên địa bàn, bảo đảm an sinh xã hội.

Nguồn vốn tín dụng chính sách giúp nhiều hộ dân có cơ hội thoát nghèo bền vững.

Nguồn vốn tín dụng chính sách giúp nhiều hộ dân có cơ hội thoát nghèo bền vững.

Chủ tịch UBND huyện Tuyên Hóa Lê Nam Giang cho biết: Thời điểm hiện tại, toàn huyện có 49.545 lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách khác trên địa bàn huyện đã được vay vốn, đã có 11.158 hộ vượt qua ngưỡng nghèo. Nguồn vốn chính sách hàng năm đã tạo việc làm cho trên 3.000 lao động và trên 1.500 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Nhiều hộ được vay vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh, xây dựng nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, góp phần tăng thu nhập, ổn định đời sống, thoát nghèo bền vững. Giai đoạn 2014-2024, nguồn vốn TDCS trên địa bàn huyện đã tăng từ 291,02 tỷ đồng lên 810,96 tỷ đồng giúp tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho hơn 10.400 lượt lao động được vay vốn.

Nhờ thực hiện có hiệu quả các chương trình TDCS, nhất là sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, ổn định chính trị, trật tự xã hội trên địa bàn huyện. Không chỉ riêng huyện Tuyên Hóa, nguồn vốn TDCS cũng đã thay đổi diện mạo của nhiều địa phương, góp phần GQVL và giảm nghèo bền vững cho người dân.

Có thể khẳng định rằng, giảm nghèo và GQVL là những nhiệm vụ quan trọng để phát triển kinh tế-xã hội tỉnh theo đúng mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Bình lần thứ XVII đã đề ra: Chỉ tiêu trong giai đoạn 2020-2025, GQVL hàng năm cho 1,8-1,9 vạn lao động và tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 1%/năm. Để đạt được mục tiêu này, một trong những giải pháp hiệu quả là triển khai có hiệu quả kênh vốn chính sách tín dụng ưu đãi, giúp người lao động tạo việc làm, từ đó thoát nghèo.

Trong 10 năm qua, tỷ lệ hộ nghèo giảm dần qua các năm, đến nay chỉ còn chiếm 4,05% trên tổng số hộ dân toàn tỉnh. Trung bình mỗi năm, tỉnh đã GQVL cho 1,5-1,9 vạn người. Với cách triển khai cho vay thiết thực, đúng đối tượng, đúng nhu cầu, các hộ gia đình, kinh tế tập thể đã phát triển được hoạt động sản xuất, kinh doanh, làm ăn có hiệu quả, tạo việc làm và tăng thêm thu nhập cho nhiều lao động, đặc biệt là lao động nông thôn.

Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Trường Sơn cho biết: Thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, sở đã hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương tổ chức triển khai các hoạt động hỗ trợ vay vốn, tạo sinh kế nhằm hướng tới mục tiêu GQVL bền vững và giảm nghèo, xóa nghèo cho người dân. Hàng năm, căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, sở đã chỉ đạo, hướng dẫn các huyện, thị xã, thành phố rà soát, xác định, lập danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo bảo đảm chính xác, công khai tạo điều kiện thực hiện chính sách cho vay dân chủ. Việc sử dụng nguồn vốn vay từ chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo đã dần thay đổi tâm lý trông chờ, ỷ lại, giúp hộ nghèo chuyển từ sản xuất nhỏ, tự cung, tự cấp sang sản xuất hàng hóa, vươn lên thoát nghèo, cải thiện đời sống. Hàng nghìn hộ nghèo nhờ vốn vay ưu đãi đã biết tổ chức sản xuất, kinh doanh hiệu quả, góp phần thoát nghèo bền vững.

Về nguồn vốn vay GQVL, hàng năm sở đã phối hợp với NHCSXH-Chi nhánh Quảng Bình và các ban, ngành liên quan, tham mưu UBND tỉnh về kế hoạch cho vay GQVL đối với các địa phương. Trong 10 năm qua, toàn tỉnh đã có trên 30 nghìn lượt khách hàng được vay vốn để tạo việc làm và đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Nguồn: http://www.baoquangbinh.vn/kinh-te/202406/thuc-hien-muc-tieu-giam-ngheo-ben-vung-va-giai-quyet-viec-lam-2219125/