Mô hình Canh tác lúa thông minh phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh được thực hiện tại tỉnh Hậu Giang.
Mô hình được triển khai thực hiện tại tỉnh Hậu Giang trong vụ đông xuân 2023-2024, với tổng diện tích 9ha tại các xã Vị Bình và Vị Trung thuộc huyện Vị Thủy, nhằm đồng hành cùng Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam được tổ chức tại Hậu Giang. Đây cũng là hoạt động hưởng ứng cùng với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong triển khai thực hiện Đề án Phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030. Trong vụ đông xuân 2023-2024, Bình Điền cũng phối hợp đẩy mạnh thực hiện các mô hình để nhân rộng quy trình canh tác lúa thông minh thích ứng với BĐKH gắn với giảm phát thải khí nhà kính tại nhiều địa phương khác ở ĐBSCL và các tỉnh Tây Ninh, Bình Định, cũng như tại nước bạn Campuchia. Tham gia mô hình, nông dân được hướng dẫn áp dụng quy trình canh tác lúa thông minh để vừa tăng hiệu quả kinh tế, vừa góp phần giảm đáng kể phát thải khí nhà kính. Đồng thời, góp phần bảo vệ môi trường và giảm nhiều chi phí sản xuất thông qua việc làm đất kỹ để xử lý rơm rạ, bón phân cải tạo đất để giảm lượng phân bón, giảm lượng giống gieo sạ, rút nước giữa vụ theo ướt khô xen kẽ, giảm thuốc bảo vệ thực vật…
Trong giai đoạn từ 2016-2022, thực hiện Chương trình canh tác lúa thông minh thích ứng với BĐKH vùng ĐBSCL, có gần 500 mô hình đã được xây dựng tại các địa phương vùng ĐBSCL. Các mô hình đều giúp giảm chi phí, tăng năng suất và lợi nhuận. Chương trình áp dụng quy trình canh tác mở, liên tục cập nhật các giải pháp, tiến bộ kỹ thuật, trang thiết bị cơ giới và công nghệ hiện đại... và được áp dụng một cách thông minh, phù hợp với từng vùng sinh thái, từng mùa vụ. Qua đó, giúp sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nhiều chi phí đầu vào, tăng lợi nhuận đáng kể cho bà con nông dân.