|
  • :
  • :

Thúc đẩy số hóa truy xuất nguồn gốc nông sản 

Số hóa truy xuất nguồn gốc (TXNG) cho các sản phẩm nông sản và hàng hóa nói chung đang là yêu cầu cấp thiết nhằm minh bạch về xuất xứ, chất lượng sản phẩm và tạo thuận lợi cho các bên liên quan trong việc kiểm tra, giám sát và nắm bắt thông tin về sản phẩm. Tuy nhiên, hiện nay người dân, doanh nghiệp và các địa phương gặp nhiều khó khăn trong áp dụng công nghệ số trong xây dựng vùng nguyên liệu nông sản, xây dựng mã số vùng trồng (MSVT) và mã cơ sở đóng gói (MCSÐG) nhằm đáp ứng yêu cầu thị trường về quản lý chất lượng và truy xuất nguồn gốc sản phẩm…

Thu mua, phân loại trái bưởi tại Cơ sở Hương Miền Tây ở tỉnh Bến Tre.

Yêu cầu cấp thiết

Ngày càng có nhiều quốc gia trên thế giới đã có quy định bắt buộc trái cây tươi và nhiều loại nông sản, thực phẩm từ các nước khác muốn xuất khẩu vào nước họ phải được cấp MSVT và MCSÐG nhằm truy xuất được nguồn gốc. Ðồng thời, các sàn thương mại điện tử và nhiều hệ thống siêu thị, cửa hàng trong nước cũng đặt ra yêu cầu trên. Ðể đáp ứng theo nhu cầu thị trường, việc thiết lập và quản lý MSVT, MCSÐG đã và đang được các cơ quan chức năng nước ta cùng nông dân, doanh nghiệp quan tâm thực hiện đối với nhiều sản phẩm cây trồng, vật nuôi xuất khẩu. Ðồng thời, ngành chức năng và các đơn vị, doanh nghiệp cũng quan tâm xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, thiết lập các phần mềm, cổng thông tin điện tử… nhằm phục vụ việc quản lý các vùng sản xuất nông sản và truy xuất nguồn gốc nông sản, thực phẩm. Tuy nhiên, việc xây dựng MSVT, MCSÐG và áp dụng các công nghệ số trong quản lý và TXNG các loại nông sản, thực phẩm vẫn còn hạn chế và còn gặp nhiều khó khăn cần được tháo gỡ kịp thời.

Theo Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê Nông nghiệp thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), hiện việc thực hiện TXNG và áp dụng công nghệ số trong TXNG nông sản còn gặp khó do sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ, khó áp dụng các công nghệ hiện đại như: camera giám sát, bộ cảm biến, bộ định vị, ảnh viễn thám, AL, IoT… để theo dõi, giám sát tự động nhằm thu thập, cập nhật các thông tin về hệ thống TXNG. Hiện Cổng TXNG Quốc gia chưa hoạt động chính thức. Hệ thống văn bản, tiêu chuẩn, quy chuẩn về TXNG cũng chưa hoàn thiện và việc thực hiện số hóa TXNG chưa triển khai đồng bộ, thống nhất trên cả nước. Tình hình an ninh, an toàn thông tin còn diễn biến phức tạp. Trong khi đó, để triển khai, áp dụng TXNG thì cần phải đầu tư kinh phí rất lớn…

Cần liên kết, phối hợp

Tổ Ðiều hành Diễn đàn thông tin kết nối sản xuất và tiêu thụ nông sản của Bộ NN&PTNT vừa chủ trì phối hợp các đơn vị có liên quan tổ chức diễn đàn “Thúc đẩy chuyển đổi số trong TXNG nông sản, thực phẩm”. Tại diễn đàn này, nhiều đại biểu kiến nghị, các cấp thẩm quyền ở Trung ương, địa phương và cơ quan chức năng cần kịp thời hoàn thiện thể chế, hành lang pháp lý trong việc áp dụng công nghệ số đối với việc TXNG nông sản và quản lý vùng sản xuất. Ðồng thời, đẩy mạnh công tác thông tin về các tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng hàng hóa và các yêu cầu của thị trường, nhất là thị trường xuất khẩu. Hỗ trợ, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp chuẩn hóa hoạt động sản xuất, chế biến tiêu thụ nông sản đáp ứng yêu cầu thị trường gắn với đẩy mạnh áp dụng công nghệ số và giải pháp công nghệ mới nhằm nâng cao hiệu quả trong quản lý xuất xứ hàng hóa và minh bạch thông tin…

Theo bà Nguyễn Thị Thành Thực, Chủ tịch HÐQT, Giám đốc Công ty CP Công nghệ phần mềm AutoAgri, muốn thúc đẩy chuyển đổi số trong TXNG nông sản, các cơ quan chức năng cần có những hướng dẫn để người dân, doanh nghiệp dễ hiểu và thực hiện. Ðồng thời, cần có các nền tảng công nghệ có khả năng tích hợp và ứng dụng linh hoạt, cũng như có phần mềm phù hợp, đặc biệt là phù hợp với trình độ người sử dụng. Ví dụ như những người dân không biết chữ, không có máy vi tính thì cũng phải tiếp cận được. Việc số hóa và chuyển đổi số không nhất thiết hộ nào cũng phải có điện thoại. Một người có thể sử dụng điện thoại và cập nhật cho hàng nghìn hộ. Do vậy, những hộ nông dân nhỏ lẻ thành lập, tham gia vào các tổ hợp tác và các mô hình hợp tác xã (HTX) để liên kết, hợp tác với nhau.

Theo ông Mai Quang Vinh, Chủ tịch Liên hiệp HTX Kinh tế số Việt Nam, hiện nay mỗi sản phẩm rất dễ dàng để tạo cho nó một mã QR và người dùng chỉ mất vài giây là có thông tin về sản phẩm. Tuy nhiên, nếu không có tư duy tốt, việc số hóa, quản lý thông tin nông sản, thực phẩm theo hình thức này rất lỏng lẻo, doanh nghiệp thu mua rất dễ mua phải hàng hóa trà trộn, kém chất lượng. Do vậy, cần có sự phối hợp chặt giữa Bộ NN&PTNT cùng các bên liên quan để phát triển mạnh mẽ một cổng thông tin chung về quản lý, giám sát thông tin sản phẩm. Qua đó, có thể đưa thông tin của hàng vạn HTX, ngành hàng, giá bán, giá mua nông sản… để tất cả các chủ thể có nhu cầu dễ dàng tiếp cận, tiến tới tất cả các khâu từ sản xuất đến tiêu thụ được minh bạch thông tin...

Ðể thúc đẩy TXNG và áp dụng công nghệ số trong TXNG, thời gian qua, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương đã ban hành các quyết định và chương trình, kế hoạch, đề án về TXNG. Ðồng thời, quan tâm hoàn thiện hệ thống quy định pháp luật, văn bản, tài liệu hướng dẫn về TXNG. Ðáng chú ý, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 100/QÐ-TTg ngày 19-1-2019 về phê duyệt đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống TXNG. Bộ NN&PTNT đã ban hành Quyết định số 4164/QÐ-BNN-KHCN về Ban hành Kế hoạch thực hiện Quyết định 100/QÐ-TTg, trong đó đã giao Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp chịu trách nhiệm xây dựng hạ tầng kỹ thuật phục vụ TXNG…

Ðến nay, hệ thống TXNG của Bộ NN&PTNT đã được xây dựng và vận hành chính thức tại Bộ do Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp quản lý, duy trì và vận hành. Ðịa chỉ truy cập:http://checkvn.mard.gov.vn. Theo ông Nguyễn Hoài Nam, đại diện Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp, hệ thống này có thể khai thác, sử dụng và sẵn sàng kết nối với các hệ thống khác như: Cổng TXNG Quốc gia, các hệ thống TXNG của các bộ ngành, địa phương. Hệ thống đã xây dựng được 3 phân hệ chính gồm: Cổng thông tin TXNG, Hệ thống quản lý, cập nhật thông tin, dữ liệu về TXNG dành cho đối tượng là cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp. Hệ thống cho phép khai thác sử dụng bằng ứng dụng trên thiết bị di động trong việc tìm kiếm, truy vết, tra cứu thông tin nguồn gốc sản phẩm. Ðến nay, đã kết nối, chia sẻ dữ liệu với hệ thống TXNG của ngành mía đường cùng 8 hệ thống TXNG của 8 tỉnh, thành phố và kết nối được hơn 3.964 doanh nghiệp với Bộ mã truy xuất nguồn gốc của 16.987 sản phẩm nông sản thực phẩm.

Nguồn: https://baocantho.com.vn/thuc-day-so-hoa-truy-xuat-nguon-goc-nong-san-a157174.html
Tin liên quan
Chưa có thông tin