Nông dân xem trình diễn gieo sạ chính xác bằng máy tại Viện Lúa ĐBSCL ở huyện Thới Lai, TP Cần Thơ.
Giảm lượng giống gieo sạ là khâu quan trọng đầu tiên và là "chìa khóa" cho các giải pháp kỹ thuật tiếp theo nhằm có thể giảm mạnh lượng sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và nhiều chi phí sản xuất đầu vào. Bởi gieo sạ lúa với mật độ quá dày vừa gây lãng phí giống vừa góp phần làm tăng các chi phí và tạo nhiều nguy cơ rủi ro trong quá trình sản xuất. Đặc biệt, ruộng lúa gieo sạ quá dày, cây lúa bị hạn chế không gian phát triển, dễ đổ ngã và tấn công bởi nhiều loại sâu bệnh, nông dân tốn nhiều chi phí tiền phân bón và phun thuốc bảo vệ thực vật. Những năm qua, với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế và sự vào cuộc tích cực của Bộ NN&PTNT cùng các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp và các bên có liên quan, việc thực hiện giảm lượng giống trong gieo cấy lúa tại ĐBSCL đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Đặc biệt, từ năm 2016 Bộ NN&PTNT đã phát động "Chương trình giảm lượng hạt giống lúa gieo sạ vùng ĐBSCL" gắn với việc tăng cường phối hợp các địa phương, doanh nghiệp hỗ trợ nông dân thực hiện lồng ghép nhiều chương trình, dự án nhằm đẩy mạnh cơ giới hóa và áp dụng các gói kỹ thuật "3 giảm, 3 tăng" và "1 phải, 5 giảm"… vào sản xuất. Qua đó, đã giúp giảm mạnh lượng sử dụng giống cùng nhiều chi phí sản xuất đầu vào, đồng thời tăng năng suất, chất lượng và giá bán lúa.
Trước đây, nông dân tại ÐBSCL sử dụng lượng giống lúa trong gieo sạ lên đến 200-250kg/ha, thậm chí hơn, thì nay đa phần nông dân sử dụng lượng giống từ 100-150kg/ha trở lại. Nhiều nông dân đã giảm giống xuống ở mức dưới 100 kg/ha nhờ áp dụng các thiết bị sạ hàng, máy phun hạt, máy sạ hàng, máy sạ cụm, máy cấy và máy bay không người lái (Drone). Đặc biệt, các loại máy gieo sạ chính xác như: máy sạ hàng, máy sạ cụm… đã giúp nông dân chủ động điều chỉnh mật độ gieo sạ lúa một cách chính xác và có thể giảm lượng sử dụng giống xuống còn ở mức 40-80kg/ha.
Theo đánh giá của các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ NN&PTNT và ngành Nông nghiệp nhiều địa phương ĐBSCL, thông qua công tác tuyên truyền, tập huấn kỹ thuật và hỗ trợ người dân thực hiện các mô hình giảm giống đã làm thay đổi nhận thức và niềm tin về các biện pháp giảm giống gieo sạ trong sản xuất lúa. Từ đó, nông dân gieo sạ thưa, sử dụng giống tốt để lúa năng suất, chất lượng cao. Song, để giảm mạnh lượng sử dụng giống xuống mức dưới 100kg/ha dường như nông dân tại nhiều nơi vẫn còn ngại và gặp khó. Hiện không ít nông dân còn tâm lý gieo sạ dày để trừ hao lúa bị chết do chim, chuột, ốc bươu vàng cắn phá và ngập nước tại những khu vực trũng thấp nhằm đỡ tốn công giặm lúa. Nông dân cũng còn thiếu thông tin và chưa có nhiều điều kiện để tiếp cận các loại máy móc phục vụ gieo sạ chính xác nhằm chủ động điều chỉnh mật độ gieo sạ để giảm giống hiệu quả…
Trước thực tế trên, Bộ NN&PTNT cùng các địa phương đang đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền và tập huấn kỹ thuật để nâng cao nhận thức, hành động của người dân. Đồng thời, triển khai các hoạt động trình diễn máy và hỗ trợ nông dân trong tiếp cận, áp dụng các loại máy gieo sạ chính xác, cũng như áp dụng cơ giới hóa đồng bộ. Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt thuộc Bộ NN&PTNT, cho biết: "Việc áp dụng cơ giới hóa trong gieo sạ không chỉ giúp giảm công lao động mà còn giảm lượng giống gieo sạ trên một đơn vị diện tích. Từ đó, giúp tạo điều kiện cho áp dụng các giải pháp kỹ thuật tiếp theo để giảm chi phí sản xuất, quản lý tốt đồng ruộng và đảm bảo chất lượng lúa gạo, cũng như góp phần giảm phát thải khí nhà kính. Hiện có nhiều loại máy móc và thiết bị gieo cấy chính xác giúp giảm hiệu quả lượng sử dụng giống để chúng ta có thể lựa chọn, áp dụng tốt nhất cho diện tích đất canh tác lúa hơn 1,6 triệu héc-ta tại ĐBSCL với những vụ gieo trồng khác nhau".
Vừa qua, tại TP Cần Thơ, Viện Nghiên cứu lúa gạo Quốc tế (IRRI) đã phối hợp với Bộ NN&PTNT cùng Viện Lúa ĐBSCL tổ chức trình diễn thực địa về cơ giới hóa gieo sạ chính xác. Tại đây, nông dân được tận mắt thấy nhiều loại máy gieo sạ chính xác đang được áp dụng cho gieo sạ lúa tại ĐBSCL hiện nay. Các loại máy này đến từ nhiều quốc gia như Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước châu Âu… và được các đơn vị, doanh nghiệp cải tiến cho phù hợp và hiệu quả với sản xuất lúa ở ĐBSCL. Đơn cử như máy sạ hàng khí động APV của IRRI và Viện Lúa ĐBSCL, máy sạ cụm Yanmar, sạ cụm bằng máy Sài Gòn Kim Hồng, máy sạ hàng khí động liên hợp máy tự hành và máy sạ hàng khí động liên hợp máy kéo của Công ty TNHH MTV Tư Sang… Qua đó, nông dân có điều kiện tìm hiểu, nắm bắt thông tin và khả năng vận hành thực tế của các loại máy khác nhau để lựa chọn máy phù hợp với điều kiện sản xuất của mình.
Theo ông Nguyễn Văn Hùng, Chuyên gia khoa học cao cấp, Trưởng ban cơ giới hóa và sau thu hoạch của IRRI, yêu cầu của ĐBSCL là phải gieo sạ lúa tập trung đồng loạt theo từng vùng trong thời gian ngắn nên rất cần có các máy móc, thiết bị để gieo sạ nhanh và chính xác. Do vậy, rất cần áp dụng các máy gieo sạ chính xác hoặc sau này tiến tới sử dụng Drone có công nghệ gieo sạ chính xác. Khi thực hiện gieo sạ được chính xác, giúp gieo sạ có mật độ đồng đều, giúp giảm giống hiệu quả, cây lúa cứng khỏe. Từ đó, cũng kéo theo giảm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và các rủi ro dịch bệnh, đổ ngã, giảm tổn thất và tăng được chất lượng lúa gạo. Việc giảm được chi phí đầu vào và tăng chất lượng, giá trị đầu ra, giúp tăng thu nhập cho nông dân và giảm phát thải.
Nhiều kết quả nghiên cứu đã minh chứng, cơ giới hóa gieo sạ chính xác có thể tăng thu nhập cho người trồng lúa lên hơn 20% và giảm phát thải carbon ít nhất 10% từ việc giảm vật tư nông nghiệp đầu vào và giảm tổn thất sau thu hoạch.