|
  • :
  • :

Thuận Bắc đẩy mạnh cơ cấu ngành Nông nghiệp

Thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/HU ngày 15/10/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về đẩy mạnh cơ cấu lại ngành Nông nghiệp giai đoạn 2021-2025, hoạt động sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Thuận Bắc trong thời gian qua đạt nhiều kết quả quan trọng, đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế địa phương.

Huyện Thuận Bắc có quỹ đất canh tác trên 8.600 ha, nhưng đa phần thuộc vùng gò đồi, xa nguồn nước và thường xuyên chịu tác động của nắng hạn, do đó hoạt động sản xuất gặp không ít khó khăn. Để thực hiện thành công Nghị quyết số 04-NQ/HU, ngoài đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về việc cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, huyện chú trọng đầu tư xây dựng các mô hình sản xuất mới, trọng tâm là đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu sản xuất trên cơ sở phát huy lợi thế của từng vùng, từng địa phương; tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng sản phẩm cây trồng, vật nuôi. Tạo điều kiện cho doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết với nông hộ hình thành một số mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị, góp phần khai thác hiệu quả tiềm năng đất đai trên địa bàn.

Mô hình trồng ớt trên vùng đất lúa của nông dân xã Lợi Hải (Thuận Bắc) đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Ghi nhận tại một số vùng chuyển đổi cây trồng ở các địa phương, có thể thấy rõ cách làm kinh tế của nông dân đã có sự thay đổi đáng kể. Chị Nguyễn Thị Bé, thôn Kiền Kiền 1, xã Lợi Hải, chia sẻ: Nhờ sự định hướng của chính quyền xã, việc lựa chọn cây trồng chuyển đổi có giá trị kinh tế cao gắn kết với thị trường tiêu thụ đã được người dân chú trọng hơn. Nhà tôi có hơn 2 sào đất, nếu trước đây chỉ chuyên trồng lúa thì nay đã chuyển sang trồng ớt, mỗi tuần hái từ trên 100 kg, thời gian thu hoạch kéo dài khoảng 3 tháng, được thương lái thu mua với giá 30.000-35.000 đồng/kg, cho thu nhập cao hơn nhiều lần so với trồng lúa... Để hỗ trợ người dân thực hiện chuyển đổi cây trồng, huyện còn thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ vốn từ các chương trình, dự án giảm nghèo bền vững, vốn vay ngân hàng; cùng với đó, bố trí kinh phí đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, kênh mương nội đồng, đưa nhiều giống cây mới trồng thí điểm và tổ chức nhân rộng đại trà. Đến nay, ngoài duy trì ổn định diện tích trồng lúa 6.500 ha/năm, công tác chuyển đổi cây trồng cũng đạt kết quả tích cực, với hơn 246 ha đất lúa kém hiệu quả chuyển sang cây trồng cạn, tiết kiệm nước, cho hiệu quả kinh tế tăng từ 1,5-2 lần; đặc biệt, khu vực chuyển đổi sang trồng cây nha đam, dưa hoàng kim tăng gấp 3 lần so với trồng lúa.

Hoạt động chăn nuôi của huyện cũng có bước tăng trưởng khá, với tổng đàn gia súc có sừng trên 40.000 con, đàn heo hơn 11.700 con, đàn gia cầm 145.000 con. Sản phẩm gia súc, gia cầm như: Bò, dê, cừu, heo đen, gà được định hướng phát triển gắn liền với đặc thù vùng miền núi; trong đó, heo đen và gà núi trên địa bàn được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận thương hiệu sản phẩm đặc thù của huyện. Từ lợi thế trên, huyện triển khai các giải pháp hỗ trợ quảng bá, phát triển thương hiệu, tạo điều kiện cho Hợp tác xã Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp Suối Đá (xã Lợi Hải) liên kết với người dân xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm chăn nuôi theo quy trình khép kín với hàng trăm con heo đen và gà núi, mỗi năm xuất bán với số lượng lớn, đem lại lợi nhuận đáng kể. Đồng thời, vận động các nông hộ mạnh dạn đầu tư xây dựng trang trại, gia trại để tổ chức nuôi với số lượng lớn, gắn với chăn nuôi an toàn sinh học, kiểm soát tốt dịch bệnh. Song song đó, nhiều mô hình chăn nuôi được triển khai tại vùng đồng bào, miền núi phát huy hiệu quả như nuôi dê, cừu sinh sản, bò vỗ béo, giúp người dân tăng thu nhập cải thiện đời sống, xóa đói, giảm nghèo bền vững.

Nông dân xã Bắc Phong (Thuận Bắc) chăm sóc vườn rau thủy canh. Ảnh: Anh Thi

Ông Nguyễn Châu Cảnh, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thuận Bắc, nhìn nhận: Thông qua triển khai thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/HU đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của mỗi cán bộ, đảng viên và tầng lớp nhân dân đối với nhiệm vụ cơ cấu lại ngành Nông nghiệp của huyện. Nổi bật nhất là ý thức sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, thiếu ổn định từng bước được xóa bỏ, các hộ dân mạnh dạn áp dụng kỹ thuật mới, hình thành các vùng sản xuất cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện khí hậu thổ nhưỡng; thúc đẩy giá trị sản xuất trên 1 ha đất canh tác tại vùng chủ động nước tưới trên địa bàn huyện đến nay đạt hơn 106 triệu đồng/ha/năm.

Hướng tới phấn đấu giá trị sản xuất ngành Nông nghiệp bình quân hằng năm tăng từ 4-5%, đến năm 2025 giá trị sản xuất đạt 2.079 tỷ đồng, huyện Thuận Bắc đề ra các giải pháp tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của các hình thức tổ chức sản xuất; đẩy mạnh cơ giới hóa gắn với chuyển dịch cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện nắng hạn, thổ nhưỡng của từng vùng theo bản đồ nông hóa thổ nhưỡng đã được phê duyệt; từng bước thực hiện quy trình sản xuất trên một số cây trồng theo tiêu chuẩn VietGAP để nâng cao giá trị sản xuất. Phát triển chăn nuôi toàn diện, đồng bộ, hướng tới quy mô công nghiệp, bán công nghiệp gắn với các cơ sở giết mổ và chế biến tập trung. Chú trọng mở rộng hoạt động liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân; huy động, sử dụng hiệu quả nguồn vốn từ các chương trình, dự án để đầu tư phát triển hạ tầng thủy lợi, hỗ trợ người dân phát triển sản xuất ổn định...

Nguồn: http://baoninhthuan.com.vn/news/139335p25c151/thuan-bac-day-manh-co-cau-nganh-nong-nghiep.htm
Tin liên quan
Chưa có thông tin