Thừa Thiên - Huế đẩy mạnh việc chăn nuôi tập trung theo hướng hữu cơ, an toàn sinh học. Ảnh: baothuathienhue.vn
Sau hơn 4 năm liên kết với Tập đoàn Quế Lâm, ông Nguyễn Văn Lịch, trú tại xã Phong Thu, huyện Phong Điền đã xây dựng thành công mô hình chăn nuôi lợn hữu cơ theo hướng an toàn sinh học khép kín. Ưu điểm của mô hình là được tập đoàn hỗ trợ, cung cấp nguồn giống, thức ăn chăn nuôi, giám sát quy trình kỹ thuật và bao tiêu đầu ra cho sản phẩm với cam kết cao hơn giá thị trường.
Hiệu quả mang lại từ mô hình, năm 2021, gia đình ông tiếp tục đầu tư xây mới chuồng trại khép kín với kinh phí gần 1 tỷ đồng để nuôi 10 lợn nái và 100 lợn thịt/lứa. Với quy trình chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học đảm bảo thu lãi từ 500.000 – 800.000 mỗi con.
Ông Nguyễn Văn Lịch cho biết, chăn nuôi theo hướng hữu cơ, an toàn sinh học có rất nhiều ưu điểm. Thứ nhất lợn không cần tắm và dội nước nên tiết kiệm được nguồn nước; thứ hai quá trình chăn nuôi sử dụng chế phẩm sinh học trong thức ăn và đệm lót, do đó, không có mùi hôi, lợn khỏe mạnh không bị dịch bệnh. Đặc biệt, khi dịch tả lợn châu Phi bùng phát khiến nhiều hộ gia đình chăn nuôi lao đao thì đàn lợn của gia đình ông vẫn phát triển an toàn. Ngoài ra, gia đình ông còn tận dụng được nguồn phân hữu cơ lớn để bón cho 2 hecta bưởi da xanh.
Tại tỉnh Thừa Thiên – Huế, chăn nuôi có bước chuyển dịch từ phân tán, nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung, theo hướng công nghiệp, trang trại; chất lượng con giống, kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng ngày được nâng cao. Việc ứng dụng công nghệ cao vào chăn nuôi hữu cơ, chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh,... luôn được tỉnh, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và người dân quan tâm nhằm tạo ra sản phẩm chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hoá, đáp ứng nhu cầu thị trường tiêu dùng.
Tính đến nay, toàn tỉnh có 394 trang trại chăn nuôi; trong đó, 13 trang trại chăn nuôi gà, lợn quy mô lớn, 64 trang trại quy mô vừa và 317 trang trại quy mô nhỏ. Có 40 cơ sở chăn nuôi theo hướng hữu cơ, sử dụng đệm lót sinh học với tổng số 250 lợn nái và 5.000 con lợn thịt và 1 trang trại chăn nuôi lợn hữu cơ tại Tổ hợp chăn nuôi 4F ở xã Phong Thu, huyện Phong Điền với quy mô 100 con lợn nái và 2.200 con lợn giống, lợn thịt.
Ông Nguyễn Văn Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết, chăn nuôi an toàn sinh học mang lại lợi ích kép cho người nông dân, vừa tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất, lại góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, góp phần đưa ngành chăn nuôi của tỉnh phát triển theo hướng bền vững.
Để phát triển chăn nuôi theo hướng hữu cơ, an toàn sinh học đạt hiệu quả người chăn nuôi cần tuân thủ quy định về khoảng cách từ trang trại đến khu dân cư theo Luật Chăn nuôi; kiểm soát thức ăn, nước uống; thường xuyên vệ sinh tiêu độc khử trùng khu chăn nuôi, chuồng trại; hạn chế người ra vào; đầu tư hệ thống lưới để hạn chế sinh vật gây bệnh; đồng thời, thực hiện tiêm phòng vaccine các loại bệnh cho đàn vật nuôi.
Cùng với đó, ngành nông nghiệp tỉnh Thừa Thiên - Huế đã đẩy mạnh công tác tuyên tuyền để nhân rộng mô hình; kết nối với các đơn vị, doanh nghiệp thúc đẩy liên kết chăn nuôi hữu cơ; xây dựng giải pháp đồng bộ về giống, thức ăn và thị trường tiêu thụ; đồng thời, địa phương cũng tạo điều kiện hỗ trợ và thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển chăn nuôi theo hướng hữu cơ, an toàn sinh học, gắn với chuỗi giá trị để nâng cao năng suất và giá trị theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường, hạn chế rủi ro dịch bệnh phục vụ hiệu quả tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Tường Vi