Vùng ÐBSCL đang rất cần có nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư chế biến trái cây và các loại nông sản để nâng cao giá trị.
Yêu cầu cấp thiết thu hút đầu tư
Vùng ÐBSCL có diện tích tự nhiên trên 40.000km2, dân số trên 20 triệu người, với nguồn tài nguyên thiên nhiên và nhân lực dồi dào, hệ sinh thái đa dạng là vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn của cả nước. Thời gian qua, ÐBSCL đã trở thành vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp của cả nước và đóng góp phần lớn lượng lúa gạo, trái cây và nhiều loại nông thủy sản phục vụ xuất khẩu. Vùng ÐBSCL cũng đã thu hút được ngày càng nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước đến đầu tư vào lĩnh vực NN&PTNT. Các cấp chính quyền ở Trung ương và địa phương cũng đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm hỗ trợ và thúc đẩy phát triển NN&PTNT vùng ÐBSCL, nhờ vậy nông nghiệp và nông thôn tại vùng có nhiều đổi mới và phát triển, đời sống của người dân được cải thiện rõ nét.
Tuy nhiên, vùng ÐBSCL vẫn đang còn gặp nhiều khó khăn và thách thức do biến đổi khí hậu, nước biển dâng, xâm nhập mặn, cũng như các cơ sở hạ tầng, kết cấu kinh tế - xã hội chưa đồng bộ, nguồn nhân lực chất lượng cao còn thiếu. Liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ nhiều loại nông sản còn hạn chế, tiêu thụ chủ yếu ở dạng tươi thô, chưa tạo ra giá trị gia tăng cao... Do vậy, rất cần có sự đầu tư mạnh mẽ của các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước vào lĩnh vực nông nghiệp của vùng ÐBSCL nhằm phát huy tốt các tiềm năng, lợi thế và giúp phát triển theo hướng xanh, phát thải thấp và bền vững.
Ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho biết thời gian qua việc thu hút đầu tư vào lĩnh vực NN&PTNT tại Cần Thơ và các tỉnh vùng ÐBSCL nói chung đã được các cấp, các ngành quan tâm triển khai mạnh mẽ, đồng bộ và đạt một số kết quả khả quan. Ðặc biệt, đối với Cần Thơ tuy có diện tích đất sản xuất nông nghiệp không nhiều, nhưng thành phố đã có 44 doanh nghiệp chế biến thủy sản và 45 doanh nghiệp tham gia chế biến và đủ điều kiện xuất khẩu gạo trực tiếp. Các doanh nghiệp tại thành phố thu mua nguyên liệu ở khắp các địa phương vùng ÐBSCL. Song, do việc đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn còn dễ gặp các rủi ro nên số lượng doanh nghiệp tham gia đầu tư còn chưa nhiều.
Tạo cơ hội thuận lợi cho nhà đầu tư
Thời gian qua, Chính phủ, cùng các bộ, ngành Trung ương và địa phương vùng ÐBSCL đã ban hành nhiều chính sách và có nhiều hoạt động hỗ trợ thu hút đầu tư vào lĩnh vực NN&PTNT. Tiêu biểu là các chính sách hỗ trợ nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ, hỗ trợ lãi suất, phí, lệ phí và miễn, giảm thuế cho các dự án đầu tư vào NN&PTNT, cũng như cho thuê đất với thời hạn dài và hỗ trợ chuyển đổi mục đích sử dụng đất... Nhờ những chính sách trên, thu hút đầu tư vào ÐBSCL đã có những chuyển biến tích cực. Theo số liệu của Bộ NN&PTNT, tổng vốn đầu tư vào nông nghiệp tại ÐBSCL trong năm 2023 đạt khoảng 100.000 tỉ đồng, tăng 15% so với năm 2022.
Quảng bá tiềm năng, lợi thế của vùng ÐBSCL và tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa các bên để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến đầu tư vào lĩnh vực NN&PTNT của vùng, Bộ NN&PTNT vừa phối hợp với TP Cần Thơ tổ chức hội nghị "Xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực NN&PTNT vùng ÐBSCL". Tại hội nghị này, nhiều đại biểu kiến nghị, tới đây Bộ NN&PTNT cùng các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh thông tin, giới thiệu các tiềm năng lợi thế và dự án mà vùng đang thu hút đầu tư. Ðẩy nhanh việc hoàn thiện các cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi và có thêm chính sách hỗ trợ, tạo các cơ hội và điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư vào các dự án, chương trình, lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn tại ÐBSCL. Ðặc biệt là đầu tư vào các lĩnh vực phát triển nông nghiệp xanh giảm phát thải, đầu tư chế biến sâu các loại nông sản và khai thác các nguồn phụ phẩm để tạo ra giá trị gia tăng cao. Tiếp tục quan tâm tạo môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch gắn với đẩy mạnh phát triển thị trường tiêu thụ nông sản. Nâng cao trình độ sản xuất của nông dân và việc ứng dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của nông sản...
Theo bà Nguyễn Thị Hằng, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn thủy sản Bồ Ðề, để tạo điều kiện thuận lợi hơn, hấp dẫn hơn cho các nhà đầu tư và hỗ trợ cho doanh nghiệp đầu tư vào NN&PTNT, Bộ NN&PTNT cùng các bộ ngành Trung ương và địa phương cần ban hành công khai các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, các dự án mời gọi đầu tư, các chính sách ưu đãi đặc biệt, đặc thù, có tính chất dài hạn. Thu hút, tạo xu hướng đầu tư xanh trong nông nghiệp. Gắn mục tiêu phát triển kinh tế nông nghiệp với bảo vệ môi trường, bảo vệ các vùng sinh thái để phát triển bền vững.
Còn theo ông David John Whitehead, Chủ tịch Tập đoàn Mavin kiêm Phó Chủ tịch Phòng Thương mại Australia tại Việt Nam, các địa phương vùng ÐBSCL cần tiếp tục cải thiện cơ sở hạ tầng để tối ưu hóa vấn đề hậu cần và vận chuyển các nguồn nguyên vật liệu của các nhà đầu tư. Có hướng dẫn rõ ràng về quy trình, thủ tục xin giấy phép đầu tư, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và các giấy phép khác và chi tiết thời gian để thực hiện các bước của quá trình xây dựng kế hoạch và triển khai đầu tư. Nhà đầu tư cần được giảm tối thiểu sự chậm trễ trong việc giải quyết công việc và dễ dàng trong kinh doanh.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, trong thu hút đầu tư vào NN&PTNT vùng ÐBSCL, Bộ đang hướng đến đẩy mạnh thu hút đầu tư để nâng cao giá trị, hiệu quả sản xuất nông nghiệp, hướng đến nền kinh tế xanh và kinh tế số. Bộ cũng đang xây dựng nghị định về cơ giới hóa trong ngành nông nghiệp và triển khai đề án "Phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng ÐBSCL", xây dựng đề án về logistics nông sản và đề án về kinh tế trang trại... Qua đó, thúc đẩy đầu tư, phát triển các vùng nguyên liệu nông sản theo hướng xanh, phát thải thấp gắn đẩy mạnh cơ giới hóa, phát triển các dịch vụ logistics hỗ trợ và công nghệ số để chuyển đổi mạnh từ sản lượng sang giá trị. Bộ cũng rất mong muốn và kêu gọi các đơn vị, doanh nghiệp đầu tư vào NN&PTNT gắn với liên kết chuỗi giá trị, đầu tư theo chuỗi giá trị, với sự gắn kết tốt giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân...