|
  • :
  • :

Thị trường sản phẩm hữu cơ - dư địa rất lớn 

Phka Rumduol, Campuchia đã đoạt giải nhất cuộc thi Gạo ngon nhất thế giới (The World’s Best Rice) năm 2022 do The Rice Trader tổ chức tại Phuket, Thái Lan. Lúa mùa đặc sản của vùng đất Siem Reap - cố đô của đế chế Ăngkor được canh tác theo tiêu chuẩn hữu cơ.

Mùa gặt lúa hữu cơ ở Trí Lực, Thới Bình, tỉnh Cà Mau.

Điều gì cũng có thể xảy ra…

Trước đó, giống Phka Malys (hoặc Angkor Malis) của Campuchia cũng đoạt giải gạo ngon nhất thế giới vào các năm 2012, 2013, 2014 và năm 2018. Campuchia xây dựng nền nông nghiệp lành mạnh từ đống tro tàn sau nạn diệt chủng và tận dụng rất tốt những lợi thế của mình để tạo nên thương hiệu bền vững. Lay Chhun Hour, Phó Chủ tịch Cambodia Rice Federation (CRF) và là CEO của Battambang-based City Rice Import Export Co Ltd, nhà xuất khẩu lớn nhất Campuchia nói công ty này đã hậu thuẫn để gạo Campuchia đến cuộc thi và xuất khẩu sản phẩm.

Trở lại mùa gặt ở Trí Lực, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau vào tuần cuối tháng 11 - mấy bữa mưa cuối mùa, cứ mỗi đợt, giá lúa giảm 200 đồng/kg. Trời nắng ráo, giá lúa hữu cơ trồng theo mô hình tôm - lúa bán được 9.000 đồng/kg. Tới ngày 30-11, vùng lúa - tôm toàn huyện Thới Bình đã thu hoạch sớm được hơn 1.900ha (khoảng 10% tổng diện tích lúa - tôm toàn huyện), với tổng sản lượng hơn 12.400 tấn. Trong đó, tổng diện tích trồng ST24 được thu hoạch khoảng 970ha, 1/3 số lượng đã được bán theo các hợp đồng liên kết tiêu thụ (gần 2.500 tấn), giá trung bình chỉ khoảng 8.100 đồng/kg. Ở các xã Tân Bằng, Biển Bạch Ðông, Trí Phải của huyện Thới Bình, trung bình mỗi nơi còn từ 1.100 đến hơn 1.300 tấn lúa ST24, ST25 chưa bán được, số tồn đọng tới cuối tháng 11-2022 hơn 3.800 tấn.

Giá gạo hữu cơ từ nguồn cung của Hợp tác xã Trí Lực từng được một công ty đóng gói bán với giá 79.000 đồng/kg gạo. Nhưng ngày nào còn là lúa, hễ trời mưa, bất lợi trong thu hoạch phơi phong thì nông dân phải xuống giá. Thế mới thấy xứ mình nhiều khi rất khác người!

Tại Việt Nam, theo ước tính của Nielsen, tổng giá trị thị trường hữu cơ tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh ước đạt 400 tỉ đồng/năm và tăng dần hằng năm. Ða số sản phẩm hữu cơ được tiêu thụ qua kênh bán lẻ. Tại TP Hồ Chí Minh, ngoài 7 siêu thị Co.op Mart còn có khoảng 100 cửa hàng kinh doanh sản phẩm hữu cơ. World Bank nhận xét: Giai đoạn 2014-2016, mỗi năm Việt Nam có khoảng 1,5 triệu người gia nhập tầng lớp trung lưu với mức sống trên 15 USD/ngày. Ðến năm 2018, tầng lớp trung lưu tại Việt Nam chiếm 16,3% dân số và mỗi năm tăng thêm khoảng 1-1,5 triệu người. Tại thủ đô Hà Nội với hơn 4 triệu dân nội thành thì hơn 30% là tầng lớp trung lưu và hàng trăm nghìn người nước ngoài đang sinh sống cùng hàng triệu khách du lịch quốc tế. Mức chi tiêu của họ sẽ ngày một nhiều hơn, tạo ra nhu cầu rất lớn đối với nông sản chất lượng, an toàn, đặc biệt rau quả hữu cơ.

Quyết định 885/QÐ-TTg ngày 23-6-2020 của Thủ tướng Chính phủ khẳng định tầm quan trọng khi triển khai Ðề án phát triển nông nghiệp hữu cơ 2020-2025 theo hướng kết nối sản xuất với thị trường và phát triển bền vững. Mới đây, các dự báo cho thấy thị trường sản phẩm hữu cơ sẽ tăng lên con số 437,36 tỉ USD vào năm 2026 cùng với với tốc độ tăng trưởng kép hằng năm (CAGR) là 14%.

Thế hệ Millennials (hay còn gọi thế hệ Y hoặc gen Y, để chỉ những người sinh ra từ khoảng năm 1980 đến những năm đầu thập niên 2000) đang có cách lựa chọn an toàn hơn. Ðiều này thúc đẩy nhu cầu về thực phẩm hữu cơ, xu hướng này sẽ tồn tại lâu dài và tăng trưởng mạnh trong những năm tới nhằm cải thiện lối sống lành mạnh hơn, định hình cho mối quan hệ từ ngoài đồng tới bàn ăn minh bạch, đàng hoàng hơn, tử tế hơn, đạo đức và có trước có sau hơn!

Lối sống - chìa khóa hội nhập

Thực thi tiêu chuẩn chính là chìa khóa mở cửa thị trường cho trái ngon của Việt Nam. Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) cho biết năm 2018, Việt Nam có khoảng 50 công ty được chứng nhận các tiêu chuẩn hữu cơ quốc tế cho các mặt hàng như rau, củ, dừa và sản phẩm từ dừa, trái cây sấy, gạo… xếp hạng 51/179 quốc gia cung cấp sản phẩm hữu cơ vào thị trường này.

Ðể xuất khẩu thành công, doanh nghiệp Việt Nam cần tìm được các nhà nhập khẩu hữu cơ chuyên nghiệp, có uy tín thông qua các hội chợ (ví dụ như Biofach hoặc Fruit Logistica ở EU) hoặc danh bạ các công ty buôn bán thực phẩm hữu cơ có uy tín để trao đổi, giới thiệu sản phẩm hiện có hoặc sản phẩm tiềm năng sản xuất tại Việt Nam. Họ sẽ tư vấn về thủ tục và đặt hàng theo tiêu chuẩn phù hợp với thị trường. Nhà nước cần hỗ trợ doanh nghiệp các thông tin thị trường, tham gia hội chợ, xúc tiến thương mại, đơn giản hóa các thủ tục xuất khẩu, xây dựng được thương hiệu nông sản hữu cơ Việt Nam, theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ.

Châu Âu cũng cần sản phẩm hữu cơ từ Việt Nam, theo Ủy ban châu Âu về sản phẩm hữu cơ (ECOP) trong thập kỷ qua, thị trường hữu cơ EU đã tăng thêm 60%, hiện nay cung đang không đủ cầu, như tại Thụy Ðiển nhu cầu tăng hơn 20% mỗi năm.

Dự án EU-MUTRAP cho thấy: Năm 2019, Việt Nam đã xuất khẩu 148 triệu USD rau quả sang EU. EU không yêu cầu phải đánh giá rủi ro về sâu bệnh, không bắt buộc chiếu xạ đối với rau quả nhập khẩu, đặc biệt thuế xuất với đa số rau quả của Việt Nam đã về 0% từ 1-8-2020, nhưng cũng nên nhớ rằng, sản phẩm hữu cơ luôn là phân khúc có giá cao ở thị trường này.

Ðại sứ Nguyễn Văn Thảo, Ðại sứ Việt Nam tại Bỉ, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên minh châu Âu, cho biết, EU là thị trường nhập khẩu rau quả có quy mô khoảng 35 tỉ Euro/năm, trong đó nhu cầu với rau quả nhiệt đới, rau quả hiếm lạ ngày càng cao. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam vào thị trường EU chỉ đạt khoảng 150 triệu USD, tương đương 0,36% lượng nhập khẩu của khối và cả Anh Quốc chưa chiếm tới 1%. Dư địa phát triển còn rất lớn khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, tạo nền tảng pháp lý và động lực thúc đẩy xuất khẩu nói chung và xuất khẩu nông sản nói riêng, nhưng có vẻ như sự chuyển động vẫn còn quá chậm.

Ðại sứ Việt Nam tại Hà Lan Phạm Việt Anh cho rằng Hà Lan là cửa ngõ của EU, là điểm trung chuyển đi khắp lục địa với hệ thống logistics và vị trí địa lý thuận lợi nhất nhưng các mặt hàng rau quả của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này vẫn còn rất ít. “Chúng ta không chỉ mở rộng vùng trồng, đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật mà còn phải quan tâm đến tiêu chí về thân thiện với môi trường và trách nhiệm với xã hội vì đây là những yếu tố đang được châu Âu quan tâm”, Ðại sứ Phạm Việt Anh nói.

Businesswire.com dự báo mức tăng trưởng thị trường sản phẩm hữu cơ toàn cầu, giai đoạn 2019-2024, được duy trì ở mức 9%/năm. Bắc Mỹ là thị trường lớn nhất, tiếp theo là châu Âu, châu Á - Thái Bình Dương. Năm 2026, chỉ riêng thị trường rau quả sẽ tăng lên con số 437,36 tỉ USD.

Nguồn: https://baocantho.com.vn/thi-truong-san-pham-huu-co-du-dia-rat-lon-a154328.html
Tin liên quan
Chưa có thông tin