|
  • :
  • :

Tây Ninh nâng tầm thương hiệu cho các sản phẩm OCOP

Ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh cũng cho biết, thời gian tới đối với các sản phẩm tiềm năng muốn tham gia vào Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), Tây Ninh sẽ tăng cường tuyên truyền cho các chủ cơ sở, nhà sản xuất nhận biết rõ điều kiện tham gia OCOP, những lợi thế của sản phẩm khi đạt chứng nhận OCOP.

Bên cạnh đó, tổ chức tập huấn cho chủ cơ sở về kiến thức, kỹ năng liên quan đến việc xây dựng thương hiệu, xây dựng câu chuyện sản phẩm và cải tiến chất lượng để đáp ứng yêu cầu, mục tiêu mà chương trình OCOP đề ra.

Tay Ninh nang tam thuong hieu cho cac san pham OCOP hinh anh 1

Ðại diện Trại dế Oanh Vĩnh (xã Suối Dây, huyện Tân Châu) giới thiệu sản phẩm được xếp hạng OCOP tỉnh Tây Ninh (3 sao). Ảnh: baotayninh.vn

Đến năm 2025, tỉnh Tây Ninh phấn đấu có ít nhất 79 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên, trong đó có ít nhất 14 sản phẩm OCOP đạt 5 sao; có ít nhất 55 chủ thể có sản phẩm OCOP được công nhận từ 3 sao trở lên. Có ít nhất 76% các chủ thể OCOP xây dựng được chuỗi giá trị theo hướng kinh tế tuần hoàn, OCOP xanh gắn với vùng nguyên liệu ổn định.

Đến năm 2030, tỉnh có ít nhất từ 130-140 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên; trong đó, có ít nhất 25 sản phẩm OCOP đạt 5 sao; 70 chủ thể có sản phẩm OCOP được công nhận từ 3 sao trở lên; có ít nhất 85% các chủ thể OCOP xây dựng được chuỗi giá trị theo hướng kinh tế tuần hoàn, OCOP xanh gắn với vùng nguyên liệu ổn định.

Tổng nguồn vốn đầu tư cho chương trình OCOP của Tây Ninh giai đoạn 2020 – 2025 ước tính sẽ huy động được trên 140 tỷ đồng để xây sản phẩm, điều hành hoạt động; giai đoạn 2026 – 2030 sẽ huy động trên 98 tỷ đồng để thực hiện các hoạt động hướng đến xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm.

Hiện dư địa phát triển các sản phẩm OCOP của Tây Ninh còn rất lớn; các sản phẩm OCOP 3 sao, 4 sao có được là nỗ lực rất lớn của các chủ thể tham gia chương trình sản phẩm OCOP. Điều này nhằm góp phần đưa các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp và dịch vụ của Tây Ninh tiếp cận các thị trường lớn; là tiền đề, động lực để nâng các sản phẩm OCOP đạt chuẩn 5 sao và vươn tầm ra thế giới", ông Nguyễn Đình Xuân khẳng định

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh, cuối năm 2021, Tây Ninh đã cấp giấy chứng nhận cho 18 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao, 4 sao, nâng tổng số sản phẩm OCOP của tỉnh lên 26 sản phẩm, với hầu hết mang tính đặc thù và chỉ được tìm thấy ở Tây Ninh.

Ông Nguyễn Đình Xuân nhận định, chương trình OCOP bước đầu đã cho thấy hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Để đạt được chứng nhận OCOP, các sản phẩm phải đáp ứng những các tiêu chí khắt khe về vệ sinh an toàn thực phẩm, đặc sản phải gắn liền với địa phương và do doanh nghiệp hoặc người lao động tại địa phương sản xuất ra. Đồng thời, gắn liền với xây dựng nông thôn mới, kết hợp phát triển du lịch.

Trong 26 sản phẩm OCOP có 5 sản phẩm đạt chứng nhận 4 sao gồm: Bánh tráng siêu mỏng Tân Nhiên, quả mãng cầu (quả na) NATANI, dưa lưới Hoàng Xuân, nước ép mãng cầu Vĩnh Xuân, rượu mãng cầu Vương Ngọc Vegan.

Các sản phẩm OCOP 3 sao tiêu biểu gồm: Bánh tráng sa tế tỏi, bánh tráng sa tế tôm hành, bánh tráng phô mai, bánh tráng ớt bay muối nhuyễn siêu cay, mắm điều chay, nước mắm trái điều, chao môn, muối tiêu, mật ong rừng, mật ong đặc biệt hoa sao - dầu, xoài Úc R2E2, trái na Hoàng Hậu, bột dế Oanh Vĩnh, dế sấy sả ớt ăn liền….

Theo anh Đặng Khánh Duy, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Tân Nhiên, địa chỉ tại xã Trường Đông, thị xã Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh (một trong những đơn vị có nhiều sản phẩm đạt chứng nhận OCOP) cho biết, ngoài các tiêu chuẩn sản xuất hàng hóa theo quy chuẩn của quốc tế cũng như trong nước, thì việc được chứng nhận các sản phẩm OCOP đã góp phần rất lớn trong việc tìm đầu ra cho hàng hóa sản phẩm bánh tráng của công ty.

Hiện dây chuyền sản xuất bánh tráng của Tân Nhiên có thể đáp ứng nhu cầu sản xuất từ 8 - 10 tấn sản phẩm/ngày. Các sản phẩm bánh tráng hiện được phân phối tại hầu hết các hệ thống siêu thị, các cửa hàng bán lẻ trong nước, cũng như xuất khẩu đi nhiều nước.

Ông Nguyễn Thế Tân, Giám đốc Công ty cổ phần Natani, tại phường Ninh Sơn, thành phố Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh cho biết, năm 2021, sản phẩm na Bà Đen của Natani được tỉnh chứng nhận là sản phẩm OCOP 4 sao, đây cũng là một trong động lực để đưa quả na Bà Đen Tây Ninh vươn xa hơn, hướng đến xuất khẩu vào các thị trường khó tính. Đến nay, Natani đã giúp hàng trăm người dân trong vùng kết hợp cùng Natani xây dựng được vùng nguyên liệu na lớn theo quy trình VietGAP, định hướng phát triển đến quy trình truy xuất được nguồn gốc sản phẩm.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh, dù bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, nhưng việc quảng bá, phân phối sản phẩm OCOP của tỉnh thời gian vừa qua vẫn duy trì được xuyên suốt thông qua các sàn thương mại điện tử, các điểm giới thiệu sản phẩm OCOP, siêu thị, trung tâm thương mại… đã mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, tạo được thị trường sâu rộng, dễ dàng kiểm soát hàng hoá. Đây cũng là xu thế tất yếu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư mà doanh nghiệp phải hướng đến trong tương lai.

Phạm Thanh Tân

Nguồn: http://dantocmiennui.vn/tay-ninh-nang-tam-thuong-hieu-cho-cac-san-pham-ocop/317944.html
Tin liên quan
Chưa có thông tin