|
  • :
  • :

Tây Nguyên: Cà phê được giá, dân chưa kịp mừng đã vội lo

Dù cả sản lượng và giá cà phê cùng tăng nhưng nông dân vẫn chẳng thể vui vì đang phải "gồng gánh" chi phí khi phân bón, nhân công tăng mạnh.

Giữa tháng 10/2022, giá cà phê nhân đạt đỉnh điểm với 47.000 đồng/kg. Vào thời điểm đó, nông dân cũng chưa kịp thu hái để bán lúc giá đang cao.

Hiện giá cà phê giảm xuống 40.000 đồng/kg. Tuy nhiên, so với năm trước, giá cà phê hiện vẫn đang cao. Sản lượng cũng tăng nhẹ. Thế nhưng nông dân chưa kịp mừng đã vội lo vì phân bón, chi phí và nhân công cũng "đội" giá 30%.

Tây Nguyên: Cà phê được giá, dân chưa kịp mừng đã vội lo - Ảnh 1.

Nông dân đang hối hả vào vụ thu hoạch cà phê sau một năm chăm sóc (Ảnh: Phạm Hoàng).

Ông Vương Đình Danh (trú tại thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai, Gia Lai) cho biết: "Gia đình có hơn 4ha cà phê. Đầu mùa, giá cà phê cao nhưng lúc đó cây chưa chín. Đến nay vào vụ đại trà thì cà phê giảm xuống còn hơn 40.000 đồng/kg. So với mọi năm, giá có tăng nhưng phân bón cũng tăng lên gấp đôi, nhân công cũng tăng khiến gia đình phải gồng gánh chi phí đầu tư quá lớn".

Tây Nguyên: Cà phê được giá, dân chưa kịp mừng đã vội lo - Ảnh 2.

Năm nay, giá cà phê và sản lượng tăng nhẹ so với mọi năm nhưng chi phí đầu tư, phân bón lại tăng "chóng mặt" (Ảnh: Phạm Hoàng).

Để giảm áp lực khi giá cà phê lên xuống thất thường, ông Vương Đình Danh cùng với con trai đã xây dựng vườn cà phê theo hướng hữu cơ.

Theo đó, ông Danh không dùng thuốc diệt cỏ, sử dụng đúng, đủ liều lượng các phân hóa học, thuốc trừ sâu để cây cà phê phát triển bền vững và đạt năng suất ổn định hàng năm.

Đặc biệt, ông sơ chế, phơi sấy cà phê trên giàn sau khi thu hoạch nhằm đảm bảo cà phê sạch, giữ trọn hương vị.

Tây Nguyên: Cà phê được giá, dân chưa kịp mừng đã vội lo - Ảnh 3.

Để tăng giá trị, ông Danh đã thu hái khi cà phê đạt độ chín và sơ chế theo hướng cà phê sạch (Ảnh: Phạm Hoàng).

"Nhiều năm nay, nông dân ở vùng sâu, vùng xa đều bán cà phê qua thương lái nên không được giá như thị trường. Chính vì vậy, gia đình đã chủ động tìm đầu ra cho sản phẩm ở các thành phố lớn. Cà phê thu hái đạt độ chín chuẩn, phơi sạch sẽ, được giá hơn hẳn", ông Danh bộc bạch.

Tương tự, anh Trần Xuân Hường (trú tại xã Ia Bă, huyện Ia Grai, Gia Lai) đang sở hữu hơn 3ha với 3000 cây cà phê.

Anh Hường cho biết, sản lượng cà phê trong vườn nhà có tăng hơn mọi năm. Tuy nhiên, giá phân bón lại tăng gấp đôi, nhân công cũng tăng lên 30%. Nếu chăm chỉ, "lấy công làm lời", mỗi hecta cà phê lãi khoảng 70 triệu đồng, sau khi trừ hết chi phí.

Tây Nguyên: Cà phê được giá, dân chưa kịp mừng đã vội lo - Ảnh 4.

Anh Trần Xuân Hường đã mày mò tạo ra thương hiệu cà phê bột từ quả cà phê do chính tay mình làm ra (Ảnh: Phạm Hoàng).

Để tăng thêm thu nhập, anh Hường cũng dành 50% sản lượng cà phê để sơ chế và rang xay thành bột, phân phối cho các cửa hàng cà phê nguyên chất. Nhờ vậy, giá trị hạt cà phê của anh Hường đã được nâng lên.

Theo thông tin từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ia Grai, năm nay cà phê trên địa bàn được mùa, sản lượng cao hơn năm trước khoảng 10%.

Tây Nguyên: Cà phê được giá, dân chưa kịp mừng đã vội lo - Ảnh 5.

Nhiều nông dân trên địa bàn Gia Lai đã thay đổi hình thức xử lý sau khi thu hái giúp cho giá trị, chất lượng cà phê được nâng lên (Ảnh: Phạm Hoàng).

Đại diện Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ia Grai cho biết, trước việc giá cà phê bấp bênh và thời tiết thất thường, nhiều hộ gia đình trên địa bàn đã sản xuất cà phê theo hướng hữu cơ, cà phê sạch. Một số hộ còn mạnh dạn sản xuất cà phê bột nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế.

Những năm qua, Phòng cũng hướng dẫn, định hướng bà con để đưa thương hiệu cà phê trên địa bàn phát triển bền vững.

Tây Nguyên: Cà phê được giá, dân chưa kịp mừng đã vội lo - Ảnh 6.

Thay vì phơi đất, anh Đức đã làm giàn kính để phơi cà phê mới thu hái (Ảnh: Phạm Hoàng).

Toàn tỉnh Gia Lai hiện có hơn 87.000ha cà phê kinh doanh. Thời điểm này, hầu như các nhà vườn đều đã thu hái 50-70% diện tích. Một số nhà vườn cũng ý thức được về việc đảm bảo, nâng cao chất lượng nên đều chỉ hái khi cà phê đạt độ chín. Nông dân đã cùng nhau xây dựng các hợp tác xã, tổ hội để tạo thành liên kết nhằm tạo vùng nguyên liệu rộng lớn, đáp ứng nhu cầu cà phê hữu cơ của các thị trường khó tính.

Nguồn: http://trangtraiviet.vn/tay-nguyen-ca-phe-duoc-gia-dan-chua-kip-mung-da-voi-lo-20221202084735916.htm
Tin liên quan
Chưa có thông tin