|
  • :
  • :

Tàu chở 73.000 tấn nông sản nhập khẩu đầu tiên của MXV cập cảng Quảng Ninh

Lúc 10h00 ngày 30/11, tàu MV Galaxy Globe đã cập cầu Cảng Quảng Ninh sau 6 tuần rời cảng Bahia Blanca, Argentina. Tàu chở hơn 73.000 tấn nông sản nhập khẩu, trong đó chủ yếu là mặt hàng ngô được sử dụng cho ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi.

Hình minh họa.

Đây là lô hàng nhập khẩu đầu tiên của Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), , đánh dấu bước chuyển mình quan trọng của MXV nói riêng và thị trường giao dịch hàng hóa tại Việt Nam nói chung.

Trong năm 2022, khối lượng giao dịch hàng hóa tại MXV dự kiến sẽ ghi nhận mức tăng trưởng trên 30% so với năm 2021. Sau 4 năm liên thông giao dịch với các Sở Giao dịch thế giới, giao dịch hàng hóa đã trở thành một kênh đầu tư phổ biến đối với các nhà đầu tư trong nước, đồng thời mang đến công cụ bảo hiểm giá ưu việt dành cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu. 

Trong bối cảnh nhiều thị trường đầu tư truyền thống có dấu hiệu hạ nhiệt, khối lượng và giá trị giao dịch hàng hóa vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định, cho thấy thị trường đã bước qua giai đoạn xây dựng và phát triển cơ bản, chuẩn bị bước sang giai đoạn mở rộng cả về chất lượng và quy mô.

Bên cạnh hình thức giao dịch điện tử, giao nhận hàng hóa là một phần không thể thiếu trong mô hình hoạt động của bất kỳ thị trường giao dịch hàng hóa nào. 

Chia sẻ trong buổi làm việc với Bộ Công Thương vào tháng 9/2022, đại diện Sở Giao dịch Hàng hóa Chicago (CME Group) cho biết, các Sở Giao dịch lớn trên thế giới đều có chức năng giao nhận hàng vật chất. Mặc dù trên thực tế, tỉ trọng của hàng hóa được giao nhận thông qua các Sở Giao dịch chỉ chiếm ít hơn 1% tổng khối lượng giao dịch điện tử; nhưng đây vẫn là nghiệp vụ quan trọng, đảm bảo sự liền mạch trong hoạt động giao dịch hàng hóa.

Trong buổi làm việc tại trụ sở MXV vào ngày 03/12, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đã đặc biệt nhấn mạnh việc MXV cần đẩy mạnh hoạt động giao nhận hàng hóa vật chất, để đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn quốc tế và hướng tới trở thành một trong những Sở Giao dịch Hàng hóa lớn nhất trong khu vực. Đây là yếu tố cần thiết và quan trọng trong quá trình hội nhập kinh tế và thương mại của đất nước.

Cùng với sự phát triển của kinh tế - xã hội, Việt Nam đang ngày càng nhập khẩu nhiều nguyên liệu cho hoạt động sản xuất thức ăn chăn nuôi, là đầu vào cho chuỗi cung ứng thực phẩm thiết yếu trong nước. 

Ông Phạm Thanh Dương, Phó Tổng Giám đốc MXV cho biết: "Trong năm 2022, Việt Nam dự báo sẽ đứng thứ 3 về nhập khẩu khô đậu tương và đứng thứ 6 về nhập khẩu ngô trên toàn thế giới. Với ngành chăn nuôi đang hồi phục và phát triển, mức tiêu thụ nguyên liệu thức ăn chăn nuôi của nước ta dự báo sẽ tăng từ 10 - 15% trong năm 2023". 

Trong khi ngô cung cấp chất bột, thì khô đậu tương là loại nguyên liệu không thể thay thế trong việc cung cấp protein cho gia súc, gia cầm. Các nhà máy thức ăn chăn nuôi trong nước thường sử dụng các nguyên liệu có nguồn gốc từ Mỹ, Brazil và Argentina; trong khi giá nhập khẩu sẽ được điều chỉnh theo giá nông sản giao dịch tại MXV liên thông với CME Group.

Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang đứng trước nhiều biến số khó lường trong năm 2023 khi lạm phát đang phủ kín các diễn đàn kinh tế, nhu cầu tiêu thụ nhiều mặt hàng không thiết yếu như cà phê, ca cao, cao su,…dự kiến sẽ sụt giảm. Tuy nhiên, các mặt hàng có tính thiếu yếu như các sản phẩm chăn nuôi, thức ăn chăn nuôi sẽ vẫn duy trì mức tiêu thụ ổn định, thậm chí còn tăng trưởng khi dân số thế giới đã vượt mốc 8 tỷ người. 

"MXV đánh giá rất cao tiềm năng của thị trường nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam. Không những phát triển về lượng, thị trường sẽ tiếp tục phát triển về chất, đặc biệt là sự đa dạng của các sản phẩm nhập khẩu. Việc tập trung vào các sản phẩm thế mạnh của Việt Nam cũng nằm trong tầm nhìn và sứ mệnh của MXV, góp phần nâng cao hoạt động thương mại trong nước và quốc tế", ông Dương cho biết thêm.

Nguồn: http://nongthonviet.com.vn/tau-cho-73000-tan-nong-san-nhap-khau-dau-tien-cua-mxv-cap-cang-quang-ninh.ngn