|
  • :
  • :

Tạo thuận lợi phát triển sản xuất giống cây trồng 

Với sự khuyến khích và hỗ trợ tích cực của các cấp và các ngành chức năng, thời gian qua hoạt động nghiên cứu, phát triển sản xuất kinh doanh giống cây trồng ở nước ta đã được đẩy mạnh, tạo ra nhiều giống cây trồng cho năng suất và chất lượng tốt phục vụ sản xuất. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập quốc tế, đòi hỏi cần tạo các điều kiện thuận lợi hơn cho việc nghiên cứu phát triển sản xuất và công bố giống cây trồng. Ðồng thời, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về giống.

Mua bán giống cây ăn trái tại một cơ sở sản xuất kinh doanh giống ở huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre.

Nhiều tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất giống

Thời gian qua, các cấp thẩm quyền đã rà soát, bổ sung và hoàn thiện các quy định của pháp luật để tạo thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước, cũng như các hoạt động khuyến khích nghiên cứu, phát triển sản xuất và kinh doanh giống cây trồng. Ðồng thời, triển khai nhiều chương trình, dự án và đề án nhằm hỗ trợ và thu hút các đơn vị, doanh nghiệp hợp tác xã và hộ dân tham gia sản xuất giống cây trồng. Qua đó, nước ta đã hình thành được hệ thống các cơ quan, đơn vị và tổ chức, cá nhân tham gia nghiên cứu, chọn tạo giống cây nông nghiệp khá đa dạng.

Theo Hiệp hội Thương mại giống cây trồng Việt Nam, nước ta có hệ thống nghiên cứu của các Viện về nông nghiệp nói chung và giống cây trồng nông nghiệp gồm 19 đơn vị thành viên thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, với 2.556 cán bộ và công viên chức, trong đó 35% có trình độ tiến sĩ và thạc sĩ. Hệ thống nghiên cứu của các trường gồm có Học viện Nông nghiệp Việt Nam và 6 trường đại học chuyên ngành nông lâm nghiệp và thủy sản, chưa tính các trường đại học có khoa nông, lâm nghiệp. Ðối với hệ thống nghiên cứu của các trung tâm giống thuộc các tỉnh và thành phố, hiện có khoảng 40 trung tâm giống cây trồng. Hiện nhiều tổ chức và cá nhân cũng tham gia nghiên cứu và sản xuất kinh doanh giống cây trồng, nhất là các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ dân. Hiện nhiều công ty lớn cũng có các viện nghiên cứu hoặc trung tâm nghiên cứu và phát triển sản xuất giống cây trồng.

Luật Trồng trọt được Quốc hội khóa 14 thông qua ngày 19-11-2018 có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2020, thay thế Pháp lệnh Giống cây trồng năm 2004 đã góp phần tích cực vào việc nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và thúc đẩy phát triển sản xuất giống cây trồng. Luật có 7 chương, 85 điều quy định về giống cây trồng, phân bón, canh tác, thu hoạch, sơ chế, bảo quản, chế biến, thương mại và quản lý chất lượng sản phẩm cây trồng. Theo ông Nguyễn Văn Vương, Trưởng phòng cây lương thực - cây thực phẩm thuộc Cục Trồng trọt, khi thực thi theo Pháp lệnh Giống cây trồng, đối với giống lúa có tổng số giống công nhận từ 2013-2019 là 150 giống lúa (bình quân 22 giống/năm). Còn sau khi Luật Trồng trọt có hiệu lực, từ năm 2020 đến 2023, đối với giống lúa đã công nhận được 190 giống lúa (bình quân 48 giống/năm), trong đó bao gồm công nhận lưu hành, gia hạn lưu hành và công nhận lưu hành đặc cách. Nước ta cũng công nhận nhiều giống cây trồng khác, trong đó có 96 giống bắp. Dù còn gặp một số khó khăn, vướng mắc nhưng nhìn chung tốc độ công nhận và đáp ứng nhu cầu giống cho thị trường được đảm bảo và có phần thuận lợi hơn trước...

Nâng cao hiệu quả quản lý

Báo Nông nghiệp Việt Nam - Ðơn vị thường trực Tổ Ðiều hành Diễn đàn kết nối nông sản 970 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) vừa phối hợp với Cục Trồng trọt và các đơn vị có liên quan tổ chức diễn đàn “Thực trạng sản xuất, kinh doanh, đăng ký lưu hành và tự công bố lưu hành giống cây trồng nông nghiệp, giải pháp phát triển hiệu quả, bền vững ngành hàng giống cây trồng Việt Nam”. Tại diễn đàn này, nhiều đại biểu cho rằng, bên cạnh nhiều kết quả tích cực đã đạt được, công tác nghiên cứu và phát triển sản xuất, kinh doanh giống cây trồng ở nước ta vẫn còn gặp các khó khăn và hạn chế cần khắc phục để đáp ứng yều cầu phát triển sản xuất trong tình hình mới. Ðặc biệt, hệ thống sản xuất giống không đồng đều giữa các vùng miền. Tình trạng vi phạm bản quyền về giống và việc quảng cáo, buôn bán các loại giống kém chất lượng, không đảm bảo chất lượng vẫn còn xảy ra tại nhiều nơi gây thiệt hại cho nông dân, doanh nghiệp và các bên có liên quan. Số lượng doanh nghiệp tham gia ngành giống khá đông nhưng chưa thực sự mạnh và nước ta còn phải nhập khẩu nhiều loại giống cây trồng, nhất là giống rau màu và hoa kiểng. Bên cạnh đó, các quy định của pháp luật còn một số bất cập, thủ tục rườm rà. Các văn bản hướng dẫn Luật Trồng trọt chậm ban hành và một số còn mâu thuẫn... Do vậy, các cấp thẩm quyền cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn Việt Nam về giống cây trồng. Rà soát, bổ sung, hoàn thiện các quy định của pháp luật để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các tổ chức và cá nhân trong việc nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để phát triển sản xuất và kinh doanh giống cây trồng...

Ông Trần Xuân Ðịnh, Phó Chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Thương mại giống cây trồng Việt Nam, kiến nghị: “Tới đây cần sửa đổi Luật Trồng trọt và các quy định còn bất cập. Kịp thời ban hành quy định về buôn bán giống cây trồng qua mạng và có chế tài xử phạt nghiêm các vi phạm để tạo sự răn đe. Quan tâm nâng cấp hạ tầng thông tin về giống cây trồng giúp việc quản lý và truy cập, tra cứu thuận tiện, kịp thời...”. Theo PGS.TS Nguyễn Văn Viết, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Nafoods, Công ty cổ phần Nafoods Group, thị trường giống cây trồng, nhất là cây ăn quả vẫn còn tồn tại nhiều loại giống trôi nổi, không đảm bảo chất lượng, nếu không kịp thời kiểm soát tốt vấn đề này thì thiệt hại lớn cho sản xuất ở nhiều khía cạnh. Ðáng chú ý, người sản xuất phải mua cây giống với giá đắt nhưng trồng cây lại không thu được năng suất, chất lượng như mong muốn. Nguy hiểm hơn là nó tạo nguy cơ lây lan, truyền bệnh trên cây trồng. Tới đây, các cơ quan chức năng từ Trung ương đến địa phương cần tăng cường công tác kiểm soát chất lượng cây giống và có chế tài xử phạt thật nặng đối với các trường hợp vi phạm, nhất là việc xem xét rút giấy phép sản xuất kinh doanh. Luật Trồng trọt ra đời đã tạo nhiều thuận lợi cho công tác sản xuất kinh doanh và công nhận giống, nhưng vẫn còn những điều chưa phù hợp, cần bổ sung, sửa đổi để tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, giúp tiết kiệm thời gian và chi phí.

Nguồn: https://baocantho.com.vn/tao-thuan-loi-phat-trien-san-xuat-giong-cay-trong-a168701.html
Tin liên quan
Chưa có thông tin