Một công đoạn làm chè lam Phủ Quảng. Ảnh: Nguyễn Nam-TTXVN
Loại chè lam Phủ Quảng này có vị ngọt, dẻo, thơm ngon nên được rất nhiều người ưa chuộng, nhờ làm nghề sản xuất chè lam Phủ Quảng, nhiều hộ dân đã vươn lên thoát nghèo.
Chè lam Phủ Quảng là sản phẩm đặc trưng và là nghề truyền thống đã có từ lâu đời của các hộ dân thị trấn Vĩnh Lộc và xã Vĩnh Thành, huyện Vĩnh Lộc. Sản phẩm này được chế biến từ gạo nếp cái hoa vàng, mật mía, gừng, lạc, đường trắng, mạch nha, khi làm phải tuân thủ từng công đoạn chế biến thì mới làm ra chè lam ngon.
Khi sản xuất xong, chè lam này có mùi vị dẻo thơm ngon của gạo nếp, vị bùi của lạc, vị cay của gừng, vị ngọt thơm của mật mía, hình thức 1 thanh chè lam có màu nâu nhạt và có hoa trắng do lạc tạo nên rất ngon, được người dân trên cả nước ưa chuộng, dùng làm món ăn trong dịp tết Nguyên Đán.
Chuẩn bị cho vụ Tết Nguyên đán, chị Đỗ Thị Thu, chủ cơ sở sản xuất chè lam Lâm Thu, thị trấn Vĩnh Lộc đang gia tăng sản xuất để có hàng bán cho khách. Để làm ra một thanh chè lam thơm ngon, đầu tiên cho gạo vào nước vo sau, rồi rang cho hạt gạo chín vàng, sau đó sát hạt lạc bỏ vỏ, rửa gừng, bỏ mật mía, đường gừng, dầu ăn vào chảo rồi đun sôi, quấy đều tay.
Sau đó, cho hỗn hợp vào khuôn, dàn đều ra khuôn và dùng dao cắt theo khuôn. Bước cuối cũng là cho thanh chè lam vào túi đóng thành sản phẩm, một thanh chè lam có độ dày 0,5 cm có hình chữ nhật hoặc hình vuông.
Theo chị Thu, nghề chè lam truyền thống này là do ông bà thời xưa để lại cho con cháu làm, trung bình mỗi tháng gia đình chị Thu sản xuất 5 tạ, nhưng vào vụ Tết Nguyên đán này sẽ sản xuất gấp 3. Tổng số lượng chè lam sản xuất trong một năm là 10 tấn chè lam, thu nhập bình quân đạt 500 triệu/năm, tạo việc làm cho 5 lao động mức lương 4 triệu/người/tháng.
Ông Vũ Văn Thành, xã Vĩnh Thành cho biết, gia đình ông đã làm nghề sản xuất chè lam Phủ Quảng từ lâu, mỗi năm gia đình xuất bán khoảng 5 tấn. Nhờ làm chè lam mà gia đình đã thoát nghèo, ông cũng kết hợp sản xuất thêm kẹo lạc, nhờ đó mỗi năm gia đình ông thu nhập hơn 100 triệu đồng, hiện nghề truyền thống chè lam truyền thống đang giúp ông Thành kiếm đủ tiền nuôi các con ăn học.
Thống kê của huyện Vĩnh Lộc, nghề làm chè lam hiện đang giúp khoảng 20 hộ dân trên có thu nhập ổn định, sản phẩm chè lam Phủ Quảng đã được tỉnh Thanh Hóa chứng nhận đạt OCOP 3 sao và luôn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Ngoài chè lam, huyện Vĩnh Lộc cũng phát triển thêm một số sản phẩm đạt OCOP như: rượu Sâm Báo, gạo nếp hạt cau...
Ông Vũ Hùng Thanh, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ Tầng huyện Vĩnh Lộc cho hay, huyện Vĩnh Lộc đã phát triển được 9 sản phẩm OCOP; trong đó, có sản phẩm chè lam phủ Quảng đang giúp nhiều hộ dân trên địa bàn có doanh thu ổn định, sản phẩm này cũng đã được bán trên thị trường trong, ngoài tỉnh và được nhiều người ưa chuộc.
Thời gian tới, huyện Vĩnh Lộc sẽ phát triển nghề làm chè lam này, đồng thời phát triển thêm các sản phẩm OCOP mới và nâng cao chất lượng các sẩn phẩm OCOP đã được công nhận, gắn với chỉ dẫn đị lý, nhãn hiệu tập thể, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân.
Về phía tỉnh Thanh Hóa đang tích cực chỉ đạo các ban, ngành tăng cường kiểm tra an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất thực phẩm, bánh kẹo tiêu dùng để bảo đảm chất lượng, nguồn thực phẩm cũng như sức khỏe cho người dân.
Nguyễn Nam