Ông Nguyễn Thành Nghi, Giám đốc HTX nông nghiệp Thới Trinh, quận Ô Môn giới thiệu vườn nhãn được trồng theo tiêu chuẩn, đạt chất lượng an toàn…
Ðể thúc đẩy phát triển Chương trình OCOP phù hợp với điều kiện, lợi thế về nguồn nguyên liệu và lao động địa phương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ đã phối hợp với các ngành hữu quan thành phố và các địa phương triển khai nhiều chương trình hỗ trợ các chủ thể, HTX tham gia chương trình phát triển sản phẩm OCOP. Theo đó, ngành Nông nghiệp thành phố đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ quản lý và thành viên HTX về Chương trình OCOP; hướng dẫn hỗ trợ các HTX xây dựng nhãn hiệu; đồng thời hỗ trợ các HTX tham gia các hội nghị, hội chợ xúc tiến thị trường cho sản phẩm OCOP... Với sự trợ lực của ngành chức năng thành phố, nhiều HTX tham gia chương trình OCOP đã tiếp cận và nắm bắt được nhu cầu thị trường, từng bước cải tiến, nâng cao chất lượng cho sản phẩm OCOP, đáp ứng theo yêu cầu thị trường, liên kết với các đối tác, doanh nghiệp phát triển sản xuất gắn với tiêu thụ, giúp gia tăng giá trị sản phẩm OCOP và thu nhập cho
thành viên.
Chủ động nắm bắt nhu cầu thị trường, linh hoạt tổ chức cho thành viên làm theo tiêu chuẩn VietGAP cũng như OCOP, đáp ứng yêu cầu thị trường là hướng đi được HTX nông nghiệp Thới Trinh, phường Thới An, quận Ô Môn triển khai, góp phần mang lại giá trị kinh tế cao cho nhà vườn vào HTX. Ông Nguyễn Thành Nghi, Giám đốc HTX nông nghiệp Thới Trinh, cho biết: HTX hiện có 60 thành viên, chuyên canh cây ăn trái, với tổng diện tích hơn 48,8ha, trong đó nhãn Ido là cây trồng chủ lực. Ðể giúp nhà vườn nâng cao thu nhập, ngành chức năng quận đã hỗ trợ bà con trong HTX nông nghiệp Thới Trinh canh tác nhãn Ido theo tiêu chuẩn VietGAP; đồng thời, hỗ trợ HTX xây dựng nhãn hiệu tập thể, mã số vùng trồng… Ðến nay, HTX đã được cấp 4 mã số vùng trồng và sản phẩm nhãn Ido của HTX còn được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Ðây chính là bước đệm, giúp HTX tiếp cận được nhiều đối tác, đưa nhãn Ido vào hệ thống siêu thị GO, Bách Hóa Xanh… trên địa bàn thành phố. Theo anh Nghi, bình quân mỗi ngày HTX xuất bán ra thị trường từ 2-5 tấn nhãn Ido, với giá bán từ 16.000-26.000 đồng/kg, tùy thời điểm. Nhờ chủ động áp dụng tốt các kỹ thuật canh tác mới để cây nhãn Ido cho trái quanh năm, kết hợp sử dụng phân hữu cơ để trái nhãn đạt tiêu chuẩn chất lượng an toàn theo xu thế của thị trường, nên nhãn Ido của HTX thu hoạch đến đâu đều được thương lái, đối tác thu mua đến đó, giúp mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nhà vườn vào HTX. Ước tính với 1 công đất (có diện tích 1.300m2), chuyên trồng nhãn Ido, đạt năng suất trung bình từ 2,5-3 tấn/công, nhà vườn sẽ có thu nhập trên dưới 20 triệu đồng/công, tùy thời điểm.
HTX làng nghề Cờ Ðỏ, thị trấn Cờ Ðỏ, huyện Cờ Ðỏ, chuyên sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ nguồn nguyên liệu lục bình hiện có tại địa phương. Hiện HTX có gần 50 thành viên và người lao động, chủ yếu là đồng bào Khmer, chuyên làm các loại giỏ đựng đồ dùng từ lục bình, với năng lực cung ứng trên 1.000 sản phẩm/tháng, theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp chuyên làm hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu tại TP Cần Thơ. Qua đó, HTX đã giúp tạo việc làm và mang lại nguồn thu nhập trên dưới 4,5 triệu đồng/tháng cho người lao động nhàn rỗi, nhất là phụ nữ tại địa phương.
Bà Sơn Thị Lang, Giám đốc HTX làng nghề Cờ Ðỏ, cho biết: Cùng với năng lực sản xuất vốn có, HTX làng nghề Cờ Ðỏ còn được chính quyền địa phương hỗ trợ tham gia chương trình OCOP và đến nay sản phẩm đan đát lục bình của HTX đã đạt được chứng nhận OCOP 4 sao của thành phố. Nhờ vậy, HTX đã ký kết được hợp đồng tiêu thụ sản phẩm ổn định với đối tác chuyên xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ. Theo bà Lang, để các mặt hàng làm ra đạt chất lượng cao, đáp ứng theo yêu cầu của khách hàng, HTX tích cực hỗ trợ thành viên và các chị em làm nghề đan đát lục bình tham gia các lớp dạy nghề thủ công để nâng cao tay nghề; đồng thời, HTX còn tham gia các chương trình hội nghị, hội chợ xúc tiến quảng bá sản phẩm OCOP trong và ngoài thành phố… Qua đó, giúp HTX dễ dàng tiếp cận khách hàng và thị hiếu của thị trường, từng bước cải tiến mẫu mã cho các mặt hàng thủ công mỹ nghệ theo xu thế mới để gia tăng giá trị cho sản phẩm OCOP đặc trưng của địa phương.
Cùng với sự tiếp sức của ngành chức năng thành phố, việc các HTX nỗ lực áp dụng các tiêu chuẩn để sản phẩm làm ra đạt các tiêu chuẩn chất lượng cao và đạt chứng nhận OCOP đã đáp ứng được nhu cầu thị trường và có đầu ra ổn định. Song, việc đầu tư phát triển cho sản phẩm OCOP cũng như gia tăng thu nhập cho người sản xuất chưa đạt như kỳ vọng. Ðể gia tăng giá trị cho sản phẩm OCOP, ngoài việc các HTX chủ động phát huy nội lực, ngành chức năng thành phố cần tăng cường các nguồn lực hỗ trợ cho các HTX tham gia chương trình OCOP, xây dựng và phát triển hoàn thiện cơ sở hạ tầng, tăng cường áp dụng công nghệ và các giải pháp kỹ thuật để nâng chất cho sản phẩm OCOP, nhất là sản phẩm, hàng hóa mang tính đặc trưng của địa phương; kết hợp triển khai đa dạng các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối thị trường tiêu thụ cho sản phẩm OCOP… Qua đó, tạo điều kiện cho các chủ thể, HTX có sản phẩm OCOP bắt nhịp xu thế thị trường, liên kết sản xuất, phát triển và mở rộng thị trường tiêu thụ để gia tăng giá trị cho sản phẩm OCOP và nâng cao thu nhập cho người sản xuất.