|
  • :
  • :

Tân Thạnh: Xây dựng mã số vùng trồng để nâng cao giá trị nông sản

 

Mã số vùng trồng được xem là điều kiện bắt buộc để nông sản Việt Nam có thể xuất khẩu chính ngạch, trụ vững tại những thị trường lớn. Đây cũng là cách huyện Tân Thạnh (tỉnh Long An) xây dựng thương hiệu cho nông sản địa phương.

Nông dân chăm sóc vườn sầu riêng.

Huyện Tân Thạnh hiện có trên 2.000ha trồng cây ăn trái, tập trung nhiều ở các xã: Tân Tập, Tân Ninh, Nhơn Ninh, Tân Thành. Trong đó có trên 1.300ha trồng mít, trên 260ha trồng sầu riêng, trên 79ha trồng chanh... Nhằm tạo đầu ra ổn định cho nông sản và xây dựng thương hiệu riêng, huyện Tân Thạnh đã phối hợp các cấp, các ngành tạo điều kiện cho nông dân xây dựng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói để xuất khẩu nông sản sang các thị trường khó tính.

Đến nay, huyện Tân Thạnh xây dựng được 3 mã số vùng trồng, trong đó, 2 mã số vùng trồng trên cây sầu riêng xuất đi Trung Quốc và 1 mã số vùng trồng cho chanh không hạt xuất đi châu Âu.

Ngoài ra, từ đầu năm 2023 đến nay, Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng nông sản tỉnh Long An đã kiểm tra, tiếp nhận 4 hồ sơ để xây dựng mã số vùng trồng của 3 xã: Tân Lập gần 17ha sầu riêng, Tân Thành 11,5ha sầu riêng, Nhơn Ninh 14ha sầu riêng và 13ha mít.

Trong đó, 1 vùng trồng sầu riêng ấp Cây Sao, xã Tân Lập đã được Cục Bảo vệ thực vật phê duyệt nhưng chờ Hải quan Trung Quốc kiểm tra thực tế vùng trồng; Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng nông sản tỉnh đang kiểm tra 3 hồ sơ còn lại.

Bên cạnh việc xây dựng mã số vùng trồng, huyện Tân Thạnh còn chú trọng chuyển giao khoa học - kỹ thuật, hướng dẫn nông dân sản xuất theo hướng hữu cơ; tổ chức nhiều lớp tập huấn, hội thảo, tham quan trong và ngoài tỉnh cho nông dân tiếp cận kiến thức và học tập kinh nghiệm trồng bưởi, sầu riêng. Đặc biệt, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nông dân chấp hành đúng các quy định, quy trình sản xuất để giữ vững mã số vùng trồng.

Huyện Tân Thạnh đã phối hợp Viện Cây ăn quả miền Nam, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp tỉnh thực hiện 6 mô hình thâm canh cây ăn trái theo hướng VietGAP; trong đó, 3 mô hình sầu riêng với diện tích 5ha, 2 mô hình bưởi với diện tích 2ha và 1 mô hình mít với diện tích 15ha.

Thông qua việc nâng cao giá trị nông sản, địa phương đã khích lệ nhà vườn mạnh dạn mở rộng sản xuất, vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương, góp phần thực hiện Chương trình xây dựng Nông thôn mới.

Nguồn: http://nongthonviet.com.vn/tan-thanh-xay-dung-ma-so-vung-trong-de-nang-cao-gia-tri-nong-san.ngn