Mô hình trồng nấm rơm trong nhà tại HTX New Green Farm.
Hiệu quả thiết thực
HTX New Green Farm là một trong những HTX đang thực hiện mô hình sản xuất nông nghiệp tuần hoàn. Nông dân tại HTX trồng lúa theo hướng an toàn, đạt các tiêu chuẩn đáp ứng nhu cầu thị trường và chú trọng áp dụng đồng bộ cơ giới hóa và các tiến bộ kỹ thuật để giảm chi phí, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Rơm rạ được HTX sử dụng trồng nấm rơm và sản xuất phân bón hữu cơ, giúp mang lại giá trị gia tăng cho quá trình sản xuất lúa và khắc phục được tình trạng đốt bỏ rơm trên đồng gây lãng phí và tác động xấu đến môi trường.
Theo HTX New Green Farm, được sự hỗ trợ, hướng dẫn quy trình kỹ thuật từ Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Cần Thơ cùng Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI) và các viện, trường có liên quan, HTX đã tạo ra được sản sản phẩm phân bón hữu cơ được sản xuất từ rơm và các phụ phẩm nông nghiệp. Sản phẩm được đánh giá có chất lượng tốt, có thể sử dụng cho nhiều loại cây trồng, với giá thành sản xuất tương đối thấp, nông dân dễ tiếp cận sử dụng. Nông dân tại HTX cũng được hướng dẫn kỹ thuật để trồng nấm rơm đạt hiệu quả. Hiện nông dân tại HTX có thể sử dụng rơm để trồng nấm theo mô hình trồng ngoài trời và mô hình trồng trong nhà nhằm chủ động ứng phó và phòng tránh được nhiều yếu tố bất lợi của thời tiết, điều kiện sản xuất. Anh Ðồng Văn Cảnh, Giám đốc HTX New Green Farm, cho biết: “Trồng nấm rơm trong nhà cho hiệu quả kinh tế cao hơn so với trồng truyền thống ngoài trời, bởi nấm cho năng suất cao và bán được giá cao hơn. Nông dân cũng giảm được chi phí nhân công lao động trong chất rơm và thu hoạch nấm, cũng như chủ động sản xuất được nhiều vụ trong năm. Trồng nấm rơm trong nhà có thể thực hiện được bình quân khoảng 6 vụ/năm”. Ðối với mô hình trồng nấm rơm ngoài trời, mỗi mét dòng trồng nấm đạt năng suất từ 1-2kg, còn trồng trong nhà năng suất có thể đạt 2-2,5kg. Thời gian gần đây, nấm rơm trồng theo mô hình ngoài trời được nông dân tại HTX New Green Farm bán với giá trên dưới 60.000 đồng/kg, còn nấm rơm trồng trong nhà được bán với mức giá lên đến 75.000 đồng/kg (đối với nấm loại 1). Với 320m dòng thực hiện trồng nấm rơm, mô hình trồng trong nhà tại HTX cho lợi nhuận hơn 8,6 triệu đồng, cao hơn 6,2 triệu đồng so với trồng ngoài trời.
Nhân rộng mô hình
Nhân rộng và phát triển mô hình sử dụng hiệu quả rơm rạ theo hướng nông nghiệp tuần hoàn, thời gian qua Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thành phố, cùng các cơ quan chuyên môn thuộc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ đã tích cực đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền và mở các lớp tập huấn kỹ thuật về trồng nấm rơm và cách xử lý rơm rạ để làm phân bón hữu cơ. Ðồng thời, hỗ trợ nông dân trong tiếp cận các công nghệ, máy móc cơ giới để áp dụng vào trong các khâu thu gom rơm phục vụ trồng nấm rơm và xử lý rơm để làm phân bón hữu cơ. Ngành Nông nghiệp TP Cần Thơ cũng phối hợp với các bên liên quan trong kết nối cung - cầu các sản phẩm có liên quan đến rơm rạ. Tạo điều kiện cho nông dân tham quan thực tế tại các mô hình khai thác và sử dụng rơm hiệu quả, trong đó có mô hình của HTX New Green Farm.
Mới đây, Sở NN&PTNT TP Cần Thơ tiếp tục phối hợp cùng với IRRI và Trường Nông nghiệp - Ðại học Cần Thơ tổ chức hội thảo đầu bờ “Mô hình trình diễn trồng nấm rơm trong nhà và ngoài trời” tại HTX New Green Farm. Tại hội thảo này, nông dân đã được cập nhật, cung cấp nhiều thông tin, kiến thức hữu ích trong việc sử dụng rơm rạ phát triển trồng nấm rơm và sản xuất phân bón hữu cơ. Ðồng thời, được tham quan thực tế mô hình trồng nấm rơm trong nhà và trồng nấm rơm ngoài trời được thực hiện tại HTX New Green Farm. Qua đó, nông dân có điều kiện trao đổi, thảo luận để nắm rõ thêm kiến thức, kỹ thuật sản xuất cụ thể theo từng mô hình… để áp dụng thực hiện phù hợp với điều kiện sản xuất của mình. Theo ông Nguyễn Văn Hùng, Chuyên gia khoa học cao cấp, Trưởng Ban Cơ giới hóa và Sau thu hoạch thuộc IRRI, để giúp nông dân tận dụng rơm rạ sản xuất nấm rơm đạt năng suất và hiệu quả cao, IRRI đã và đang tích cực phối hợp cùng ngành Nông nghiệp TP Cần Thơ và các đơn vị có liên quan trong tập huấn kỹ thuật và tạo điều kiện cho nông dân tham quan thực tế các mô hình, nhất là mô hình trồng nấm trong nhà. Qua đó, giúp nông dân nâng cao kiến thức, trình độ sản xuất, chủ động thực hiện các giải pháp, mô hình để giảm chi phí, giảm rủi ro, đảm bảo năng suất nấm trong các điều kiện sản xuất khác nhau.
Sản xuất lúa gạo tại TP Cần Thơ và vùng ÐBSCL đang được các cấp, các ngành chức năng ở Trung ương và địa phương đẩy mạnh thực hiện theo hướng nâng cao chất lượng, chuỗi giá trị, giảm phát thải khí nhà kính gắn với tăng trưởng xanh bền vững. Theo ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, để phát triển ngành hàng lúa gạo bền vững, ngành Nông nghiệp thành phố đang tích cực quan tâm nâng cao chuỗi giá trị ngành hàng. Chú ý khai thác sử dụng hiệu quả rơm rạ và các phụ phẩm, giúp tạo ra các giá trị tăng thêm cho ngành hàng, tạo thêm công ăn việc làm cho lao động nông thôn, giảm phát thải khí nhà kính nhờ khắc phục được việc đốt rơm rạ trên đồng. Khuyến khích và hỗ trợ nông dân đẩy mạnh áp dụng các mô hình, giải pháp làm nông theo hướng nông nghiệp tuần hoàn. Ứng dụng các máy móc, công nghệ mới gắn với áp dụng đổi mới sáng tạo để khai thác hiệu quả các nguồn phế phụ phẩm trong quá trình sản xuất...