|
  • :
  • :

Sử dụng phân hữu cơ để phục hồi đất sản xuất nông nghiệp 

Phân bón đóng vai trò hết sức quan trọng đến sự phát triển, tăng trưởng cây trồng. Tuy nhiên, sử dụng phân vô cơ không đúng cách, tràn lan trong thời gian dài đã khiến đất nông nghiệp càng bị bạc màu, thoái hóa nghiêm trọng. Vì vậy, việc thay đổi tập quán từ phân vô cơ bằng phân bón hữu cơ đang là giải pháp được khuyến khích sử dụng để phục hồi đất sản xuất nông nghiệp hiện nay.

Rơm rạ sau thu hoạch có thể dùng phủ ẩm gốc cây, liếp rẫy hay làm phân hữu cơ bón cho cây trồng.

Phân vô cơ (còn gọi là phân hóa học) là loại phân bón tồn tại dưới dạng muối khoáng. Trong phân có chứa các nguyên tố dinh dưỡng khoáng cần thiết nhằm cung cấp dinh dưỡng tạo điều kiện cho cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt. Phân vô cơ gồm các loại chính như: đạm, lân, kali, phân phức hợp, phân hỗn hợp và phân vi lượng. Nguồn phân vô cơ được nông dân sử dụng phổ biến nhất, số lượng nhiều nhất và thường xuyên nhất trong hoạt động sản xuất nông nghiệp, đáng kể nhất là phân đạm. Ngoài mặt tích cực như thúc đẩy và tăng năng suất cây trồng, nhưng không có tác dụng lâu dài.

Theo các chuyên gia, sử dụng phân vô cơ không đúng cách, không đúng liều lượng, không đúng thời điểm, không đúng loại và quá lạm dụng sẽ gây những ảnh hưởng xấu đến đất đai, cây trồng, môi trường và con người. Do phân bón hóa học đa số có nguồn gốc từ acid, nên làm chua đất, giảm độ pH, đất đai bị nhiễm độc, tích lũy các kim loại nặng, phá vỡ cấu trúc đất; gây ô nhiễm môi trường, mất cân bằng sinh thái, gia tăng sự mẫn cảm của cây trồng với các loại bệnh hơn qua việc tiêu diệt các vi sinh vật hữu ích trong đất; và còn gây tổn thương cho bộ rễ ảnh hưởng tới sự hấp thu chất dinh dưỡng và tạo điều kiện bệnh hại xâm nhập… Hơn nữa, sử dụng phân vô cơ không đúng cách và đúng liều, dẫn đến việc tồn dư các chất độc hại trong nông sản, dẫn tới việc ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng. Phân đạm có chứa nhiều nitrít NO2, nitrát NO3 sử dụng nhiều gây phú dưỡng nguồn nước, gây ung thư trên người…

Phân hữu cơ được hình thành từ phân, chất thải gia súc, gia cầm, thân, lá cây, phụ phẩm từ sản xuất nông nghiệp, than bùn hoặc các chất hữu cơ từ chất thải sinh hoạt, nhà bếp, từ các nhà máy sản xuất thủy, hải sản,… Đây là nguồn phân phong phú, giúp cải tạo đất, tăng độ phì nhiêu, tơi xốp cho đất bằng việc cung cấp, bổ sung các chất mùn, chất hữu cơ, các loại vi sinh vật cho đất đai và cây trồng. Việc sử dụng phân vô cơ một cách tràn lan trong thời gian dài đã khiến đất sản xuất nông nghiệp càng bị bạc màu, thoái hóa nghiêm trọng. Vì vậy, việc thay đổi tập quán trong sản xuất nông nghiệp, thay đổi sử dụng phân vô cơ bằng phân bón hữu cơ đang là giải pháp tối ưu nhất để phục hồi đất sản xuất nông nghiệp hiện nay.

Theo báo cáo của Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) hồi tháng 9-2023, tại các tỉnh ĐBSCL, lượng phân bón vô cơ sử dụng còn cao, trung bình 686 kg/ha đất gieo trồng, cao hơn 34,7% so với trung bình cả nước. Trong khi đó, lượng phân bón hữu cơ sử dụng còn khiêm tốn, trung bình toàn vùng năm 2022 là 220 kg/ha gieo trồng, chỉ bằng 13,3% lượng phân bón hữu cơ sử dụng trung bình cả nước. Hầu hết các tỉnh trong vùng đều sử dụng phân bón hữu cơ không đáng kể, chỉ có Bến Tre và Vĩnh Long có lượng phân bón hữu cơ sử dụng cao hơn so với trung bình cả nước từ 58-65%.

Nhằm khuyến khích, hỗ trợ và đẩy mạnh sử dụng phân bón hữu cơ trong canh tác góp phần đưa sản xuất nông nghiệp phát triển và bảo vệ môi trường sinh thái theo hướng bền vững, Nhà nước đã ban hành các cơ sở pháp lý để phát triển phân bón hữu cơ quy định trong Luật Trồng trọt. Ngày 7-1-2020, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành chỉ thị về tăng cường phát triển và sử dụng phân bón hữu cơ và Kế hoạch hành động của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện tăng cường sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ, sử dụng phân bón tiết kiệm, cân đối và hiệu quả giai đoạn 2022-2025. Cục BVTV đã lựa chọn ký kết, đồng hành phát triển phân bón hữu cơ với 23 doanh nghiệp, để tập huấn nông dân, sản xuất tại chỗ quy mô nông hộ, xây dựng mô hình mẫu trên cây trồng chủ lực như lúa, cây ăn trái, cây công nghiệp.

Đến nay, có một số mô hình do doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phân bón phối hợp với địa phương triển khai trên lúa tại các tỉnh ĐBSCL, như Công ty CP Phân bón dầu khí Cà Mau (đạm Cà Mau) triển khai 59 mô hình trên lúa tại Đồng Tháp, Long An, Cần Thơ, Sóc Trăng, An Giang, Kiên Giang với diện tích gần 240ha đã đạt một số kết quả như giảm lượng phân bón 15%, năng suất tăng 5%, lợi nhuận tăng 19% so với sản xuất đại trà.

Tổng Công ty phân bón và hóa chất dầu khí (đạm Phú Mỹ) triển khai mô hình sử dụng phân bón tiết kiệm kết hợp sử dụng phân bón hữu cơ trên lúa vụ hè thu tại huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp) đã giảm lượng phân bón hóa học 61%, năng suất tăng 10,8%, hiệu quả kinh tế tăng 9,5%... so với sử dụng đơn thuần phân vô cơ.

Cục BVTV đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tăng cường việc tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn sử dụng phân bón tiết kiệm, hiệu quả; đẩy mạnh sản xuất, sử dụng phân bón hữu cơ, đặc biệt là khuyến khích, hỗ trợ nông dân tự sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ từ nguồn nguyên liệu sẵn có trong nước (phụ phẩm trồng trọt, chế biến nông sản, chất thải chăn nuôi, rác thải sinh hoạt,...) vừa cải tạo đất, vừa nâng cao hiệu quả sử dụng, từ đó giảm sự lệ thuộc phân bón hóa học.

Nguồn: https://baocantho.com.vn/su-dung-phan-huu-co-de-phuc-hoi-dat-san-xuat-nong-nghiep-a174968.html
Tin liên quan
Chưa có thông tin