HTX Kỳ Như (tỉnh Hậu Giang) hiện chuyên cung cấp con giống lươn, ếch, thu mua bao tiêu sản phẩm, chế biến sản phẩm từ cá thác lác, lươn, ếch… Trong dịp cuối năm 2022 và dịp Tết Nguyên đán năm 2023, bà Nguyễn Kim Thùy, Giám đốc HTX cho biết khả năng cung ứng của HTX về cá thác lác 200 tấn, lươn nguyên liệu 300 tấn, cá lóc 50 tấn/tháng, sản phẩm sơ chế đóng gói về cá thác lác 60 tấn/tháng…
Nguồn cung dồi dào, cấp bách tìm đầu ra
“Hiện tại, các sản phẩm được nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP, HACCP, HTX có 11 sản phẩm đạt OCOP 4 sao, được đưa vào một số siêu thị, nhưng có bất cập là các siêu thị yêu cầu cung cấp từng cửa hàng, trong khi HTX chỉ cung cấp đến các kho lớn”, bà Thùy chia sẻ.
HTX Kỳ Như kỳ vọng đưa sản phẩm đến các cửa hàng thực phẩm sạch trên cả nước, mặc dù được các cơ quan chức năng tỉnh Hậu Giang hỗ trợ xúc tiến tiêu thụ nhưng chỉ đạt 50% sản lượng.
“Tôi mong muốn trong thời gian tới, các sản phẩm được kết nối đến các hệ thống, nhà phân phối bán lẻ trên cả nước”, bà Thùy bộc bạch.
Thông tin về khả năng cung ứng nông sản của tỉnh Bình Dương trong dịp lễ Tết cuối năm 2022, đầu năm 2023, ông Lê Thanh Tâm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh cho biết hiện nay, đối với sản phẩm rau, củ, quả, trái cây tươi, tỉnh chỉ có khả năng cung ứng khoảng 20 - 35% nhu cầu của người tiêu dùng nội tỉnh.
Với các sản phẩm chăn nuôi, tổng đàn lợn của Bình Dương là khoảng 13,7 triệu con, khả năng cung ứng hàng ngày khoảng 7.000 - 8.000 con, trong đó 1.500 con cung ứng cho thị trường nội tỉnh, còn lại là sản xuất cho TP. HCM và các tỉnh lân cận. Mỗi ngày, Bình Dương có thể cung ứng khoảng 70.000 con gà thịt, trong đó 35.000 con cung ứng cho nội tỉnh, còn lại cung ứng cho TP. HCM và các tỉnh lân cận.
“Hiện nay, để đảm bảo cung ứng hàng hóa cho dịp Tết, Sở NN&PTNT đã phối hợp với Sở Công Thương và các đơn vị cung ứng lớn trên địa bàn địa phương xây dựng kế hoạch bình ổn giá với thị trường nội tỉnh. Đối với những thị trường lân cận, nguồn cung thịt lợn và thịt gà còn rất dồi dào và có khả năng kết nối, cung ứng cho nhiều tỉnh, thành khác”, ông Tâm chia sẻ.
Theo nhiều HTX và doanh nghiệp (DN), nguồn cung nông sản không phải là vấn đề lo ngại mà nỗi lo lớn nhất là tìm thị trường tiêu thụ. Bà Trịnh Kim Thư, Tổng giám đốc Công ty cổ phần MD Queens, cho hay doanh nghiệp này đang có những vướng mắc khi các siêu thị lớn yêu cầu phải có kinh nghiệm và đã đưa vào các siêu thị lớn, yêu cầu bán ký gửi, trong khi các DN sản xuất sản phẩm OCOP hiện nay phần lớn có quy mô nhỏ, do đó yêu cầu về vốn để bán ký gửi cũng sẽ gây khó khăn.
Tổng giám đốc MD Queens bày tỏ mong muốn trong thời gian tới, các cơ quan chức năng sẽ tổ chức thêm nhiều chương trình hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ các lớp tập huấn bán hàng trên nền tảng công nghệ 4.0 để tạo thuận lợi cho DN và bà con nông dân; ưu tiên đưa sản phẩm OCOP vào danh mục quà Tết.
Nguy cơ ùn ứ nông sản tại biên giới
Đáng chú ý, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam, cho biết thị trường rau quả của Việt Nam còn bị chi phối nhiều từ thị trường Trung Quốc. Hằng năm, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc chiếm 50%. Văn hóa Trung Quốc khá tương đồng với văn hóa của Việt Nam nên nhu cầu rau quả dịp Tết sẽ cao để phục vụ văn hóa tâm linh. Như vậy sẽ ảnh hưởng đến giá và lượng tiêu thụ.
Năm ngoái, dịp giáp Tết Nguyên đán, chính sách "Zero COVID" của Trung Quốc đã ảnh hưởng rất lớn đến người sản xuất, kinh doanh nông sản ở Việt Nam. Năm nay, Trung Quốc đã nới lỏng chính sách này nên tình hình sẽ khởi sắc hơn. "Có thể vẫn sẽ có hiện tượng ùn ứ tại biên giới nhưng không nhiều như năm ngoái", ông Nguyên dự đoán.
Ông Nguyên cũng đưa ra những đề xuất như mở các hội chợ để giới thiệu sản phẩm; mở các cửa hàng bán trái cây có kiểm soát về vệ sinh an toàn thực phẩm tại các tuyến đường, các chợ truyền thống vừa tạo không khí Tết, vừa là giải pháp tiêu thụ rau, củ, quả cho bà con; kết nối tiêu thụ tại các siêu thị, trung tâm thương mại.
Trước phản ánh của các HTX và DN, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) Lê Thanh Hòa cho biết vào dịp Tết, nhu cầu hoa quả tươi của thị trường Trung Quốc vẫn chiếm tới hơn 50% lượng hoa quả tươi xuất khẩu của Việt Nam. Thị trường Trung Quốc hiện nay vẫn tiếp tục chính sách "Zero COVID", do đó việc xuất khẩu vẫn gặp khó khăn. Với 2 tỉnh biên giới là Vân Nam và Quảng Tây của Trung Quốc đã có những chính sách phòng chống COVID rất hiệu quả. Do vậy, ngay sau khi Tổng Bí thư có chuyến thăm Bắc Kinh thì rất nhiều cửa khẩu nhỏ đã được mở lại và hỗ trợ rất nhiều hoạt động xuất khẩu nông sản những tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023.
Qua thông tin từ các địa phương, có thể thấy mỗi địa phương đều có các thế mạnh riêng biệt. "Mong mỗi địa phương cung cấp những số liệu cụ thể để Bộ NN&PTNT có thông tin cụ thể cung cấp đến các DN phân phối, các đối tác, đảm bảo hàng hóa không bị ứ đọng trong các chuỗi lưu thông", ông Hòa nói.
Điều quan trọng nhất mà ông Hòa bày tỏ là mong các HTX, DN đưa sản phẩm có chất lượng ra thị trường. Có như vậy mới đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng của người dân cả nước và hướng tới thị trường xuất khẩu.