|
  • :
  • :

Sản xuất chế phẩm sinh học từ lá bàng phục vụ nuôi trồng thủy sản

Với mục tiêu tạo ra sản phẩm thay thế thuốc kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản, nhóm nghiên cứu thuộc Trường Đại học Nguyễn Tất Thành và Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP.HCM đã sản xuất thành công chế phẩm sinh học thiên nhiên từ lá bàng khô.

Tại Việt Nam, vấn đề lạm dụng kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản đã được đề cập từ lâu nhưng đến nay vẫn chưa có biện pháp tháo gỡ hiệu quả. Đa phần người nuôi sử dụng kháng sinh không rõ nguồn gốc, thành phần, việc lựa chọn chủ yếu dựa vào kinh nghiệm. Thậm chí có người nuôi còn lạm dụng kháng sinh để phòng và trị bệnh cho cá, ảnh hưởng đến hệ sinh thái và gây thiệt hại về kinh tế.

Khi lạm dụng quá mức kháng sinh sẽ gây ra tình trạng kháng thuốc trên động vật thủy sản. Đặc biệt, việc lạm dụng kháng sinh trong thực phẩm thủy sản còn gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người tiêu dùng, nhất là tình trạng kháng thuốc kháng sinh, gây khó khăn cho công tác điều trị nhiễm khuẩn, giảm sự đáp ứng miễn dịch của cơ thể; gây ung thư hoặc các bệnh nghiêm trọng khác trong gan, thần kinh, hệ tiêu hóa, tim… năng hơn là có thể tử vong khi trong cơ thể có lượng tích lũy cao.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO): Tình trạng kháng thuốc kháng sinh đang trở thành vấn đề quan ngại hàng đầu của tổ chức này, trong đó Việt Nam được xếp vào “một trong những nước có tỷ lệ kháng kháng sinh cao trên thế giới”.

Từ thực tế trên, với sự hỗ trợ của Viện Nghiên cứu và Phát triển bền vững, Trung tâm Sáng tạo và Ươm tạo khởi nghiệp (Trường Đại học Nguyễn Tất Thành), nhóm nghiên cứu gồm Nguyễn Hữu Tiến, Đoàn Thị Thu Hằng (Đại học Nguyễn Tất Thành) và Trần Văn Nguyên (Đại học Tài nguyên Môi trường TP.HCM) đã đề xuất thực hiện nghiên cứu “Chế phẩm sinh học từ lá bàng thay thế kháng sinh trong nuôi thủy sản”.

Nhóm nghiên cứu tiến hành kiểm định đánh giá hàm lượng các chất trong chế phẩm sinh học từ lá bàng (Ảnh: vjst.vn/)

Theo chia sẻ của nhóm nghiên cứu, lá bàng là sản phẩm chứa nhiều hoạt chất quý như vitamin, khoáng chất, được sử dụng nhiều trong y học giúp giảm các triệu chứng đau đầu, ho, stress và cải thiện sức khỏe. Trong lá bàng chứa nhiều hoạt chất hữu cơ và chất chống oxy hóa như polyphenols và flavonoids giúp tăng cường hệ miễn dịch, chống lại virus; depression và anxiety giúp giảm các triệu chứng liên quan đến rối loạn tâm thần. 

Trong dân gian, lá bàng khô được sử dụng để tạo màu, ngăn ngừa một số vi khuẩn, nấm trên cá rồng và các loài cá ưa nước mềm như cá dĩa, cá xiêm… Khi sử dụng với liều lượng phù hợp, hoạt chất từ lá bàng còn có khả năng tiêu diệt các loại côn trùng, vi khuẩn có hại... giúp tạo môi trường nuôi trong sạch. Đây cũng là lý do khiến nhóm nghiên cứu nghĩ đến tận dụng hoạt chất này để thay thế kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản. 

Để điều chế ra chế phẩm sinh học từ lá bàng, nhóm nghiên cứu đã tiến hành thu gom, sàng lọc những lá đủ tiêu chuẩn, không bị nấm. Tiến hành làm sạch, khử trùng và chiết tách violaxanthin cùng các dược chất khác. Dịch chiết sau khi thu được cô đặc và kiểm định để đánh giá hàm lượng các dược chất. 

Đối với dịch chiết đạt yêu cầu sẽ được đưa vào sử dụng thử nghiệm tại bể nuôi cá cảnh trong phòng nghiên cứu Trường Đại học Nguyễn Tất Thành. Trước khi sử dụng chế phẩm, cá cảnh được nuôi trong bể đều có hiện tượng bị nấm toàn phần, sức khỏe yếu. Tuy nhiên, sau 2 tuần sử dụng với nhiều nồng độ khác nhau, kết quả cho thấy nấm trên cơ thể cá hết hoàn toàn, màu sắc cá đẹp trở lại.

Chế phẩm sinh học từ lá bàng do nhóm nghiên cứu điều chế sản xuất (Ảnh: vnexpress.net/)

Nhóm nghiên cứu tiếp tục thử nghiệm trong quy mô lớn hơn tại một ao nuôi cá tra rộng 2ha ở tỉnh Đồng Tháp. Đa phần cá trong ao nuôi đang bị nhiễm bệnh, có sức khỏe kém với 48% cá bị nấm đuôi và 13% sưng bóng hơi. Ứng dụng thử nghiệm chế phẩm sau một tháng cho thấy ao nuôi sạch hơn, nồng độ nitơ, photpho trong nước giảm. Môi trường nuôi tốt hơn giúp da cá đẹp hơn, hết bị nấm và phát triển khỏe mạnh.

Kết quả thử nghiệm đã cho thấy sự hiệu quả và tính ưu việt khi sử dụng chế phẩm sinh học từ lá bàng trong nuôi thủy sản, giảm thiểu nguy cơ kháng thuốc trên thủy sản, đảm bảo yêu cầu về môi trường. Đặc biệt, chế phẩm khi áp dụng trong thực tế còn mang lại hiệu quả kinh tế cao cho các hộ nuôi trồng thủy hải sản, giảm bớt gánh nặng về chi phí cho người tiêu dùng.

Thành công bước đầu là nền tảng để nhóm nghiên cứu tiếp tục cải tiến, nâng cao chất lượng của chế phẩm sinh học từ lá bàng khô. Trong thời gian tới, nhóm sẽ tiếp tục nghiên cứu, tìm kiếm các giải pháp để sản phẩm không chỉ dùng trong nuôi trồng thủy sản mà có thể phục vụ trong đời sống sinh hoạt hằng ngày của con người như làm chất tẩy rửa, vệ sinh cơ thể…  

Nguồn: https://congnghiepsinhhocvietnam.com.vn/tin-tuc/t3173/san-xuat-che-pham-sinh-hoc-tu-la-bang-phuc-vu-nuoi-trong-thuy-san.html
Tin liên quan
Chưa có thông tin