Mới đây, tại tỉnh Quảng Bình, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (Bộ NNPTNT) phối hợp với Sở NNPTNT tỉnh Quảng Bình tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp với chủ đề: "Ứng dụng các giải pháp, tiến bộ kỹ thuật phát triển bền vững nghề nuôi tôm tại một số tỉnh vùng Duyên hải miền Trung".
Tại diễn đàn đại diện Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh Quảng Bình đã giới thiệu về quy trình nuôi tôm công nghệ 2 giai đoạn trong ao lót bạt giúp nông dân giảm chi phí, tăng hiệu quả.
Hiện nay, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh Quảng Bình đang triển khai thực hiện mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng trên ao cát lót bạt 2 giai đoạn ao ương bằng bể nổi tại xã Ngư Thủy Bắc, huyện Lệ Thủy, với quy mô 5.000m2 ao nuôi và bể ương 135m2. Năm 2023 đã triển khai hỗ trợ sau đầu tư mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng trong ao đất lót bạt ứng dụng công nghệ cao tại xã Đồng Trạch, huyện Bố Trạch, với quy mô 1,2 ha/3 hộ.
Theo đó, giai đoạn 1 tiến hành ương con giống: Bể ương có dạng hình tròn hoặc hình vuông đặt trên mặt đất, được lót bạt chống thấm HDPE, có mái che mưa, che nắng. Bể ương phải có độ dốc lớn về tâm khoảng 20-25cm để thu gom chất thải dễ dàng, có diện tích dao động từ 130-140m2 (tương đương 120-250 m3) có hệ thống sục khí đầy đủ.
Nước đã xử lý từ ao lắng được bơm vào bể ương, tiến hành gây màu tạo thức ăn tự nhiên và tảo, vận hành hệ thống oxy đáy tạo dòng chảy, kiểm tra các yếu tố môi trường thật ổn định mới tiến hành thả giống. Thả giống ở mật độ 2.000 - 3.000 con/m3, thời gian ương từ 20 - 25 ngày. Tuy ương ở mật độ cao nhưng trang thiết bị đầy đủ, môi trường được kiểm soát chặt chẽ hơn nên tôm sinh trưởng phát triển tốt, các yếu tố môi trường luôn được duy trì ổn định.
Qua giai đoạn ương, tôm có trọng lượng khoảng 2.000 - 2.200 con/kg được đưa vào ao nuôi tiếp giai đoạn 2 với mật độ 120 - 150 con/m2. Khi san tôm cần kiểm tra sức khỏe tôm kỹ càng, tôm khỏe mạnh, không đang chu kỳ lột xác, vỏ chắc khỏe, tôm không bị cong, đục thân khi nhấc sàn ăn lên.
Giai đoạn 2 tiến hành nuôi thương phẩm: Hệ thống ao nuôi diện tích mỗi ao 2.500m2, lót bạt chống thấm HDPE, được bố trí đối diện bể ương để thuận tiện cho việc san tôm. Quạt nước, máy thổi cung cấp khí đáy ao được bố trí hợp lý, tạo dòng chảy trong ao, đảm bảo lượng ôxy hòa tan trong nước luôn duy trì > 4 mg/l.
Nước trong ao nuôi được chuẩn bị kỹ đảm bảo các chỉ tiêu môi trường nằm trong khoảng thích hợp và ổn định. Đặc biệt trước khi san tôm cần kiểm tra môi trường giữa ao ương và ao nuôi, các chỉ tiêu như pH, độ kiềm, nhiệt độ… chênh lệch không quá lớn tránh gây sốc cho tôm. Áp dụng quy trình nuôi ít thay nước, hạn chế sử dụng hóa chất, dùng chế phẩm sinh học để quản lý môi trường trong suốt quá trình nuôi; các chỉ tiêu môi trường được theo dõi hàng ngày.
Trong quá trình nuôi cứ 5 ngày kiểm tra tốc độ tăng trưởng của tôm một lần. Qua kiểm tra cho thấy tôm sinh trưởng và phát triển đều ở các giai đoạn, chưa có dịch bệnh xảy ra, sau thời nuôi 90 ngày tôm đạt trọng lượng 55-60 con/kg, tỷ lệ sống đạt 90%.
Mô hình được đánh giá có hiệu quả, tính rủi ro của công nghệ thấp, bởi điểm rủi ro thường tập trung ở giai đoạn ương, do vậy khi có rủi ro chi phí sản xuất tiêu hao ít.
Hiệu quả của mô hình, qua hạch toán cho thấy mô hình đã mang lại hiệu quả cho các hộ nuôi so với nuôi theo phương pháp truyền thống như: tỷ lệ sống cao, năng suất cao hơn, tỷ lệ tôm đồng đều hơn.
Mô hình giúp giảm thiểu tác động xấu đến môi trường do quá trình xả thải, giảm thiểu rủi ro dịch bệnh lây lan hướng tới nuôi trồng thủy sản an toàn, bền vững. Áp dụng mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng 02 giai đoạn trong ao lót bạt ứng dụng công nghệ cao bước đầu đã làm thay đổi phần nào về cách nhìn nhận, lựa chọn hình thức nuôi phù hợp thay vì lợi nhuận trước mắt để tiến tới nuôi lâu dài bền vững hơn. Từ đó, nhân rộng quy trình nuôi trên toàn tỉnh tạo cơ hội lớn cho bà con nông dân, chủ trang trại từng bước tiếp cận nhằm tăng hiệu quả trên cùng một đơn vị diện tích.
"Việc áp dụng quy trình nuôi tôm thẻ chân trắng 2 giai đoạn trong ao lót bạt ứng dụng công nghệ cao sẽ hạn chế việc sử dụng thuốc và hoá chất, là điều kiện quan trọng để hướng tới xây dựng sản phẩm tôm thẻ chân trắng an toàn vệ sinh thực phẩm cũng như xây dựng quy trình VietGap", đại diện Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh Quảng Bình chia sẻ.
Ông Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Quảng Bình cho biết, hiện người nuôi tôm trên địa bàn đã chủ động học hỏi và áp dụng nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật trong nuôi tôm như nuôi lót bạt, nuôi tôm 2 – 3 giai đoạn, nuôi tôm công nghệ cao… góp phần nâng cao năng suất, sản lượng và giá trị của con tôm.
Năm 2022, tỉnh Quảng Bình thực hiện thả nuôi 1.480ha tôm nước lợ , sản lượng thu hoạch đạt gần 4.200 tấn. Kế hoạch năm 2023, Quảng Bình thả nuôi gần 1.500ha, trong đó diện tích tôm thẻ chân trắng trên 1.200ha, tôm sú trên 280ha.
"Tỉnh Quảng Bình cũng đã tích cực tuyên truyền, vận động người nuôi tôm tập trung xây dựng mô hình tổ hợp tác, tổ cộng đồng nhằm nâng cao ý thức phòng chống dịch bệnh, bảo vệ môi trường và hỗ trợ nhau trong quá trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Hướng dẫn cơ sở nuôi tôm áp dụng quy trình sản xuất hiệu quả như quy trình nuôi tôm hạn chế hóa chất, quy trình nuôi 2 – 3 giai đoạn, thả giống cỡ lớn, nuôi tôm theo tiêu chuẩn VietGAP; khuyến khích phát triển sản xuất theo hướng liên kết chuỗi nhằm giảm khâu trung gian, giảm giá thành sản xuất, có truy xuất nguồn gốc…", ông Lợi nhấn mạnh.