|
  • :
  • :

Phong Ðiền phát triển nông nghiệp gắn với thế mạnh địa phương 

Thời gian qua, huyện Phong Điền phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm thế mạnh tham gia thị trường trong nước và xuất khẩu. Huyện chú trọng phát triển diện tích vườn cây ăn trái, xây dựng các vùng chuyên canh cây trồng đặc sản gắn với đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ trong sản xuất…

Lãnh đạo huyện Phong Ðiền thường xuyên quan tâm, thăm hỏi hoạt động sản xuất của các nhà vườn, kịp thời có giải pháp hỗ trợ.

Xác định sản xuất cây ăn trái là thế mạnh, huyện Phong Điền đã quy hoạch và chú trọng theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ cao. Bằng việc hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, đa dạng cây ăn trái có giá trị kinh tế, đổi mới cách thức tổ chức sản xuất theo hướng phát triển kinh tế hợp tác. Đồng thời đầu tư, nâng cấp hệ thống thủy lợi, giao thông nội đồng vùng sản xuất tập trung phù hợp với quy hoạch của từng địa phương. Hằng năm, huyện tích cực vận động nông dân cải tạo vườn cây ăn trái và đất trồng lúa kém hiệu quả chuyển sang vườn cây ăn trái có giá trị kinh tế cao. Đến nay, diện tích cây ăn trái toàn huyện hiện có 8.914ha, sản lượng thu hoạch hàng năm đạt khoảng 100.000 tấn.

Trên địa bàn huyện đã hình thành được một số vùng sản xuất chuyên canh như sầu riêng xã Tân Thới 943ha, vú sữa xã Giai Xuân 318,2ha, dâu Hạ Châu xã Nhơn Ái 386ha, nhãn xã Nhơn Nghĩa 330ha. Trong năm 2023, huyện đã xây dựng 10 mô hình VietGAP trên cây ăn trái tại các xã Nhơn Ái, Trường Long, Tân Thới, Nhơn Nghĩa. Qua đó, nâng tổng số toàn huyện có 37 mô hình sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP, diện tích 487,3ha, với 694 hộ tham gia và 1 mô hình Global GAP trồng cây vú sữa ở xã Trường Long, diện tích 16,1ha với 12 hộ tham gia. Bên cạnh đó, thẩm định 36 vùng trồng trồng đăng ký xin cấp mã số vùng trồng trên cây sầu riêng, nhãn, vú sữa; có 7 mã số vùng trồng được cấp code xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Úc, Mỹ, Nhật Bản.

Cuối năm 2023, sản phẩm vú sữa Lò Rèn và vú sữa bơ hồng của Hợp tác xã vườn cây ăn trái Trường Khương A, xã Trường Long được thành phố đánh giá và công nhận sản phẩm OCOP (chương trình Mỗi xã một sản phẩm) đạt 4 sao. Ông Trần Văn Chiến, Giám đốc Hợp tác xã vườn cây ăn trái Trường Khương A, xã Trường Long, huyện Phong Ðiền, chia sẻ: Thời gian qua, hợp tác xã được ngành chức năng hướng dẫn, hỗ trợ thực hiện sản xuất quy trình VietGAP trên cây ăn trái và cấp chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP, Global GAP. Qua đó, đảm bảo cho trái vú sữa và sầu riêng đạt chất lượng an toàn cao, góp phần nâng cao thu nhập cho các thành viên cũng như các nhà vườn có liên kết với hợp tác xã. Phần lớn sản lượng thu hoạch trái cây đã có hợp đồng tiêu thụ ổn định với các doanh nghiệp trong nước và xuất khẩu. Vừa qua, sản phẩm vú sữa Lò Rèn và vú sữa bơ hồng được thành phố công nhận sản phẩm OCOP đạt 4 sao, góp phần nâng cao chất lượng, uy tín sản phẩm trên thị trường…

Hợp tác xã Nhãn Nhơn Nghĩa, xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền không chỉ áp dụng quy trình sản xuất nhãn theo tiêu chuẩn VietGAP, từ năm 2022 còn hướng đến canh tác hữu cơ, chú trọng việc sử dụng phân bón hữu cơ và các loại thuốc bảo vệ thực vật sinh học. Theo ông Phạm Văn Lơ, Giám đốc Hợp tác xã Nhãn Nhơn Nghĩa, trồng nhãn theo hướng hữu cơ đưa ra sản phẩm an toàn đến với người tiêu dùng, giảm ô nhiễm môi trường và bảo vệ sức khỏe người lao động. Không chỉ vậy, sản phẩm còn đáp ứng được tiêu chuẩn xuất khẩu, hợp tác xã đã đăng ký mã số vùng trồng hướng đến xuất khẩu chính ngạch, tăng thu nhập và tạo đầu ra ổn định cho xã viên...

Cùng đó, Phong Điền quan tâm thực hiện công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của các sản phẩm chủ lực của địa phương. Đến nay, huyện có 8 nhãn hiệu được cấp văn bằng bảo hộ, trong đó có 4 nhãn hiệu cây ăn trái gồm: Tổ hợp tác sầu riêng Tân Thới; cam mật không hạt Tám Đảo; chanh không hạt Trường Long; cây vú sữa Trường Khương A. Huyện Phong Điền hiện có 7 sản phẩm OCOP gồm: vú sữa Lò Rèn và vú sữa bơ hồng của Hợp tác xã vườn cây ăn trái Trường Khương A, xã Trường Long; Làng du lịch Mỹ Khánh; bánh hỏi mặt võng Út Dzách; nhãn Ido của Hợp tác xã Nhãn Nhơn Nghĩa; sầu riêng Tân Thới và sợi sấy thăng hoa Đông trùng hạ thảo. Huyện hướng dẫn cho nông dân từng bước thực hiện chuyển đổi số như hướng dẫn cho 12 hợp tác xã và 1 tổ hợp tác chứng nhận sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn và chứng nhận đã tham gia hệ thống quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa thành phố;  32 sản phẩm nông sản quảng bá và tiêu thụ nông sản trên sàn thương mại điện tử chonongsancantho.vn và check.cantho.gov.vn.

Ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền cho biết: Huyện tiếp tục triển khai hiệu quả đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Trong đó, thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản phẩm phù hợp với lợi thế và nhu cầu thị trường; đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp và liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân trong khâu bao tiêu hàng hóa; đầu tư cơ sở hạ tầng cho vùng sản xuất, đặc biệt là xây dựng mã số vùng trồng để phục vụ xuất khẩu. Cạnh đó, phát huy hiệu quả các mô hình sản xuất tập thể, các mô hình sản xuất theo hướng an toàn, phát triển sản phẩm OCOP. Tăng cường hỗ trợ tổ chức, cá nhân xây dựng nhãn hiệu, phát triển thương hiệu đối với nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể, các sản phẩm OCOP, sản phẩm chủ lực đã được bảo hộ. Đẩy mạnh các hoạt động kết nối cung cầu sản phẩm OCOP, sản phẩm chủ lực địa phương với các doanh nghiệp...

Nguồn: https://baocantho.com.vn/phong-ien-phat-trien-nong-nghiep-gan-voi-the-manh-dia-phuong-a169360.html
Tin liên quan
Chưa có thông tin