|
  • :
  • :

Phát triển song hành số lượng và chất lượng sản phẩm OCOP 

Sau 5 năm khởi động, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được các quận, huyện trên địa bàn TP Cần Thơ lựa chọn là giải pháp được ưu tiên trong phát triển kinh tế nông thôn. Bên cạnh những kết quả đạt được, chương trình cũng bộc lộ nhiều bất cập cần sớm được tháo gỡ. Trong đó, các giải pháp được các chuyên gia, chủ thể OCOP tập trung đề xuất như liên kết chuỗi giá trị; tăng cường xúc tiến thương mại; cải tiến bao bì, nhãn mác; đào tạo nguồn nhân lực…

Một điểm trưng bày sản phẩm OCOP Cần Thơ trên chợ nổi Cái Răng vừa ra mắt vào tháng 7-2023.

Nhận diện điểm nghẽn

TP Cần Thơ thực hiện chương trình OCOP từ cuối năm 2018, nhưng đến năm 2020 mới chính thức có sản phẩm được công nhận. Ðến nay thành phố có 95 sản phẩm OCOP, trong đó có 58 sản phẩm OCOP đạt 4 sao, 37 sản phẩm OCOP đạt 3 sao. Toàn thành phố có 9/9 quận huyện tham gia đánh giá và xếp hạng sản phẩm OCOP. Dẫn đầu là quận Thốt Nốt chiếm 29% sản phẩm OCOP, đứng thứ hai là quận Ninh Kiều chiếm 25%, đứng thứ ba là huyện Thới Lai 10,8% và các huyện, quận còn lại dao động từ 2,17-9,8%.

Ông Lê Văn Tính, Phó Chánh chuyên trách Văn phòng điều phối Nông thôn mới TP Cần Thơ, cho biết: Bên cạnh những sản phẩm OCOP có chỗ đứng nhất định, không ít sản phẩm OCOP của Cần Thơ đang suy giảm về chất lượng, số lượng. Nguyên nhân do hạn chế trong tư duy và cách làm của cơ sở sản xuất; sự thiếu quan tâm, sâu sát của chính quyền các địa phương khiến cho nhiều sản phẩm không tiếp tục phát triển hoặc không có thị trường tiêu thụ. Bên cạnh đó, các chính sách, cơ chế hỗ trợ chủ thể phát triển sản phẩm thiếu đồng bộ; hoạt động xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP còn manh mún, chưa hình thành được hệ thống quảng bá, xúc tiến thương mại mang tính kết nối, chuyên sâu để tạo hình ảnh, nhận diện sản phẩm OCOP và thay đổi nhận thức của người tiêu dùng.

Ðại diện chủ thể OCOP 4 sao về sản phẩm trà mãng cầu, bà Nguyễn Kim Nhiên, Giám đốc Công ty TNHH Chế biến nông sản Kim Nhiên, nhận định: “Số lượng sản phẩm OCOP của TP Cần Thơ thời gian qua tăng nhanh nhưng chưa thực sự bền vững. Một số địa phương còn chạy theo thành tích, tập trung vào những sản phẩm đã được hình thành, không phải là các sản phẩm có lợi thế; thiếu sự chủ động của các chủ thể khi tham gia vào chương trình; chưa tập trung đến các các giải pháp về chuẩn hóa chất lượng, mẫu mã bao bì sản phẩm, nâng cao năng lực thực sự của chủ thể (về quản trị, tổ chức, sản xuất, thị trường). Ðặc biệt, công tác quản lý, giám sát sản phẩm sau khi được công nhận còn là vấn đề nổi cộm cần được quan tâm và đẩy mạnh”.

Giải pháp thiết thực, kịp thời

TP Cần Thơ xác định mỗi sản phẩm OCOP được công nhận không chỉ đảm bảo giữ được chất lượng theo “sao” được công nhận mà còn phải thêm hoàn thiện và cải tiến để nâng cao giá trị, tăng sức cạnh tranh thị trường, từ đó tăng doanh thu và lợi nhuận của chủ thể. Ðể làm được điều đó, theo ông Lê Văn Tính, trước tiên cần hỗ trợ, nâng cao năng lực của các chủ thể, bởi đây là yếu tố then chốt giúp nâng cao sức cạnh tranh đối với các chủ thể OCOP. Ðồng thời, tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức của các chủ thể, đặc biệt là thông qua các câu chuyện thành công, điển hình từ thực tiễn. Bên cạnh đó, tư duy của các cán bộ, cơ quan quản lý chương trình OCOP cũng cần phải thay đổi thông qua định hướng, hướng dẫn các chủ thể phát triển sản phẩm dựa trên thế mạnh, lợi thế về nguyên liệu địa phương, văn hóa và tri thức bản địa, đặc biệt là các đặc sản, sản vật, sản phẩm làng nghề và dịch vụ du lịch cộng đồng; truyền tải, tạo động lực, phát huy tính chủ động, sáng tạo của các chủ thể và cộng đồng để phát triển sản phẩm đáp ứng yêu cầu của thị trường.

Bà Nguyễn Kim Nhiên đề xuất ngành chức năng nên thường xuyên rà soát, kiểm tra đánh giá, phân hạng sản phẩm sau khi hết thời hạn công nhận nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các chủ thể đối với người tiêu dùng. Ðồng thời, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu cho sản phẩm OCOP thông qua các diễn đàn, triển lãm, sự kiện tôn vinh... Ðặc biệt, tập trung xây dựng để hình thành các “điểm đến” về sản phẩm OCOP gắn với các trung tâm du lịch, các hoạt động văn hóa; nâng cao năng lực hệ thống logistics về nông sản và OCOP nhằm thúc đẩy thương mại, thị trường sản phẩm trong nước và xuất khẩu.

Nhiều ý kiến cho rằng, để sản phẩm OCOP mạnh cả về lượng và chất ngoài nỗ lực tự thân của các chủ thể rất cần sự tiếp sức từ ngành chức năng. Hướng đến mục tiêu đưa sản phẩm OCOP xuất ngoại, bà Ðoàn Thị Hồng Thắm, Giám đốc Cty TNHH MTV Hygie & Panacee, chia sẻ: “Hiện công ty có 5/12 sản phẩm trà hòa tan chế biến từ nông sản - thảo dược được công nhận OCOP. Công ty đang trong quá trình xúc tiến xuất khẩu sản phẩm ra thị trường thế giới. Và kế hoạch trong thời gian tới là đăng kí sở hữu trí tuệ tại các thị trường Hàn Quốc, Mỹ, Nhật, Canada và châu Âu. Với hướng đi này, chúng tôi mong muốn tiếp tục nhận được sự hướng dẫn, hỗ trợ trong vấn đề bảo hộ và khai thác quyền sở hữu trí tuệ từ sở ngành hữu quan của thành phố để có thể vươn mình lớn mạnh, góp phần nâng cao giá trị nông sản ÐBSCL, đóng góp vào sự phát triển của thành phố”.

Song song đó, để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao từ thị trường cũng như xu hướng tiêu dùng mới, Nhà nước cần tăng cường hỗ trợ các hợp tác xã, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tham gia chương trình trong việc nâng cấp máy móc, trang thiết bị sản xuất; hình thành chuỗi giá trị sản phẩm OCOP. Qua đó, cải tiến bao bì, nhãn mác; gắn mã truy xuất nguồn gốc sản phẩm từng bước đưa các sản phẩm vào các kênh phân phối hiện đại, các siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi, sàn thương mại điện tử...

Nguồn: https://baocantho.com.vn/phat-trien-song-hanh-so-luong-va-chat-luong-san-pham-ocop-a165248.html
Tin liên quan
Chưa có thông tin