Sản phẩm “Gạo Ngọc đỏ hương dứa” (đạt chứng nhận OCOP 3 sao) của Hợp tác xã Giống nông nghiệp Định An, huyện Lấp Vò được người tiêu dùng ưa chuộng
Kế hoạch hướng đến mục tiêu chung là phát triển sản phẩm OCOP nhằm khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập của người dân; góp phần tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ và du lịch nông thôn. Đồng thời, thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển bền vững, trên cơ sở tăng cường ứng dụng chuyển đổi số và kinh tế tuần hoàn, bảo tồn các giá trị văn hóa, quản lý tài nguyên, bảo tồn đa dạng sinh học, cảnh quan và môi trường nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.
Theo đó, kế hoạch cũng đề ra một số chỉ tiêu chủ yếu là có ít nhất 50 sản phẩm mới được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao trở lên; phấn đấu hỗ trợ 9 sản phẩm tiềm năng đạt 5 sao OCOP đề nghị Trung ương đánh giá, công nhận sản phẩm OCOP Quốc gia (trong đó, tiếp tục hỗ trợ phát triển 4 sản phẩm tiềm năng 5 sao OCOP của tỉnh đã gửi hồ sơ dự thi về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và chuẩn hoá thêm 5 sản phẩm OCOP tiềm năng của tỉnh đủ điều kiện tham gia, đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP 5 sao năm 2023).
Bên cạnh đó, phấn đấu có ít nhất 50% sản phẩm OCOP công nhận năm 2020 tham gia đánh giá, phân hạng lại năm 2023; ưu tiên phát triển các hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa; phấn đấu mỗi huyện, thành phố có ít nhất 1 chủ thể OCOP mới là hợp tác xã; có ít nhất 30% chủ thể là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Phấn đấu mỗi huyện, thành phố thực hiện xây dựng tối thiểu 1 chuỗi giá trị theo hướng kinh tế tuần hoàn OCOP xanh gắn với vùng nguyên liệu ổn định (tập trung phát triển các sản phẩm chủ lực: lúa, cá tra, hoa kiểng, xoài, sen và các ngành hàng có tiềm năng: nhãn, quýt hồng, chăn nuôi vịt, heo, bò,...); ưu tiên các sản phẩm OCOP đã được đánh giá và phân hạng. Phấn đấu mỗi huyện, thành phố (9 huyện/thành phố có làng nghề, làng nghề truyền thống được công nhận) có thêm 1 sản phẩm OCOP từ làng nghề, làng nghề truyền thống; phấn đấu tỷ lệ lao động được đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ phù hợp làm việc tại các chủ thể OCOP đạt tối thiểu 10%...
Kế hoạch còn đề ra chỉ tiêu phấn đấu có ít nhất 50% chủ thể OCOP tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại (hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi...) và có 100% sản phẩm OCOP của tỉnh được kinh doanh trên môi trường trực tuyến (có 100% sản phẩm OCOP đáp ứng tiêu chí 3 sao của tỉnh được đưa lên sàn thương mại điện tử Postmart.vn); phấn đấu có 1 quầy giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm OCOP/điểm du lịch lớn của tỉnh. Đồng thời, thí điểm tổ chức vận hành Không gian làm việc chung Hỗ trợ Doanh nghiệp và Khởi nghiệp nhằm hỗ trợ chuẩn hoá, phát triển, giới thiệu sản phẩm OCOP; phấn đấu tham gia Diễn đàn hợp tác quốc tế mỗi làng/xã một sản phẩm được tổ chức ít nhất 1 lần/năm, nhằm nâng cao và khẳng định thương hiệu OCOP Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế...