Cá mú trân châu được thả nuôi ở vùng biển Khánh Hòa. Ảnh: Đặng Tuấn-TTXVN
Khánh Hòa là một trong những địa phương có nhiều lợi thế trong nuôi biển với nhiều đối tượng mang giá trị kinh tế cao như: tôm hùm, cá biển các loại... Như tôm hùm, sản lượng sản phẩm này của Khánh Hòa chiếm trên 50% sản lượng cả nước.
Hay Quảng Ninh cũng là địa phương sở hữu nhiều thế mạnh sẵn có để phát triển kinh tế biển và thủy sản với hơn 2.000 đảo lớn nhỏ, bờ biển dài 250 km chạy dài từ Móng Cái đến Quảng Yên, có 40.000 ha bãi triều, trên 20.000 ha eo, vịnh…
Tuy nhiên, nuôi biển còn gặp nhiều khó khăn do quy mô nhỏ, khu vực nuôi chủ yếu phát triển ở gần bờ, ven các đảo; con giống, thức ăn nuôi, truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu sản phẩm… còn hạn chế.
Để tận dụng lợi thế khoảng 500.000 ha mặt nước có thể nuôi biển được, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quyết định 1664/QĐ-TTg).
Theo ông Trần Công Khôi – Trưởng phòng Giống và Thức ăn thủy sản, Cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chính sách cơ bản đã có. Ngành đang cùng các tổ chức, đơn vị cá nhân chuyển đổi nghề cho bà con khai thác ven bờ sang phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển.
Ông Trần Công Khôi cho biết, đã có những mô hình nuôi trồng thủy sản mang tính cộng đồng rất hiệu quả. Đó là các mô hình cộng đồng về trồng rong, rong câu, rong sụn đang phát triển rất tốt… Ngành đang phối hợp cùng số công ty triển khai các mô hình nuôi thủy sản cộng đồng tại Phú Yên, Bình Định, Cà Mau, Kiên Giang… Những mô hình này phát triển theo phương thức đồng quản lý vừa quản lý được khai thác ven bờ, vừa chuyển đổi nghề cho bà con ngư dân, đồng thời giúp các hoạt động khai thác tận diệt ven bờ được giảm thiểu.
Nuôi cá lồng bè trên vùng biển An Thới, thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Ảnh: Lê Huy Hải - TTXVN
PGS.TS Võ Văn Nha, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu nuôi trồng Thủy sản III cho biết, trừ các doanh nghiệp nuôi biển, phần nhiều người nuôi đều nuôi theo kiểu truyền thống, với vật liệu làm lồng thô sơ, kỹ thuật nuôi chủ yếu dựa vào kinh nghiệm.
Ứng với mỗi một nhóm quy mô nuôi biển khác nhau, cũng cần các giải pháp chuyển đổi khác nhau. Chẳng hạn với nhóm có qui mô lớn, cần vận động người dân hợp tác, hướng đến chuyển đổi sang các mô hình nuôi biển theo hướng công nghệ cao như các công ty, doanh nghiệp để dẫn dắt người khác.
Với nhóm có quy mô trung bình, tập trung hướng dẫn, tập huấn/đào tạo và tăng cường tham quan mô hình nuôi biển tốt hơn, hiện đại hơn, bảo vệ môi trường biển trong sạch hơn; đồng thời có chính sách hỗ trợ, có giải pháp khoa học công nghệ tốt hơn/khác biệt hơn so với kiểu nuôi biển truyền thống. Với nhóm có ít ô lồng hơn thì cần thúc đẩy liên kết để gia tăng nguồn lực, khuyến khích họ chuyển đổi nghề hoặc liên kết lại với nhau để họ vẫn có thể tham gia vào chuỗi hoạt động nuôi biển ở địa phương, ông Võ Văn Nha cho hay.
Từ cách làm xây dựng chuỗi cho bà con ở Quảng Ninh, bà Nguyễn Thị Hải Bình – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn STP Group cho biết, doanh nghiệp kết hợp với 43 hộ nông dân, hỗ trợ trả góp trong vòng 18 tháng, doanh nghiệp cung cấp giống và thu mua đầu ra bán cho Công ty rau câu Long Hải. Kết hợp với du lịch, khi khách đến trải nghiệm đều rất thích. Những người tham gia mô hình này cũng thấy được lợi ích từ liên kết chuỗi đó.
Bà Nguyễn Thị Hải Bình rằng, ngành nông nghiệp cần quy hoạch nuôi trồng thủy sản trên biển gắn với du lịch. Đây là nét đẹp tự nhiên có thể quảng bá du lịch Việt Nam, đồng thời gia tăng giá trị cho bà con ngư dân.
Còn để sản phẩm nuôi biển có thể xuất khẩu, ông Trần Công Khôi cho rằng, phải có vùng nuôi lớn đạt chuẩn, đồng thời phải có nghiên cứu sâu, đủ về các thị trường tiềm năng và có cách tiếp cận phù hợp, làm theo đúng yêu cầu thị trường.
Bên cạnh đó, để chuyển nuôi biển từ truyền thống sang công nghiệp, doanh nghiệp và ngư dân sẽ phải thay đổi công nghệ nuôi, nhất là lồng bè truyền thống làm bằng gỗ phải được thay thế bằng lồng bè làm bằng vật liệu HDPE để đảm bảo an toàn khi có thiên tai. Nhưng chi phí đầu tư cho việc đổi mới công nghệ là rất lớn.
Thả cá tại mô hình lồng HDPE được thí điểm tại vùng biển hở của tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: Đặng Tuấn –TTXV
Ông Trần Đình Khôi cho biết, ngành sẽ tăng cường hợp tác quốc tế trong chuyển giao khoa học công nghệ về thiết kế, vật liệu làm lồng bè; công nghệ sản xuất giống, thức ăn, nuôi thương phẩm, phòng trị bệnh và các biện pháp thích ứng với biến đổi khí hậu. Đồng thời, tăng cường hợp về đào tạo nguồn nhân lực phục vụ quản lý, nghiên cứu và sản xuất cho nuôi biển.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, phát triển nuôi biển là một trong những giải pháp để giảm khai thác, giảm xung đột trong quá trình bảo vệ nguồn lợi thủy sản, xây dựng ngành thủy sản bền vững.
Doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân cần cùng tham gia vào khai phá và bảo tồn biển bền vững, hướng tới thêm ngành kinh tế khai thác tiềm năng từ biển. Do đó, địa phương có khả năng phát triển nuôi biển cần cấu trúc lại ngành này, đẩy mạnh cái liên kết, hợp tác để nuôi biển trở thành một chuỗi ngành hàng, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.