|
  • :
  • :

Phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao giá trị

Năm 2023, sản xuất nông nghiệp (NN) trên địa bàn tỉnh diễn ra trong điều kiện phải đối mặt với nhiều khó khăn; dịch bệnh, giá vật tư NN, thức ăn chăn nuôi (CN), nuôi trồng thuỷ sản (TS) tăng cao, trong khi phần lớn giá nông sản còn thấp, tiêu thụ khó khăn. Tuy nhiên, ngành NN đã nỗ lực vượt qua khó khăn, triển khai hiệu quả tái cơ cấu ngành theo hướng phát triển bền vững, nâng cao giá trị…

Nông, lâm, ngư nghiệp chuyển dịch đúng hướng

Trong năm 2023, sản xuất trồng trọt gặp nhiều khó khăn: Đầu vụ đông-xuân rét đậm làm ảnh hưởng đến tiến độ gieo trồng, cuối vụ mưa lớn kèm giông, lốc làm đổ ngã một số diện tích lúa, ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng cây trồng. Tuy nhiên, lĩnh vực trồng trọt vẫn đạt được những kết quả tích cực: Gieo trồng bảo đảm tiến độ, thời vụ; tỷ lệ sử dụng giống trung, ngắn ngày chiếm 80%, giống chất lượng cao chiếm trên 70%; vụ hè-thu thời tiết cơ bản thuận lợi nên đạt kết quả tốt với sản lượng lương thực cả năm ước đạt hơn 30,8 vạn tấn, tăng 3,8%...

Bên cạnh đó, việc áp dụng các biện pháp canh tác tiên tiến, ứng dụng công nghệ cao (CNC); tưới tiết kiệm nước; áp dụng quy trình canh tác hữu cơ, tạo sản phẩm có chất lượng, giá trị, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm ngày càng được chú trọng. Nhiều mô hình sản xuất hiệu quả cao được triển khai, như: Sản xuất rau quả trong nhà màng, chuyển đổi vùng gò đồi, chuyển đổi đất sản xuất NN kém hiệu quả sang trồng dừa xiêm, sen, vừng, lạc, dưa hấu... gắn với ứng dụng CNC, xây dựng nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc và liên kết tiêu thụ.

Mô hình trồng rau quả trong nhà lưới theo hướng VietGAP.

Mô hình trồng rau quả trong nhà lưới theo hướng VietGAP.

Lĩnh vực CN tiếp tục phải đối mặt với nhiều biến động, khó khăn do dịch bệnh gia súc gây thiệt hại cho người CN, đặc biệt là dịch tả lợn châu Phi, viêm da nổi cục, tai xanh lợn phát sinh tại các hộ CN nhỏ lẻ. Ngoài ra, giá cả các sản phẩm CN đang ở mức thấp, trong khi giá thức ăn công nghiệp còn cao nên CN nông hộ giảm. Năm 2023, toàn tỉnh có đàn trâu 30.291 con, bò 84.053 con, lợn 269.105 con, đàn gia cầm 5,1 triệu con, sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 82.756 tấn (tăng 5,2%)...

Tình hình khai thác TS được duy trì ổn định. Toàn tỉnh có 1.177 tàu cá khai thác TS xa bờ được trang bị đầy đủ ngư cụ, thiết bị, thông tin liên lạc phù hợp với ngư trường. Mặt khác, công tác nuôi trồng TS theo hướng chuyển đổi từ nuôi quảng canh sang thâm canh, ứng dụng CNC, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, tiến bộ kỹ thuật về giống, quy trình nuôi bền vững theo hướng VietGAP được chú trọng. Các đối tượng nuôi chủ lực: Tôm thẻ chân trắng, tôm sú, ốc hương, tôm càng xanh... được nhân rộng; thử nghiệm thành công mô hình nuôi biển đối với ốc hương, cá bớp. Nhờ đó, sản lượng khai thác TS đạt 83.864 tấn, tăng 4,6%; diện tích thả nuôi TS đạt 6.716ha, tăng 1,9% …

Sản xuất lâm nghiệp (LN) tiếp tục đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Ngành NN đã hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương, đơn vị đẩy mạnh trồng, chăm sóc, khoanh nuôi tái sinh và nâng cao chất lượng rừng; thực hiện khoán bảo vệ rừng và hỗ trợ bảo vệ rừng; đồng thời tăng cường hướng dẫn, hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp xây dựng vùng nguyên liệu theo hướng liên doanh, liên kết với người trồng rừng, thành lập các hợp tác xã, nhóm hộ chủ rừng gắn với quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng FSC.Năm 2023, toàn tỉnh thực hiện chăm sóc 25.465ha rừng trồng, khai thác hơn 607.000m3 gỗ rừng trồng.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Mai Văn Minh cho biết, năm 2023, tăng trưởng toàn ngành chưa đạt kế hoạch; đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất có nhiều tiến bộ nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu; cơ cấu lại NN chưa mang lại hiệu quả rõ rệt; sản xuất theo hướng hàng hóa. NN CNC, NN hữu cơ tuy đã hình thành nhưng quy mô nhỏ, chưa có các vùng sản xuất tập trung; CN vẫn nhỏ lẻ, tái đàn gặp nhiều khó khăn do tình hình dịch bệnh phức tạp; giá một số mặt hàng thực phẩm giảm sâu đã ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, thu nhập của nông dân; việc bố trí đất để phát triển CN tập trung của các địa phương còn nhiều vướng mắc, khó giải quyết; tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất LN vẫn còn xảy ra; tháo gỡ "thẻ vàng" của EC gặp khó khăn; tình trạng vi phạm khai thác IUU vẫn còn xảy ra…

Hình thành tư duy “kinh tế nông nghiệp”

Giám đốc Sở NN-PTNT Mai Văn Minh thông tin, năm 2024, toàn ngành đặt mục tiêu tiếp tục thực hiện chuyển từ tư duy “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp”; phát triển NN bền vững, nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh, hướng tới xây dựng nền NN thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu gắn với chuyển đổi số; đẩy mạnh cơ cấu lại NN theo hướng thích ứng linh hoạt, an toàn gắn với kiểm soát dịch bệnh…

Mở rộng hình thức nuôi biển với các đối tượng giá trị cao.

Mở rộng hình thức nuôi biển với các đối tượng giá trị cao.

Theo đó, ngành NN sẽ chỉ đạo đẩy mạnh cơ cấu lại trồng trọt theo hướng giảm tỷ trọng giá trị sản xuất cây lương thực, tăng tỷ trọng cây công nghiệp ngắn ngày nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của thị trường. Quản lý và sử dụng hiệu quả đất chuyên trồng lúa, đặc biệt là bảo vệ nghiêm ngặt đất lúa 2 vụ để bảo đảm an ninh lương thực; chuyển đổi linh hoạt đất trồng lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác hiệu quả hơn; triển khai hiệu quả các giải pháp trong việc tuyên truyền, chỉ đạo nông dân hạn chế bỏ hoang ruộng hoặc lúa tái sinh trong sản xuất lúa vụ hè-thu; tích cực tìm kiếm, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào NN, nông thôn theo chuỗi; chuyển mạnh sang sản xuất hàng hóa trên cơ sở phát huy các lợi thế từng vùng…

Ngành CN phát triển theo hướng công nghiệp, ứng dụng CNC, đẩy mạnh CN theo hướng hữu cơ, sản xuất hàng hóa chất lượng cao, an toàn; đồng thời liên kết với các tập đoàn CN lớn để CN gia công theo đặt hàng; phát huy tiềm năng, lợi thế của các vùng sinh thái để phát triển CN bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu gắn với phát triển các chuỗi giá trị, bảo đảm an toàn sinh học, dịch bệnh, môi trường và an toàn thực phẩm…

Năm 2023, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và TS toàn tỉnh đạt 10.071 tỷ đồng, tăng 2,78% so với cùng kỳ 2022; sản lượng lương thực đạt 30,85 vạn tấn, tăng 3,8%; tỷ trọng CN chiếm 53,6% giá trị sản xuất NN; tổng sản lượng TS đạt 97.097 tấn; độ che phủ rừng đạt 68,69%…

Đối với lĩnh vực TS, tiếp tục đẩy mạnh khai thác xa bờ, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong khai thác, tăng thời gian bám biển; đầu tư hiện đại hóa trang thiết bị sơ chế, bảo quản trên tàu nhằm giảm tổn thất sau khai thác; tổ chức lại hoạt động khai thác hải sản vùng lộng, ven bờ và khai thác nội địa hợp lý, gắn phát triển sinh kế của cộng đồng ngư dân với nuôi trồng TS và du lịch sinh thái; tiếp tục triển khai quyết liệt, có hiệu quả chống khai thác IUU, tháo gỡ "thẻ vàng" của EC; nâng cao hiệu quả nuôi trồng TS các đối tượng chủ lực trên cơ sở đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, phòng chống dịch bệnh; nhân rộng mô hình nuôi TS biển và các đối tượng có giá trị kinh tế cao; triển khai thực hiện có hiệu quả các mô hình quản lý cộng đồng trong nuôi trồng TS…

Trên lĩnh vực LN tiếp tục bảo vệ và phát triển bền vững diện tích rừng hiện có; đẩy mạnh phát triển dịch vụ môi trường rừng; bảo tồn đa dạng sinh học gắn với phát triển du lịch sinh thái; bảo vệ, khoanh nuôi phục hồi rừng và nâng cao chất lượng rừng tự nhiên; đẩy mạnh chuyển hóa trồng rừng gỗ lớn, gắn với xây dựng phương án quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng đối với diện tích rừng trồng; xúc tiến kêu gọi doanh nghiệp đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến sâu sản phẩm gỗ…

Nguồn: http://www.baoquangbinh.vn/kinh-te/202312/phat-trien-nong-nghiep-ben-vung-nang-cao-gia-tri-2214190/