|
  • :
  • :

Phát triển ngành trồng nấm - Tiềm năng còn lớn 

Ở ÐBSCL nghề trồng nấm đang mở ra hướng phát triển kinh tế mới, trở thành nguồn hàng tạo giá trị cao.

Trồng nấm rơm trong nhà ở phường Phước Thới, quận Ô Môn, TP Cần Thơ.

Trồng nấm giúp giảm nghèo đến khá, giàu

Từ hàng chục năm qua nông dân ở ÐBSCL đã nhận ra lợi ích mang lại từ nghề trồng nấm. Trong các loại nấm ăn bổ dưỡng, nấm rơm vượt trội, lan rộng nhanh chóng từ lợi thế nguồn rơm rạ dồi dào sẵn có sau mỗi vụ lúa. Nghề trồng nấm rơm không ngừng tiến triển, từng được xem như một phương kế tạo thu nhập tăng thêm, giảm nghèo ở vùng nông thôn. Hơn nữa, ở một số địa phương sau nhiều năm bền bỉ tận dụng lợi thế, hình thành chuỗi liên kết sản xuất đã hình thành làng nghề trồng nấm kết nối thị trường tiêu thụ tốt, vươn lên khá giàu.

Cho đến nay, dân trồng nấm rơm đã thành nghề quanh năm ở "làng nấm" Tân Hòa huyện Lai Vung, tỉnh Ðồng Tháp còn nhớ: Khởi phát từ cuối những năm 1980, tại Cần Thơ khi nhà máy chế biến thực phẩm liên doanh Meko hình thành cùng với dòng meo nấm rơm mới cho năng suất cao đã kích hoạt phong trào trồng nấm rơm lan rộng ra các tỉnh lân cận Sóc Trăng, An Giang, Vĩnh Long… Nhiều nông dân nhận rõ lợi ích từ trồng nấm còn cho rằng, so với các loại nấm ăn thông dụng trong chế biến thực phẩm đang được sản xuất ra theo nhu cầu thị trường, chọn trồng nấm rơm tựa như làm nông theo kiểu nhà nghèo. Ðây là loại nấm trồng với vốn đầu tư ít. Chu kỳ vòng quay mỗi vụ ngắn nhất, chỉ khoảng hơn một tháng thu hoạch xong. Do đó dễ điều chuyển theo nhu cầu thị trường chợ nấm (nấm tươi, sơ chế nấm muối) nên ít bị ảnh hưởng bất lợi trong tiêu thụ.

Dân trồng nấm rơm và thương lái mua bán mặt hàng nấm tươi thừa nhận, dẫu có lúc giá cả chợ nấm lên xuống, nhưng chưa bao giờ giá nấm rơm tươi giảm dưới mức 35.000-40.000 đồng/kg. Lúc chạy hàng trúng chợ trên 70.000-80.000 đồng/kg. Kể cả như hồi năm dịch COVID-19, mặt hàng nấm rơm vẫn không bị ảnh hưởng.

Qua nhiều năm tích lũy kinh nghiệm kỹ thuật, đa số nông dân chọn cách trồng nấm ngoài trời. Sân chất nấm trên đồng ruộng sau mùa gặt, ngoài bờ vườn hay trước sân nhà. Cùng với tiến bộ kỹ thuật ứng dụng các giống meo không ngừng cải tiến đã giúp nông dân trồng đạt kết quả về năng suất, góp phần tạo sản lượng nấm tăng lên đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Tuy nhiên trong mấy năm gần đây, nghề trồng nấm rơm tiến thêm một bước mới. Mô hình trồng nấm sạch trong nhà có kiểm soát chất lượng tốt giá bán luôn cao hơn gần gấp đôi so với trồng nấm ngoài trời. Mô hình trồng nấm rơm cải tiến bằng compost trong nhà sẽ khắc phục được điều kiện bất lợi của thời tiết như nắng nóng, mưa bão kéo dài, dễ thực hiện, mang lại hiệu quả kinh tế, đồng thời gắn kết được với các đại lý mua bán nấm rơm, bao tiêu sản phẩm.

Hướng phát triển nấm sạch

Nấm rơm được xem như nguồn "rau thịt" được chọn dùng cho bữa ăn dinh dưỡng. Do nhu cầu thị trường tiêu dùng thực phẩm sạch, an toàn, nấm sạch tương lai số lượng sẽ tăng lên do là nguồn thực phẩm thiết yếu. Nấm sạch giá trị cao sẽ là hướng phát triển lâu bền.

Bắt nhịp theo xu thế đó, cùng với kỹ thuật trồng nấm ngoài trời, nấm rơm sạch đang dần phổ biến kỹ thuật trồng trong nhà, chủ động kiểm soát chất lượng chặt chẽ, nhất là biện pháp phòng bệnh, sát khuẩn diệt côn trùng không cần dùng đến các chất hóa học (chất chống dịch bệnh), đảm bảo điều kiện môi trường thuận lợi cho năm sinh trưởng và phát triển.

Trồng nấm rơm trong nhà còn cho thấy đạt nhiều lợi ích như: chủ động kiểm soát môi trường trồng nấm nên năng suất tăng gấp 2-3 lần so với trồng nấm ngoài trời. Nếu như trồng ngoài trời năng suất tính theo trọng lượng nấm tươi/trọng lượng rơm khô đạt 7-10% thì trồng trong nhà tỷ lệ này có thể đạt 25-30%, thậm chí có thể cao hơn. Trong khi chi phí thấp do nguyên liệu và công thu hái ít hơn nên lợi nhuận cao hơn. Hơn nữa điều kiện lao động được cải thiện. Do được trang bị các dụng cụ thiết bị phù hợp, người trồng nấm chỉ cần đào tạo trong thời gian ngắn cũng nắm bắt được kỹ thuật trồng. Mặt khác, mô hình sản xuất phân bón hữu cơ, vi sinh từ phụ phẩm rơm rạ sau trồng nấm còn đem lại nhiều lợi ích cho ngành trồng trọt.

Gần đây tại TP Cần Thơ và một số tỉnh lân cận trong vùng, nông dân bắt đầu trồng nấm rơm sạch theo mô hình trồng trong nhà đạt chất lượng tốt, đạt hiệu quả. Nấm rơm trồng trong nhà có chất lượng cao, có thể hoàn toàn đạt tiêu chuẩn "nấm sạch" an toàn, thỏa mãn ngay cả những yêu cầu khắt khe về chất lượng của người tiêu dùng.

TP Cần Thơ vừa dự thảo kế hoạch Phát triển sản xuất nấm dược liệu và nấm ăn giai đoạn 2023-2025, với tổng kinh phí trên 4,2 tỉ đồng, trong đó kinh phí ngân sách nhà nước trên 3,3 tỉ đồng và kinh phí đối ứng của nông dân 1,3 tỉ đồng.

Theo đó, thành phố sẽ phát triển ngành nấm ăn, nấm dược liệu thành ngành sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô công nghiệp, từng bước ứng dụng công nghệ cao; gắn kết chặt chẽ giữa nghiên cứu, sản xuất, bảo quản, chế biến và tiêu thụ; góp phần giải quyết việc làm, bảo vệ môi trường, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn; tạo ra nguồn hàng hóa lớn có giá trị kinh tế cao phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Ðồng thời tạo thu nhập tăng thêm cho nhân dân bằng cách tận dụng nguồn phụ phẩm sẵn có tại địa phương; giảm thiểu tình trạng đốt rơm rạ nhằm giảm phát thải khí nhà kính; hoàn thiện và kéo dài chuỗi kinh tế tuần hoàn cho cây lúa.

Theo Cục Trồng trọt, mỗi năm lượng rơm rạ sau quá trình sản xuất lúa khoảng 40 triệu tấn. Trong đó, phần nhiều rơm rạ còn lãng phí, xử lý bằng cách đốt trên đồng gây ô nhiễm môi trường và tăng phát thải khí nhà kính. Nguồn phụ phẩm từ rơm rạ có thể tận dụng sản xuất các sản phẩm nấm rơm, thức ăn cho bò, phân bón sinh học, nhựa sinh học…

Nguồn: https://baocantho.com.vn/phat-trien-nganh-trong-nam-tiem-nang-con-lon-a158707.html
Tin liên quan
Chưa có thông tin