Nguyên liệu để làm tỏi đen là loại tỏi một nhánh chất lượng cao. Ảnh: Hữu Quyết - TTXVN
Tỏi tía là cây trồng vụ Đông phổ biến tại các xã Chiềng Đông, Chiềng Sàng, Chiềng Pằn, Viêng Lán. Tỏi được trồng từ tháng 10 năm trước, thời gian thu hoạch từ cuối tháng 1 đến hết tháng 3 năm sau. Hiện, toàn huyện Yên Châu trồng khoảng 200 ha tỏi, sản lượng ước đạt trên 400 tấn củ. Tỏi ở Yên Châu có nhiều loại, phổ biến nhất là giống tỏi tía thường có nhiều nhánh, các nhánh to vừa phải.
Kho chứa tỏi giống của Hợp tác xã Tuổi trẻ 26/3, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La. Ảnh: Hữu Quyết - TTXVN
Ngoài ra, còn có tỏi một nhánh hay còn gọi là “tỏi cô đơn” có giá trị kinh tế cao hơn. Trong suốt hơn 3 tháng trồng và sinh trưởng loại tỏi này không đẻ thêm nhánh mà chỉ to ra, loại tỏi này có mùi thơm đậm hơn, vị cay nồng. Nhận thấy sản lượng tỏi khá lớn, từ năm 2016 Hợp tác xã Tuổi trẻ 26/3, huyện Yên Châu đã ứng dụng khoa học, công nghệ để sản xuất tỏi đen một nhánh.
Thành phẩm tỏi đen một nhánh sau khi được lên men. Ảnh: Hữu Quyết - TTXVN
Anh Nguyễn Văn Toàn, thành viên Hợp tác xã Tuổi trẻ 26/3 chia sẻ: “Nhận thấy vùng đất Yên Châu trồng rất nhiều tỏi nhưng chỉ bán nhỏ lẻ, nên giá trị sản phẩm chưa cao. Do vậy đã thôi thúc chúng tôi nghiên cứu lên men để tạo sản phẩm tỏi đen. Đặc điểm nổi bật của việc lên men tỏi của hợp tác xã là nguyên liệu được chọn lọc kỹ, không có chất bảo quản, nhặt bỏ các củ hỏng; tỏi được lên men đủ ngày, theo quy trình chuẩn, an toàn và vệ sinh, ứng dụng công nghệ lên men của Nhật Bản”.
Đưa tỏi vào lò lên men để sản xuất tỏi đen. Ảnh: Hữu Quyết - TTXVN
Theo anh Nguyễn Văn Toàn, ở Việt Nam hiện nay, công nghệ lên men tỏi đen đã được nghiên cứu từ lâu, trên thị trường cũng đã có nhiều thiết bị làm tỏi đen, nhưng giá máy rất đắt. Do vậy giá thành tỏi đen cao và không hướng tới người dùng có thu nhập thấp. Vì thế, Hợp tác xã Tuổi trẻ 26/3 đã bắt tay nghiên cứu chế tạo máy lên men tỏi đen.
Phân loại tỏi đen tại Hợp tác xã Tuổi trẻ 26/3. Ảnh: Hữu Quyết - TTXVN
Cấu tạo máy sử dụng vật liệu đơn giản như: Dây điện trở dẻo, bông thủy tinh cách nhiệt chống cháy và bộ điều khiển nhiệt độ. Máy lên men tỏi đen có công suất 400 kg tỏi tươi/mẻ, nhiệt độ điều khiển tự động theo từng chu kỳ, giai đoạn khác nhau. Quá trình lên men diễn ra liên tục, chính xác, chất lượng tỏi đen làm ra đồng đều nhất. Chi phí sản xuất máy 400 triệu đồng, rẻ hơn các máy cùng công suất bán trên thị trường 200 triệu đồng. Với một mẻ 400 kg tỏi tươi, sau 35-45 ngày cho ra thành phẩm và thu được khoảng 200 kg tỏi đen; sản phẩm tỏi đen có vị ngọt, dễ ăn, không còn mùi cay hăng của tỏi thường.
Để tăng công suất chế biến tỏi đen đáp ứng nhu cầu thị trường, các thành viên Hợp tác xã Tuổi trẻ 26/3 đã tiếp tục tìm hiểu và nghiên cứu giải pháp điều khiển tự động và giám sát từ xa với 20 lò lên men tỏi đen. Lò lên men được áp dụng theo công nghệ 4.0, điều khiển tự động trên máy tính hoặc điện thoại, giúp cho việc điều khiển lò lên men tỏi đen đơn giản, chính xác tuyệt đối, nâng cao chất lượng tỏi đen.
Sản phẩm tỏi đen một nhánh của Hợp tác xã Tuổi trẻ 26/3. Ảnh: Hữu Quyết - TTXVN
Hiện, tổng sản lượng hàng năm hợp tác xã bán ra thị trường khoảng 10 tấn tỏi đen, doanh thu trên 4 tỷ đồng, tạo việc làm cho hơn 10 lao động địa phương với mức thu nhập từ 6 triệu đồng/tháng trở lên. Sản phẩm tỏi đen Châu Yên cũng đang được xây dựng để đạt tiêu chuẩn 4 sao trong Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP).
Giám đốc Hợp tác xã Tuổi trẻ 26/3 Nguyễn Văn Tuấn chia sẻ: “Ban đầu các thành viên hợp tác xã gặp rất nhiều khó khăn vì chưa có vốn, kỹ thuật chưa có, nhiều mẻ tỏi đã hỏng và phải bỏ đi, nhưng sau mỗi mẻ tỏi hỏng, chúng tôi lại rút ra được kinh nghiệm, dần dần đã lên men thành công, tạo ra sản phẩm tỏi đen đạt chuẩn, ngon dẻo ngọt và không còn vị hăng".
Sản phẩm tỏi đen một nhánh của Hợp tác xã Tuổi trẻ 26/3. Ảnh: Hữu Quyết - TTXVN
Đến nay, hợp tác xã đã đầu tư nhà xưởng và dây chuyền sản xuất với quy mô hiện đại; trong đó, chú trọng việc nâng cao chất lượng để xây dựng thêm thương hiệu “Tỏi đen Hoshi”, đảm bảo các yêu cầu nghiêm ngặt phục vụ xuất khẩu ra thị trường các nước trong khu vực Đông Nam Á.
Thời gian tới, hợp tác xã tiếp tục xây dựng các vùng nguyên liệu, hướng dẫn và chia sẻ kinh nghiệm bà con thực hiện canh tác theo hướng nông nghiệp sạch, thân thiện với môi trường và đảm bảo sức khỏe cho người sản xuất và cả người tiêu dùng. Dự kiến sẽ tập trung sâu vào chế biến và bảo quản các sản phẩm của địa phương, như xoài sấy dẻo, vang chuối, vang xoài, vang mận.
Khách tìm hiểu sản phẩm tỏi đen một nhánh của Hợp tác xã Tuổi trẻ 26/3. Ảnh: Hữu Quyết - TTXVN
Những năm gần đây, để nâng cao giá trị các sản phẩm đặc trưng của địa phương, huyện Yên Châu đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hướng dẫn và hỗ trợ các cơ sở ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào quá trình sản xuất. Đồng thời, tích cực đồng hành với các hộ dân để tham gia chương trình OCOP. Đến nay, huyện Yên Châu đã có 6 sản phẩm OCOP được cấp giấy chứng nhận 3 sao, 4 sao như chuối sấy giòn, chuối sấy dẻo, xoài sấy dẻo, tỏi đen Châu Yên, tinh bột nghệ vàng.
Ông Lại Hữu Hưng, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Yên Châu cho biết, đến nay, nhiều bà con nông dân, các đơn vị doanh nghiệp, hợp tác xã ngày càng chú trọng đến việc nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp, dần xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường và tìm hiểu để đưa lên các sàn giao dịch thương mại điện tử.
Sản phẩm tỏi đen một nhánh của Hợp tác xã Tuổi trẻ 26/3. Ảnh: Hữu Quyết - TTXVN
Từ những thành công đạt được trong triển khai chương trình OCOP, nhiều sản phẩm truyền thống, sản phẩm thế mạnh của địa phương đang được hoàn thiện theo quy chuẩn; một số sản phẩm tạo được vị thế trên thị trường. Đây là tiền đề vững chắc để chương trình trở thành hướng đi hiệu quả trong phát triển nông nghiệp, nông thôn của huyện trong thời gian tới.