Sử dụng rơm để làm phân bón hữu cơ tại HTX New Green Farm ở Thốt Nốt.
Rơm mang lại nhiều giá trị
Rơm sau các mùa thu hoạch lúa tại nhiều địa phương như ở phường Thới An Ðông, quận Bình Thủy hay các phường Tân Hưng và Thuận Hưng thuộc quận Thốt Nốt hầu như không còn bị đốt bỏ trên đồng mà được bà con thu gom để phục vụ trồng nấm rơm. Hiện nay, nhờ có máy cuốn rơm nên việc thu gom rơm khá dễ dàng và nhanh nhóng, với mức giá thuê máy cuốn rơm chỉ 9.000-10.000 đồng/cuộn và được đưa vào tận bờ ruộng. Thường mỗi công lúa cho thu hoạch khoảng 14-15 cuộn rơm. Mỗi cuộn rơm khi chất nấm có thể thu được từ 1-1,5 kg nấm rơm. Anh Ngô Thanh Lượm ngụ phường Thới An Ðông, quận Bình Thủy, cho biết: "Với giá bán nấm rơm ở mức khá cao như những tháng qua, từ 45.000-60.000 đồng/kg, rơm giúp tạo ra giá trị gia tăng rất lớn. Rơm sau quá trình chất nấm còn được đem bán với giá khá cao cho những người trồng hoa kiểng để làm phân bón hữu cơ".
Cùng với việc sử dụng rơm để trồng nấm rơm, nông dân Hợp tác xã (HTX) New Green Farm ở khu vực Tân Phước, phường Tân Hưng, quận Thốt Nốt còn sử dụng rơm kết hợp các phế phụ phẩm khác trong nông nghiệp để làm ra sản phẩm phân bón hữu cơ dạng bột. HTX cũng đã xây dựng bao bì, nhãn hiệu cho sản phẩm để người tiêu dùng dễ dàng nhận diện và mua sử dụng. Hiện sản phẩm phân bón hữu cơ New Green Farm có giá bán ở mức 3,5 triệu đồng/tấn và khoảng 70.000 đồng/bao 20kg. Anh Ðồng Văn Cảnh, Giám đốc HTX New Green Farm, cho biết: "Phân bón hữu cơ của HTX được sản xuất từ rơm, kết hợp với các phụ phẩm như tro trấu, mụn dừa, phân bò... giúp cung cấp nhiều chất dinh dưỡng cần thiết cho cây trồng nên được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng. Ðể thành công trong việc sản xuất ra sản phẩm, HTX đã được sự hỗ trợ, hướng dẫn tích cực từ ngành Nông nghiệp TP Cần Thơ, Viện Nghiên cứu lúa gạo Quốc tế (IRRI) và các đơn vị có liên quan. Phân bón được sản xuất trải qua quy trình gồm nhiều công đoạn ủ trộn kéo dài trong khoảng 45 ngày". Theo anh Cảnh, cứ khoảng 45 ngày HTX sản xuất được một mẻ phân hữu cơ khoảng 60 tấn và dự kiến tới đây mở rộng quy mô sản xuất lên 2 mẻ cùng một lúc. Nguồn nguyên liệu rơm để sản xuất phân bón hữu cơ rất dồi dào nhưng HTX còn gặp khó về vốn và công nghệ, máy móc để tăng sản lượng sản xuất, cũng như nâng cấp sản phẩm phân bón hữu cơ từ dạng bột sang dạng viên để thuận lợi hơn trong sử dụng. HTX rất mong có sự hỗ trợ thêm từ ngành chức năng.
Tiếp tục hỗ trợ nông dân
Ðể thúc đẩy liên kết, phát triển chuỗi giá trị sản phẩm từ rơm, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ phối hợp với IRRI tổ chức "Phiên họp các tác nhân trong chuỗi giá trị sản phẩm từ rơm". Theo bà Ðinh Thị Kim Dung, Chánh Văn phòng IRRI tại Việt Nam, đây là dịp để nông dân và các bên liên quan cùng trao đổi, đề xuất các đổi mới và đưa ra các giải pháp nhằm tháo gỡ các khó khăn, thúc đẩy liên kết, phát triển chuỗi giá trị sản phẩm từ rơm theo nhu cầu thị trường. Ðề xuất các ý tưởng, hướng đi mới và giải pháp giúp thu gom, khai thác hiệu quả nguồn rơm rạ và phát triển được nhiều sản phẩm giá trị gia tăng từ rơm rạ, cũng như mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Sau sự kiện này, IRRI cũng tiếp tục triển khai nhiều hoạt động nhằm hỗ trợ nông dân tại TP Cần Thơ và các tỉnh ÐBSCL phát triển chuỗi giá trị sản phẩm từ rơm.
Ông Dương Văn Siêu, ngụ xã Ðông Thuận, huyện Thới Lai, cho rằng: "Nông dân còn thiếu thông tin và kiến thức về việc khai thác, sử dụng rơm, cũng như chưa có khả năng mua sắm máy cuốn rơm, số lượng máy làm dịch vụ thu gom rơm tại nhiều nơi cũng còn hạn chế. Muốn thu gom rơm nông dân phải mất nhiều thời gian để tìm thuê máy và sợ không kịp làm đất để gieo sạ vụ tiếp theo nên còn tình trạng đốt rơm trên đồng. Hiện rơm tại nhiều nơi bán được giá rất cao nhưng có nơi lại không có ngươi mua. Do vậy, nông dân rất cần ngành chức năng hỗ trợ kết nối cung - cầu rơm và thúc đẩy giao thương, mua bán các sản phẩm từ rơm". Theo nhiều nông dân, tới đây ngành chức năng cần tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để nâng cao nhận thức và hành động của nông dân và có chính sách nhằm thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia liên kết với nông dân trong phát triển các chuỗi giá trị sản phẩm từ rơm. Hỗ trợ nông dân đẩy mạnh cơ giới hóa thu gom rơm và phát triển các tổ, nhóm làm dịch vụ để giúp nông dân nâng cao khả năng thu gom, mua bán rơm và phát huy các giá trị từ rơm.
Theo ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, các sản phẩm từ rơm đã được doanh nghiệp, HTX và nông dân quan tâm phát triển sản xuất, kinh doanh. Bước đầu đã có các giải pháp sử dụng và từng bước nâng cao hiệu quả như sử dụng rơm để trồng nấm rơm, làm thức ăn cho trâu bò, làm giá thể để sản xuất một số sản phẩm thủ công... Tuy nhiên, số lượng sản phẩm từ rơm chưa nhiều, việc tiêu thụ sản phẩm cũng còn hạn chế, người tiêu dùng chưa tiếp cận đầy đủ thông tin về sản phẩm. Thời gian tới, ngành Nông nghiệp thành phố tiếp tục quan tâm triển khai các đề án, chính sách hỗ trợ và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, kết nối để thúc đẩy phát triển chuỗi giá trị sản phẩm từ rơm. Tăng cường thông tin về các sản phẩm làm từ rơm để các chủ thể, doanh nghiệp và người tiêu dùng biết. Ðồng thời, phối hợp với các viện, trường, tổ chức quốc tế tiếp tục nghiên cứu các giải pháp sử dụng rơm hiệu quả, sản phẩm đa dạng hơn. Ðơn cử như nghiên cứu sử dụng rơm để sản xuất nhiều loại nấm, phát triển các sản phẩm OCOP từ những loại nấm hay sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ rơm...