|
  • :
  • :

Phát triển cây ăn quả gắn với tiêu thụ và xuất khẩu

Yên Châu (Sơn La) tập trung phát triển các loại cây ăn quả trên đất dốc, đảm bảo chất lượng, năng suất đáp ứng yêu cầu thị trường xuất khẩu.

Nông dân nâng cao chất lượng cây ăn quả

Dọc theo Quốc lộ 6 từ các xã: Chiềng Đông, Chiềng Pằn, Viêng Lán... đến Chiềng Hặc, Tú Nang, Lóng Phiêng… của huyện Yên Châu (Sơn La) chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước những vườn xoài, vườn mận, nhãn trĩu quả. Thời điểm này, các chủ vườn đang tập trung chăm sóc xoài thời kỳ ra quả non, vườn nhãn đang ra hoa.

Người trồng cây thực hiện nghiêm ngặt quy trình sản xuất, quản lý tốt mã vùng trồng; quản lý và sử dụng hiệu quả thương hiệu sản phẩm; tham gia HTX, liên kết với doanh nghiệp để tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị. Phương pháp bao trái cây ăn quả có lợi ích ít bị sâu bệnh, trái cây sạch - an toàn.

Phát triển cây ăn quả gắn với tiêu thụ và xuất khẩu - Ảnh 2.

Yên Châu (Sơn La) tập trung chăm sóc cây ăn quả thời kỳ ra hoa, đậu quả, đảm bảo chất lượng, năng suất đáp ứng yêu cầu thị trường. Ảnh: Văn Ngọc

Theo chân cán bộ Hội Nông dân Yên Châu (Sơn La) chúng tôi đến thăm mô hình trồng cây ăn quả trên đất dốc của gia đình chị Nguyễn Thị Duyên, bản Co Cúng, xã Lóng Phiêng, huyện Yên Châu (Sơn La). chị Duyên chia sẻ: Gia đình trồng gần 10 ha nhãn, xoài…năm nay thời tiết thuận lợi hơn, không có gió lớn, mưa phùn nhẹ, nồm ẩm nên vườn cây ăn quả nào cũng nở rộ hoa, kết trái đúng thời vụ. Nếu thời tiết tiếp tục thuận lợi thì vụ quả năm nay sẽ được mùa nhất trong vài năm trở lại đây.

Bí quyết để có vụ mùa thắng lợi của chị Duyên là ngay sau khi thu hoạch, tiến hành cắt tỉa những cành già, cành bị sâu bệnh từ vụ trước, tạo thông thoáng cho cây, tránh bị nhiễm bệnh từ cành này sang cành khác. Đồng thời, xiết gốc để kích thích phân hóa mầm hoa, thuận lợi cho việc ra hoa, đậu quả vụ. Thực hiện chăm sóc đúng kỹ thuật. Nhờ vậy, hàng năm vườn cây ăn quả gia đinh chị cho năng suất cao, mẫu mã đẹp, được thương lái thu mua tận vườn và xuất bán vào các siêu thị, của hàng nông sản sạch trên địa bàn thành phố Hà Nội, xuất khẩu sang Trung Quốc... Trung bình gia đình tôi thu từ 100 - 120 tấn nhãn/vụ. Trừ tất cả chi phí, gia đình tôi đã có lợi nhuận 1,6 tỷ đồng/năm.

"Thời gian chăm cây ăn quả ra hoa rất quan trọng và cần quan tâm nhất; bởi thời điểm này cây xoài dễ bị nhiễm bệnh thán thư, rệp, bọ trĩ... dẫn đến hiện tượng rụng hoa và quả non rất cao. Vì vậy, phải thường xuyên thăm vườn và thực hiện các biện pháp phòng, chống sâu bệnh, đảm bảo cho sản phẩm quả sạch, mẫu mã đẹp theo yêu cầu của thị trường", chị Duyên nói.

Phát triển cây ăn quả gắn với tiêu thụ và xuất khẩu - Ảnh 3.

Chị Nguyễn Thị Duyên, bản Co Cúng, xã Lóng Phiêng, huyện Yên Châu (Sơn La) kiểm tra hệ thống tưới ẩm cho vườn cây ăn quả của gia đình. Ảnh: Văn Ngọc

Phát triển cây ăn quả bền vững

Từ huyện miền núi có diện tích đất nương đồi trồng ngô trên 70% diện tích đất trồng trọt, Yên Châu đã nhanh chóng trở thành một trong những vựa cây ăn quả  lớn của tỉnh Sơn La. Thực hiện chủ trương trồng cây ăn quả trên đất dốc, đến nay, tổng diện tích cây ăn quả của huyện đạt trên 11.000 ha; sản lượng quả năm 2023 ước đạt 90.000 tấn, so với năm 2022 tăng khoảng 20.000 tấn.

Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ tiếp tục được phát triển trên diện rộng, ứng dụng rộng rãi cơ giới hóa trong sản xuất; phát triển các  chuỗi cung ứng thực phẩm nông sản an toàn; có 773 ha cây trồng áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt (VIETGAP); có 50 mã số vùng trồng với diện tích 1.025 ha đủ điều kiện xuất khẩu; có 2 sản phẩm nông sản được cấp văn bằng bảo hộ (xoài tròn Yên Châu và Chuối Yên Châu); 6 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP.

Phát triển cây ăn quả gắn với tiêu thụ và xuất khẩu - Ảnh 4.

Hội Nông dân huyện Yên Châu (Sơn La) hướng dẫn hội viên nông dân bao trái cây, giảm thiểu tác động từ sâu bệnh hại. Ảnh: Văn Ngọc

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Điện, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La cho biết:  Để sản phẩm trái cây Yên Châu chinh phục được các thị trường khó tính như: EU, Hoa Kỳ, Nga, Úc, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và một số nước Trung Đông và Asean chấp nhận thì địa phương phải cam kết đảm bảo chất lượng sản phẩm, tổ chức thực hiện nghiêm ngặt quy trình sản xuất và quản lý tốt mã số vùng trồng, quản lý và sử dụng có hiệu quả thương hiệu sản phẩm.

Với mục tiêu phấn đấu năm 2023 sản lượng sản phẩm trái cây tham gia xuất khẩu đạt trên 3.900 tấn; Giá trị sản phẩm xuất khẩu ước đạt 3,7 triệu USD (tăng 26,15% so với năm 2022) theo Kế hoạch số 58/KH-UBND ngày 07/02/2023 của UBND huyện về Kế hoạch Xuất khẩu sản phẩm hàng hóa của huyện Yên Châu năm 2023 theo hướng hiệu quả, bền vững.

Phát triển cây ăn quả gắn với tiêu thụ và xuất khẩu - Ảnh 5.

Huyện Yên Châu tăng cường hoạt động giám sát đối với diện tích đã cấp VietGAP, mã số vùng trồng của các doanh nghiệp, HTX; tiếp tục xây dựng, cấp các mã vùng trồng mới. Ảnh: Văn Ngọc

Huyện Yên Châu luôn xác định chất lượng nông sản là yếu tố hàng đầu giúp nông sản Yên Châu chinh phục được thị trường tiêu dùng và xuất khẩu. Huyện Yên Châu đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn hội viên, nông dân tham gia HTX, liên kết với doanh nghiệp để tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, có như vậy nông nghiệp của huyện Yên Châu mới phát triển bền vững.

Tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng nông sản hàng hóa; tăng cường áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, trong đó bao trái cây là một biện pháp tiến bộ nhằm tạo ra mẫu mã sản phẩm trái cây đồng đều, nâng cao chất lượng trái cây, tiết kiệm chi phí cho người sản xuất và góp phần bảo vệ môi trường do hạn chế dụng thuốc bảo vệ thực vật, để hướng tới sản xuất nông sản hàng hóa chất lượng cao.

Phát triển cây ăn quả gắn với tiêu thụ và xuất khẩu - Ảnh 6.

Những năm gần đây nhờ phát triển cây ăn quả trên đất dốc, nhiêu hội viên nông dân trên địa bàn huyện Yên Châu đã vươn lên thoát nghèo. Ảnh: Văn Ngọc

Tăng cường hoạt động giám sát đối với diện tích đã cấp VietGAP, mã số vùng trồng của các doanh nghiệp, HTX; tiếp tục xây dựng, cấp các mã vùng trồng mới; Tập trung tổ chức tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực, kỹ thuật thu hái, sơ chế, bảo quản cho lao động và người dân. Đẩy mạnh thực hiện liên kết sản xuất với nhu cầu thị trường, tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng kinh tế với các doanh nghiệp thu gom, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu; Xây dựng và duy trì các chuỗi sản xuất, cung ứng nông sản an toàn bền vững; Hỗ trợ phát triển các cơ sở đóng gói đáp ứng tiêu chuẩn của nước nhập khẩu, trước mắt là thị trường Trung Quốc.

Kêu gọi các doanh nghiệp, các đơn vị đầu tư vào Yên Châu để xây dựng các nhà máy bảo quản, chế biến nông sản, đầu tư mở rộng vùng sản xuất nguyên liệu tập trung, làm đầu mối kết nội thị trường tiêu thụ và xuất khẩu cho các sản phẩm trái cây chủ lực của Yên Châu như: Nhãn, xoài, Mận, Chuối, bưởi da xanh.  

Nguồn: http://trangtraiviet.vn/phat-trien-cay-an-qua-gan-voi-tieu-thu-va-xuat-khau-20230418123411138.htm
Tin liên quan
Chưa có thông tin