|
  • :
  • :

Phát huy vai trò tích cực của thương lái trong chuỗi ngành hàng lúa gạo 

Gần đây, giá lúa đông xuân 2023-2024 giảm mạnh khi bước vào thu hoạch rộ, thương lái bị nhiều người "kết tội" đã "ép giá" thu mua lúa của nông dân. Tình trạng thương lái không thu mua lúa đúng giá đã đặt cọc với nông dân xuất hiện tại nhiều nơi (chỉ mua thấp hơn giá đã đặt cọc). Vai trò của thương lái là không thể thiếu trong chuỗi ngành hàng lúa gạo, nhưng ngành chức năng cần quan tâm nhiều hơn, có giải pháp quản lý để phát huy vai trò tích cực của họ trong hoạt động này, hạn chế tình trạng "bẻ kèo" như đang diễn ra.

Hạn chế trong kết nối tiêu thụ

Vào thời điểm trước Tết Nguyên đán 2024, khi các trà lúa đông xuân 2023-2024 trên địa bàn TP Cần Thơ và nhiều tỉnh vùng ĐBSCL mới bước vào giai đoạn trổ và chắc xanh, nhiều thương lái đã đến nhà dân đặt cọc mua lúa tươi với giá rất cao. Các loại lúa thơm như Đài thơm 8, Jasmine 85, Nàng Hoa 9 và OM 18 được thương lái đặt mua với giá 9.000-9.500 đồng/kg. Còn lúa thơm ST25 tại nhiều nơi có giá lên đến hơn 10.000 đồng/kg. Tuy nhiên, qua Tết Nguyên đán, giá lúa tại nhiều nơi đã giảm mạnh so với trước, giảm ít nhất từ 1.500-2.000 đồng/kg. Vào thời điểm khoảng nửa cuối tháng 2 đến những ngày đầu tháng 3-2024, giá nhiều loại lúa thơm tại nhiều nơi chỉ còn ở mức 8.000-8.500 đồng/kg đối với các hợp đồng thu mua lúa đã nhận tiền cọc chốt giá từ trước, còn hợp đồng chốt giá mới chỉ còn ở mức 7.500-7.900 đồng/kg. Giá một số loại lúa hạt tròn và lúa dài thường như IR 50404, OM 380, OM 5451 được nông dân thu hoạch và bán cho thương lái ở mức 7.100-7.500 đồng/kg. Những ngày gần đây, giá nhiều loại lúa đã tăng trở lại từ 100-400 đồng/kg, nhưng nhìn chung vẫn đang thấp hơn rất nhiều so với thời điểm tháng 1-2024. Theo đó, hiện giá các loại lúa tươi (bao gồm lúa thường và lúa thơm) đang phổ biến từ 7.400-8.400 đồng/kg.

 

Thu hoạch lúa đông xuân 2023-2024 trên địa bàn TP Cần Thơ.

Với biến động mạnh của giá lúa như thời gian qua, nông dân đã bị thương lái hạ giá thu mua xuống dù trước đó đã nhận tiền cọc thỏa thuận bán lúa với giá cao. Vì vậy, nhiều nông dân cho rằng mình đã bị thương lái "ép giá" thu mua lúa. Trên thực tế cho thấy, sự biến động của giá lúa không phải hoàn toàn do thương lái quyết định mà nó phụ thuộc rất nhiều vào các yếu tố cung - cầu, giá cả đầu ra xuất khẩu gạo, giá thu mua lúa, gạo của các đơn vị, doanh nghiệp ở trong và ngoài nước... Tuy nhiên, xét ở một góc độ nào đó, thương lái là người trực tiếp thỏa thuận mua lúa của nông dân nên họ không thể phủ bỏ trách nhiệm. Đáng chú ý, dù đã thỏa thuận giá và đưa tiền cọc từ trước nhưng đến thu hoạch lúa, thương lái vẫn giữ lợi thế trong việc yêu cầu nông dân giảm giá, nếu không họ sẽ không thu mua. Đa phần thương lái chỉ đặt tiền cọc ở mức khiêm tốn, từ 300.000-500.000 đồng/công lúa mà không ký hợp đồng với các điều khoản ràng buộc cụ thể nào (không mua chỉ bị mất cọc). Do vậy, thương lái dễ dàng đưa ra quyết định bỏ cọc để ít bị thua lỗ so với việc phải thu mua lúa của nông dân với giá cao. Ở chiều ngược lại, nếu đến thu mua lúa mà giá thị trường tăng mạnh so với mức giá đã thỏa thuận từ trước, nông dân lại khó yêu cầu thương lái tăng giá.

Cần quan tâm đến vai trò của thương lái

Bà Bùi Thị Út Nhỏ ở phường Trường Lạc, quận Ô Môn, TP Cần Thơ, cho rằng: "Do chưa có điều kiện liên kết với doanh nghiệp nên việc tiêu thụ lúa của tôi và nhiều bà con nông dân tại địa phương còn phụ thuộc nhiều vào thương lái. Vụ đông xuân này, 6 công lúa của tôi sạ giống Đài thơm 8, dù từ trước đó đã được thương lái thỏa thuận mua lúa với giá 8.500 đồng/kg nhưng đến thu hoạch thương lái đã hạ giá xuống, tôi chỉ bán được giá 7.700 đồng/kg. Nhờ lúa đạt năng suất cao lên tới 1,1 tấn lúa tươi/công tầm lớn nên tôi có thể kiếm lời khoảng 5 triệu đồng/công, nhưng mức lời này khiêm tốn so với biết bao công sức mà người nông dân phải bỏ ra trong hơn 3 tháng trời".

Theo ông Nguyễn Hồng Vân, nông dân ở xã Tân Thạnh, huyện Thới Lai, vừa qua khi giá lúa trên thị trường giảm mạnh, ông và nhiều hộ dân trồng lúa tại địa phương cũng đã bị thương lái đòi hạ giá thu mua, đồng thời thương lái cũng chậm đến thu mua lúa theo như cam kết lúc đưa tiền đặt cọc, do vậy nông dân "mất hứng" dù lúa trúng mùa. Tới đây, rất mong ngành chức năng quan tâm bình ổn giá lúa và có các giải pháp quản lý chặt lực lượng thương lái để tránh tình trạng họ không thực hiện đúng các cam kết với nông dân. Mặt khác, cần tạo điều kiện kết nối giữa nông dân với các thương lái và doanh nghiệp có năng lực, uy tín trong thực hiện thu mua và tiêu thụ lúa cho nông dân để các bên cùng có lợi ích hài hòa. Tuy nhiên, phải thừa nhận thương lái có những đóng góp rất tích cực cho việc tiêu thụ lúa của nông dân, đặc biệt họ thường mua lúa trả tiền mặt ngay và sẵn sàng đến tận các vùng sâu, vùng xa để mua lúa. Đây là điều mà nhiều doanh nghiệp chưa thể thực hiện được.

Những ngày qua, nhiều tỉnh, thành vùng ĐBSCL đã bước vào thu hoạch rộ vụ lúa đông xuân. Vụ này, toàn vùng ĐBSCL xuống giống gần 1,5 triệu héc-ta. Riêng TP Cần Thơ đã xuống giống gieo trồng lúa đông xuân được 72.813ha, tập trung chủ yếu vào các giống lúa thơm và lúa chất lượng cao. Theo ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, giá bán lúa giảm mạnh so với mức giá cao hồi đầu vụ đã khiến nhiều nông dân không khỏi tiếc nuối. Với mức giá lúa vẫn còn cao so với cùng kỳ nhiều năm trước và điều kiện sản xuất có nhiều thuận lợi trong vụ đông xuân, cộng với giá nhiều loại vật tư nông nghiệp ổn định, nhìn chung nông dân sản xuất lúa đông xuân đạt được thắng lợi cả về năng suất và lợi nhuận.

Tuy nhiên, trong tình huống vừa qua, với cú sốc của thị trường và sự biến động mạnh của giá lúa, gạo đã làm bộc lộ những yếu kém trong các vùng sản xuất thiếu liên kết và liên kết không chặt chẽ, nhất là liên kết bằng "hợp đồng miệng". Để ngành hàng lúa gạo phát triển bền vững thì sự liên kết chặt giữa người dân, doanh nghiệp và các bên có liên quan vẫn là vấn đề mấu chốt. Do vậy, ngành Nông nghiệp thành phố đã tập trung các giải pháp để thúc đẩy chuỗi liên kết, giúp cho người nông dân có được đầu ra sản phẩm ổn định và tiếp cận các nguồn vật tư đảm bảo chất lượng và có giá bán hợp lý. Đồng thời, giúp doanh nghiệp xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, từ đó góp phần nâng cao được giá trị hạt gạo. Cũng theo ông Nghiêm, thương lái đang đóng vai trò quan trọng trong việc tiêu thụ lúa của nông dân, do vậy cần quan tâm đưa thương lái vào các chuỗi liên kết, nhất là trong quá trình triển khai thực hiện Đề án phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL hiện nay.

Nguồn: https://baocantho.com.vn/phat-huy-vai-tro-tich-cuc-cua-thuong-lai-trong-chuoi-nganh-hang-lua-gao-a171375.html
Tin liên quan
Chưa có thông tin