|
  • :
  • :

Nuôi tôm có trách nhiệm 

Tỉnh Cà Mau có điều kiện tự nhiên rất thuận lợi để phát triển nghề nuôi tôm. Thời gian qua, nhờ chú trọng liên kết mà nông dân thực hiện các mô hình nuôi tôm sinh thái như tôm - lúa, nuôi tôm dưới tán rừng đạt hiệu quả kinh tế cao, phù hợp xu thế phát triển.

Hướng đi đúng từ mô hình tôm - lúa

Thới Bình là huyện có diện tích lúa - tôm đứng đầu tỉnh Cà Mau với khoảng 20.000ha trong tổng 38.000ha toàn tỉnh. Trước đây, trên những diện tích làm mô hình lúa - tôm, người dân chủ yếu trồng mía. Trong những câu chuyện thường ngày, người dân địa phương vẫn hay kể về tranh chấp mặn - ngọt của thời “chuyển giao” mô hình kinh tế. Nhưng sau những câu chuyện “người trồng mía cần nước ngọt, người nuôi tôm đưa nước mặn vào”, hiện ai cũng vui, bởi nhà nhà, người người đang trồng lúa, nuôi tôm và phát triển kinh tế bền vững.

Mô hình tôm - lúa ở Cà Mau đang giúp người dân có thu nhập ổn định.

Gần 6 năm trước, đa phần những ruộng mía già cỗi bị người dân đốt sạch để “nhường bước” cho mô hình lúa - tôm. Sau đó, bà con dần được tổ chức vào các tổ hợp tác, hợp tác xã (HTX) và ngày càng làm ăn bài bản. HTX Dịch vụ - Sản xuất lúa tôm Trí Lực (xã Trí Lực, huyện Thới Bình) hiện không chỉ trồng lúa ST24, ST25 theo tiêu chuẩn hữu cơ cung ứng cho doanh nghiệp xuất khẩu sang nhiều nước mà con tôm nuôi cũng đạt chứng nhận ASC để đến được bất cứ thị trường khó tính nào, kể cả EU hay Mỹ.

Năm 2018, khi HTX thành lập, ông Lê Văn Mưa - Giám đốc HTX phải đi vận động từng hộ và cũng chỉ được 15 thành viên. Nhưng sau 1 năm, khi lúa được doanh nghiệp bao tiêu với giá cao hơn thị trường 700 đồng/kg, năng suất tôm đạt cao hơn thì có rất nhiều người chủ động liên kết cùng thực hiện mô hình với HTX. Đến nay ngoài 50ha lúa - tôm đạt chứng nhận hữu cơ, HTX còn có gần 800ha đất sản xuất liên kết của hơn 400 hộ dân. Năng suất tôm sú của HTX đạt khoảng 350kg, lúa đạt 4,7 tấn, tôm càng xanh khoảng 350kg/ha/năm; cùng với các nguồn thu từ cá, cua giúp nông dân tăng lợi nhuận hơn 2 lần so với khi chưa làm quy trình trồng lúa hữu cơ, nuôi tôm sinh thái.

Gần đây, Dự án “Phát triển sản xuất lúa - tôm có trách nhiệm” được Công ty TNHH Xã hội tôm chứng nhận Minh Phú thực hiện thí điểm thành công cũng tại HTX Dịch vụ - Sản xuất lúa tôm Trí Lực không chỉ giúp người dân tăng thu nhập trên cùng đơn vị diện tích mà còn hướng người dân tạo ra sản phẩm sạch, có trách nhiệm với cộng đồng. Ông Lê Văn Mưa, Giám đốc HTX Dịch vụ - Sản xuất lúa tôm Trí Lực, chia sẻ: “Làm lúa hữu cơ buộc phải theo quy trình nên lúc đầu bà con gặp nhiều khó khăn. Nhưng khi nắm vững quy trình, lợi nhuận cao hơn và có môi trường sạch, ai cũng ủng hộ”.

Góp phần xây dựng thương hiệu tôm Việt

Người dân huyện Thới Bình từ chuyên trồng mía đến chuyển làm lúa - tôm, rồi tập tành theo hướng sạch đến đạt chuẩn hữu cơ, sinh thái là cả một quá trình. Kết quả đó đến từ chủ trương cho chuyển đổi nuôi tôm từ năm 2015, rồi việc đưa quy trình, kỹ thuật nuôi bài bản đến người dân và tổ chức liên kết cùng doanh nghiệp để nâng cao giá trị, năng suất con tôm, cây lúa. Huyện Thới Bình hiện có hơn 500ha lúa - tôm đạt các chứng nhận sinh thái. Trong 10 năm tới, tỉnh Cà Mau đặt mục tiêu có khoảng 30.000ha lúa - tôm đạt một trong các chứng nhận sạch, sinh thái của các tổ chức uy tín nước ngoài, trong đó chủ yếu tập trung ở Thới Bình.

Ngoài mô hình lúa - tôm, tỉnh Cà Mau có diện tích nuôi tôm dưới tán rừng rất lớn. Đây chính là vùng nuôi tôm tạo ra sản phẩm tôm sú chất lượng, góp phần xây dựng thương hiệu tôm Việt Nam có tiếng trên thế giới. Thực tế cho thấy, nuôi tôm dưới tán rừng đang là sinh kế chính của đại bộ phận người dân các huyện Ngọc Hiển, Năm Căn… Và bây giờ, họ vẫn đảm bảo diện tích rừng đạt 60%, diện tích nuôi tôm 40% nhưng khác biệt là bà con nuôi theo hướng cải tiến.

Ông Nguyễn Văn Tiền ở xã Tân Ân Tây, huyện Ngọc Hiển, cho biết: “Trước đây bà con mua giống về thả xuống vuông được con nào bắt con đó, thì nay cải tạo ao nuôi theo một quy trình, có thời gian phơi đầm, rải vôi khử khuẩn để đảm bảo môi trường nuôi. Con giống mua về được khoanh ươm rồi mới thả ra môi trường tự nhiên nên lớn nhanh hơn, tránh thất thoát”.

Theo ông Tiền, người dân địa phương vẫn đang nuôi tôm để phát triển kinh tế nhưng họ đã thay đổi cơ bản trong suy nghĩ, cách thức thực hiện mô hình nuôi và cố gắng duy trì những tán rừng để bảo vệ lá phổi xanh, tạo giá trị cho cộng đồng. Đặc biệt, khi thực hiện mô hình nuôi tôm sinh thái, người dân còn được doanh nghiệp bao tiêu với giá cao hơn thị trường khoảng 5%.

Ông Trần Hoàng Lạc, Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hiển cho biết, Ngọc Hiển đã có khoảng 21.000ha trong tổng số 57.000ha nuôi tôm dưới tán rừng được các tổ chức quốc tế công nhận, chứng nhận sạch, sinh thái. Hiện đang có thêm 9.000ha được xem xét công nhận và trở thành vùng nguyên liệu chất lượng giúp các doanh nghiệp xuất khẩu đến những thị trường khó tính nhất trên thế giới.

“Trong nuôi tôm sinh thái, vấn đề lớn nhất là thay đổi tập quán, thói quen sản xuất. Huyện đã chỉ đạo cơ quan chức năng xây dựng sổ tay hướng dẫn người dân thực hiện quy trình nuôi tôm 2 giai đoạn. Đã tiến hành hướng dẫn, tập huấn cho hầu hết hộ dân nuôi tôm trên địa bàn. Cơ quan chức năng cũng thực hiện các mô hình điểm trên địa bàn tất cả các xã, thị trấn và mang lại hiệu quả rất là cao. Có những mô hình, người dân xổ con nước thu vài chục triệu, một đêm thu được cả trăm ký tôm sú” - ông Lạc nói thêm.

Tỉnh Cà Mau có diện tích nuôi tôm đứng đầu cả nước với khoảng 280.000ha. Năm 2022, sản lượng tôm nuôi của tỉnh đạt hơn 200.000 tấn. Sản phẩm tôm của Cà Mau đang được xuất khẩu sang hơn 60 quốc gia, vùng lãnh thổ, với tổng kim ngạch hằng năm khoảng 1 tỉ USD.
Nguồn: https://baocantho.com.vn/nuoi-tom-co-trach-nhiem-a168026.html
Tin liên quan
Chưa có thông tin