Startup quảng bá sản phẩm tại Cuộc thi Khởi nghiệp ÐBSCL năm 2023. Tìm hạt giống khởi nghiệp
Cuộc thi Khởi nghiệp ÐBSCL được tổ chức thường niên từ năm 2016. Trong 8 năm qua, cuộc thi khẳng định được uy tín bằng việc quy tụ hơn 3.000 hồ sơ, với hơn 9.000 người tham gia. Qua cuộc thi, hàng trăm dự án được trao thưởng, tư vấn, kết nối giao thương, đầu tư vốn và hiện đều phát triển, tìm được chỗ đứng trên thương trường. Ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc VCCI chi nhánh ÐBSCL, cho biết: Riêng năm 2023, cuộc thi nhận được tổng cộng 1.511 hồ sơ của hơn 4.000 thí sinh từ 12/13 tỉnh, thành khu vực ÐBSCL và các tỉnh, thành phố khác ngoài khu vực. Ban tổ chức đã trao 2 giải khuyến khích cho dự án "Sản xuất nấm Vân Chi đỏ từ phụ phế phẩm nông nghiệp sẵn có của vùng ÐBSCL" và "Chuỗi giá trị mới - Thịt thực vật từ mít", giải Ba thuộc về dự án "Cua biển Việt - Tạo nên sự khác biệt". Và dự án xuất sắc giành giải Nhì là "Sản xuất bánh quy dừa từ các thành phần tự nhiên không hóa chất và phẩm màu" (cuộc thi năm nay không có dự án đạt giải Nhất)".
Nằm ở vị trí trung tâm vùng ÐBSCL, các hoạt động khởi nghiệp trên địa bàn TP Cần Thơ diễn ra khá sôi động. Ông Ngô Anh Tín, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP Cần Thơ, cho biết: Cuộc thi "Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo - Startup First 2023" của thành phố nhận được 56 hồ sơ đăng ký dự thi của các bạn học sinh, sinh viên tại các trường THCS, THPT, đại học trên địa bàn TP Cần Thơ. Startup First 2023 tổ chức nhằm thúc đẩy tinh thần đổi mới sáng tạo dựa trên giải quyết các vấn đề xã hội đặt ra với các giải pháp đột phá, có tính khả thi cao; tạo lập văn hóa khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong cộng đồng, đặc biệt là đoàn viên thanh niên, học sinh, sinh viên. Ðồng thời, thúc đẩy phát triển và hoàn thiện các dự án, ý tưởng khởi nghiệp, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Ban tổ chức đã trao giải Ba cho dự án "Sản xuất và kinh doanh mứt dâu Hạ Châu" do sinh viên Trường Cao đẳng Cần Thơ thực hiện; giải Nhì thuộc về dự án "Mô hình ô tô điện 2 chỗ ngồi" do sinh viên Trường Ðại học Nam Cần Thơ thực hiện và dự án xuất sắc giành giải Nhất là "Kế hoạch Nông nghiệp bền vững với cây bần, trồng thanh long, nuôi ong bên trên, nuôi ốc len bên dưới mặt nước và chống xâm nhập mặn" của sinh viên Ðại học Cần Thơ và Trường Ðại học FPT Cần Thơ thực hiện.
Hầu hết các tỉnh, thành trong vùng ÐBSCL đều định kỳ tổ chức các cuộc thi khởi nghiệp để tìm ra những hạt giống startup tiềm năng: Cuộc thi Khởi nghiệp và Ðổi mới sáng tạo tỉnh Ðồng Tháp năm 2023; Cuộc thi Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp tỉnh An Giang 2023; Hội thi Ý tưởng phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp phát triển kinh tế tập thể năm 2023, tỉnh Tiền Giang; Cuộc thi Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp và mô hình thanh niên khởi nghiệp tiêu biểu năm 2023, tỉnh Sóc Trăng… Nhằm hỗ trợ các dự án dự thi giới thiệu và quảng bá hình ảnh sản phẩm khởi nghiệp, cũng như các dự án đạt giải các năm trước tiếp cận thị trường, các cuộc thi đều bố trí khu trưng bày sản phẩm trong khuôn khổ sự kiện. Ðây cũng là dịp để các startup cũng như đại biểu tham dự tiếp cận những sản phẩm, dịch vụ mới, từ đó thúc đẩy hoạt động đầu tư và giao thương của doanh nghiệp, nhà đầu tư và startup.
Nâng tầm dự án khởi nghiệp
Bước ra từ các cuộc thi khởi nghiệp, hầu hết các startup nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ các chuyên gia, nhà đầu tư để hoàn thiện, nâng tầm dự án khởi nghiệp. Ðạt quán quân tại Startup First 2023, em Phạm Nguyễn Minh Anh, đại diện dự án "Kế hoạch Nông nghiệp bền vững với cây bần, trồng thanh long, nuôi ong bên trên, nuôi ốc len bên dưới mặt nước và chống xâm nhập mặn", chia sẻ: "Sau khi nhận được lời góp ý từ Ban Giám khảo, chúng em sẽ về lại huyện Cù Lao Dung (tỉnh Sóc Trăng) để khảo sát, thực hiện thí điểm trồng thanh long, nuôi ốc len trên một phần diện tích rừng bần để rút kinh nghiệm, tính toán chi phí, lợi nhuận... Ðồng thời, tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương từ việc khai thác những sản vật địa phương (mật ong, ốc len, thanh long); giúp phát triển và bảo tồn rừng bần, chống xói mòn, sạt lở bờ biển, chống xâm nhập mặn.
Ông Nguyễn Phương Lam cho biết: Năm nay, với mục tiêu "Giám khảo là nhà đầu tư", cũng như tạo môi trường "thi quốc tế" cho các thí sinh, bên cạnh các giám khảo là chuyên gia có chuyên môn và kinh nghiệm thực tế còn có các giám khảo đến từ các quỹ đầu tư quốc tế, doanh nhân thành công. Qua đó, giới thiệu các dự án đạt giải vươn tới những cuộc thi lớn hơn, tầm cỡ hơn, từng bước đưa các dự án tiến gần hơn với mục tiêu gia tăng số lượng doanh nghiệp trẻ, năng động, sáng tạo, qua đó góp phần tăng trưởng kinh tế ÐBSCL. Ngoài ra, Ban Tổ chức còn trao tặng những chương trình đào tạo, huấn luyện chuyên sâu tư vấn hoàn thiện sản phẩm, miễn phí không gian làm việc, hỗ trợ gói chuyên gia tư vấn sản phẩm trong quá trình thử nghiệm, phát triển hệ thống phân phối… từ các đối tác của VCCI chi nhánh ÐBSCL.
Theo ông Ngô Anh Tín, các cuộc thi khởi nghiệp là kênh thông tin, nguồn tư liệu quý giá để thành phố nắm bắt được xu thế, thực tiễn hoạt động khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo trên địa bàn để có kế hoạch và những giải pháp hỗ trợ thiết thực trong thời gian tới. Ban tổ chức sẽ tìm kiếm và hỗ trợ các dự án khởi nghiệp học sinh, sinh viên theo định hướng phát triển nghiên cứu ứng dụng khoa học và công nghệ vào thực tiễn. Mục đích chính của cuộc thi khởi nghiệp là để hiện thực hóa các ý tưởng khởi nghiệp, đưa nó vào thực tế cuộc sống. Hơn nữa, những kiến thức và kinh nghiệm quý giá của các mentor và ban giám khảo sẽ giúp startup giải những nút thắt về mô hình kinh doanh, nhân sự, công nghệ… Về phía các startup khi tham gia cuộc thi khởi nghiệp cần thực sự đam mê, nhiệt huyết hơn nữa và phải xem các cuộc thi khởi nghiệp như những cơ hội quý giá để nâng cao kiến thức, hoàn thiện bản thân và dự án nhằm tạo ra những sản phẩm thực sự có giá trị cho xã hội.