Chính sách hợp lòng dân ở vùng Nông thôn Tây Bắc - Phong Thổ.
Được hưởng lợi từ chính sách, người dân các xã, bản của huyện Phong Thổ hăng hái tham gia bảo vệ rừng, góp phần nhân lên màu xanh của những cánh rừng trên địa bàn.
Phong Thổ là huyện miền núi biên giới của tỉnh Lai Châu. Toàn huyện hiện có hơn 44.000ha rừng. Những năm trước đây, tình trạng chặt phá rừng làm nương hay khai thác rừng trái phép diễn ra khá phổ biến ở huyện biên giới Phong Thổ, khiến cho những cánh rừng trên địa bàn thương xuyên bị "rỉ máu".
"Từ khi có chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, số vụ vi phạm lâm luật trên địa bàn huyện giảm hẳn. Người dân các xã, bản trong huyện ngày càng nêu cao ý thức, trách nhiệm trong việc bảo vệ, phát triển rừng. Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã thực sự trở thành động lực để người dân trong huyện giữ rừng tốt hơn" – ông Nguyễn Văn Tuyển – Trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Phong Thổ cho hay.
Để chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng sớm đi vào cuộc sống, huyện Phong Thổ đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, các xã thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của chính sách cũng như tầm quan trọng của việc giữ rừng. Cùng với công tác tuyên truyền, hằng năm, Ban Quản lý rừng phòng hộ, các xã, thị trấn tiến hành ký hợp đồng giao khoán bảo vệ rừng với các bản, tổ dân phố, các nhóm hộ.
Theo ông Tuyển, sau khi nhận khoán bảo vệ rừng, các bản, tổ dân phố ở các xã, thị trấn trong huyện tổ chức thực hiện rất nghiêm túc. Không chỉ thành lập tổ chuyên trách bảo vệ rừng, các bản còn đưa nội dung bảo vệ rừng vào hương ước, quy ước của bản, để bà con trong bản cùng thực hiện, ai vi phạm sẽ bị xử lý. Tổ chuyên trách bảo vệ rừng ở các bản trong huyện thường xuyên tuần tra, canh gác, bảo vệ rừng, nhất là vào mùa hanh khô.
Hằng năm, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao, Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Phong Thổ chủ động phối hợp với các ban, ngành liên quan, các xã, thị trấn chỉ đạo, đôn đốc người dân các bản, tổ dân phố bảo vệ và chăm sóc tốt diện tích rừng đã giao khoán. Không dừng lại ở đó, Ban Quản lý rừng phong hộ huyện Phong Thổ còn thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn người dân các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng; vận động người dân không lấn chiếm rừng làm nương rẫy, không khai thác lâm sản trái phép.
Người dân Nông thôn Tây Bắc đồng lòng giữ rừng
Trò chuyện với phóng viên Báo NTNN/Dân Việt/Trang Trại Việt điện tử, ông Nguyễn Mạnh Hùng – Bí thư Đảng ủy xã Sin Suối Hồ (huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu) phấn khởi cho biết: "Từ khi thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, người dân trong xã có thêm nguồn thu nhập ổn định từ việc giữ rừng. Thay vì phá rừng làm nương rẫy như trước, người dân các bản trong xã tích cực tham gia bảo vệ rừng và coi rừng như báu vật. Cả 10 bản trong xã đều thành lập tổ chuyên trách bảo vệ rừng, với sự tham gia nhiệt tình của người dân trong bản. Được chăm sóc, bảo vệ, những cánh rừng trên địa bàn xã ngày càng phát triển xanh tốt".
Song song với thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, đảm bảo đúng, đủ diện tích và đúng đối tượng, công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng cũng được các cơ quan chức năng của huyện Phong Thổ chú trọng.
"Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Phong Thổ thường xuyên cử cán bộ xuống các xã, bản phối hợp với kiểm lâm địa bàn tăng cường tuần tra, canh gác, bảo vệ rừng, thực hiện các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng. Từ đầu năm đến nay, không có tình trạng vi phạm pháp luật xảy ra trên diện tích rừng do đơn vị quản lý" – Trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Phong Thổ thông tin.
Nhờ có sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành và sự tham gia tích cực của người dân, những cánh rừng trên địa bàn huyện Phong Thổ ngày càng thêm xanh. Tỷ lệ độ che phủ rừng của huyện Phong Thổ không ngừng tăng lên, đến nay đạt khoảng 44%.