Bắt tay vào thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM), huyện Vị Xuyên gặp không ít khó khăn, trở ngại. Song, sau hơn 10 năm thực hiện chương trình xây dựng NTM, toàn huyện đã có 9 xã đạt chuẩn NTM.
Bê tông hóa giao thông để phát triển kinh tế
Vị Xuyên giờ đã có sự đổi thay nhiều, những con đường bê tông trải dài đã góp phần tạo nên một cuộc sống văn minh, thanh bình nơi đây. Ngay cả ở những nơi rẻo cao, núi sâu, đồng bào các dân tộc cũng đang dần vượt qua nghèo đói, bừng bừng khí thế phát triển kinh tế.
Chia sẻ với phóng viên, ông Hoàng Xuân Tịnh – Chủ tịch UBND huyện Vị Xuyên cho biết: Vị Xuyên có vị trí đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh của tỉnh Hà Giang. Là vùng đất có truyền thống văn hóa lâu đời. Toàn huyện có 25.100 hộ, với 111.357 khẩu. Những năm qua, huyện Vị Xuyên đã chỉ đạo triển khai thực hiện xây dựng NTM một cách rất cụ thể và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Đến hết năm 2021, toàn huyện đã có 9/22 xã đạt chuẩn NTM; 322 tiêu chí đã hoàn thành; 13 xã đạt từ 11-14 tiêu chí. Đặc biệt, thành công lớn nhất mà chương trình xây dựng NTM Vị Xuyên đã đạt được đó là hệ thống giao thông nông thôn được bê tông hóa, đồng bộ và mở rộng. Các xã, thị trấn đều có đường ôtô về đến trung tâm; 100% xã, thị trấn có điện lưới quốc gia; tỷ lệ phủ sóng truyền hình đạt 90%....
Cùng đi trên con đường vừa trải nhựa rộng rãi, bằng phẳng trước cổng nhà mình, bà Nguyễn Thị Tuyết (xã Trung Thành) chia sẻ: Trước đây con đường này bé và rất xấu, bà con đi lại vô cùng vất vả. Nhưng từ khi được nhà nước đầu tư, hỗ trợ làm đường con đường to đẹp như thế này đã tác động rất lớn đến sự phát triển kinh tế của người dân địa phương. Giá đất tăng lên, đi lại, lưu thông hàng hoá thì thuận tiện, chúng tôi phấn khởi lắm".
Cùng chung niềm vui khi đường giao thông trong thôn, bản được mở rộng, Ông Nguyễn Văn Bình - Tổ 10 TT Việt Lâm vừa đi vừa kể cho chúng tôi nghe về lịch sử con đường vừa được bê tông hóa. Ông Bình cho biết, trước đây con đường này lầy lội, ổ gà, ổ vịt, hôm nào trời mưa bà con phải đi vòng rất xa.
"Cuối năm vừa rồi, được nhà nước cho xi măng, chúng tôi cùng góp nhân công và vật liệu là đã có con đường đẹp như tranh thế này, các cháu đi học không còn sợ ngã, sợ khổ nữa rồi" – ông Bình cười nói.
Cũng theo ông Bình, trước đây, giao thông đi lại khó khăn, để tiêu thụ được nông sản, bà con mất thêm rất nhiều chi phí cho công tác vận chuyển, lưu thông hàng hóa. Nhưng từ khi con đường mở rộng cộng với hệ thống điện lưới được đầu tư, bà con phấn khởi lắm, đi lại, buôn bán dễ dàng, dân trí ngày càng phát triển.
Việc được đầu tư mở rộng, bê tông hóa giao thông nông thôn không chỉ tạo điều kiện đi lại thuận lợi mà còn giúp cho việc tiêu thụ nông sản, giao thương hàng hóa từ đó góp phần nâng cao giá trị sản xuất, thu nhập cho người dân.
Xây dựng những vùng quê đáng sống
Rời xã Thành Trung, chúng tôi đến với xã Tùng Bá và thật khó có thể hình dung xã Tùng Bá (huyện Vị Xuyên) đã "thay da đổi thịt" chỉ sau vài năm thực hiện xây dựng NTM. Với địa hình đồi núi tạo nên những khu ruộng cao thấp không đều, đất đai khô cằn nên việc canh tác của những người nông dân nơi đây hết sức khó khăn.
Đặc biệt, đây là xã vùng cao, chủ yếu là đồng bào dân tộc ít người, thu nhập bình quân đầu người thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao. Khó khăn là vậy, nhưng với sự vào cuộc tích cực của đảng bộ, nhân dân xã Tùng Bá những ngôi nhà khang trang, vườn rau xanh mướt hay những con đường hoa đã được hình thành tạo nên làng quê đáng sống, thanh bình nơi đây.
Để có những con đường hoa tô điểm cho vùng quê, một số hộ gia đình đã hiến đất để mở rộng hành lang đường. Hội Nông dân xã đã huy động hội viên nông dân tham gia lao động xới cỏ, cuốc đất và trồng hoa tại tuyến đường nông dân tự quản xanh - sạch - đẹp.
Qua đây nhằm duy trì và thực hiện có hiệu quả chương trình nông thôn mới ngắn với thực hiện phong trào "sạch làng – tốt cây" của Hội. Phát huy tinh thần tự quản của hội viên và tạo mỹ quan cho tuyến đường.
Chia sẻ về định hướng xây dựng NTM thời gian tới, Chủ tịch UBND huyện Vị Xuyên cho biết: Chúng tôi đã căn cứ vào bộ tiêu chí để tập trung đánh giá, làm từ khâu quy hoạch đến các tiêu chí với phương châm dễ làm trước khó làm sau, tiêu chí không cần nhiều ngân sách thì tập trung thực hiện trước, huy động toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc một cách quyết liệt. Qua quá trình thực hiện, đến nay chúng tôi đã rút ra được nhiều kinh nghiệm để tổ chức các xã tiếp theo
Về thu nhập của người dân thì phải nói rằng đối với huyện Vị Xuyên là một trong huyện biên giới do đó thu nhập người dân còn thấp. Khi chúng tôi thực hiện NTM, thu nhập của người dân giờ đây đã đạt trung bình 26,8 triệu/người/năm. Còn đối với các xã đạt NTM thì mức thu nhập cao hơn nhiều so với mặt bằng chung của huyện.
Trong giai đoạn 2021 – 2025, huyện Vị Xuyên xác định sẽ xây dựng 9 xã đạt chuẩn NTM, hiện chúng tôi cũng đã xây dựng kế hoạch theo sự định hướng của tỉnh và kế hoạch của huyện. Năm 2022, tỉnh giao cho huyện Vị Xuyên phải hoàn thành 7 tiêu chí trong đó có tiêu chí như tiêu chí thu nhập, giải quyết việc làm để làm sao nâng cao thu nhập cho người dân.