Cầu Bình Tiên (xã Tân Bình, huyện Châu Thành) là công trình do ông Nguyễn Văn Bé Hai vận động xây dựng
Khơi dậy tinh thần sản xuất giỏi trong nông dân
Vừa qua, tại Hà Nội, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam công bố danh sách 100 nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2023. Theo đó, Đồng Tháp có 2 gương nông dân được công nhận danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc, đó là ông Nguyễn Văn Bé Hai (SN 1956) ngụ xã Tân Bình, huyện Châu Thành và ông Cao Văn Hùng (SN 1954) ngụ xã Phong Hòa, huyện Lai Vung.
Ông Nguyễn Văn Bé Hai sinh ra trong gia đình có truyền thống làm nông ở xã Tân Bình, huyện Châu Thành. Sau khi lập gia đình, ông được gia đình cho vài công ruộng để sản xuất nông nghiệp. Với lòng đam mê và tình yêu mãnh liệt dành cho cây lúa đã thôi thúc ông Hai chọn sản xuất lúa giống nhằm đáp ứng nhu cầu canh tác của bà con nông dân, phù hợp với thổ nhưỡng quê hương.
Để phục vụ sản xuất, năm 2008, ông Hai mạnh dạn thuê 2ha đất của bà con xung quanh nhằm sản xuất gia công các loại lúa giống: IR 50404, miền Tây Lúa, IR 64 (hay còn gọi OM89)... Đây là những giống lúa chất lượng cao, chống chịu đổ ngã, ổn định với nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. Ông Hai chia sẻ: “Việc sản xuất lúa giống mang lại lợi nhuận khá tốt so với lúa thương phẩm. Tuy nhiên, sản xuất lúa giống đòi hỏi nhiều kỹ thuật, quy trình sản xuất khắt khe để tạo ra hạt giống chất lượng cao, không lẫn tạp chất”. Hơn 10 năm qua, ông Hai cung ứng hơn 500 tấn lúa giống cho nông dân trong và ngoài huyện Châu Thành. Nhờ đó, nông dân có giống lúa phù hợp thổ nhưỡng để phát triển sản xuất. Chính sự cần kiệm, ông Hai tích lũy được khoản vốn để mua thêm đất canh tác. Đến nay, ông Hai sở hữu 9ha diện tích đất canh tác. Trong đó, ông dành 6ha trồng chuyên canh lúa, 3ha còn lại trồng mít Thái và một số loại cây trồng khác. Mỗi năm, trừ chi phí, ông thu về hơn 600 triệu đồng.
Tương tự, với tinh thần chịu khó làm ăn, ông Cao Văn Hùng ngụ xã Phong Hòa, huyện Lai Vung gặt hái được “quả ngọt” nhờ tư duy dám nghĩ, dám làm. Sau nhiều năm sinh sống bằng nghề mua bán, ông dành dụm được số vốn và quyết định chọn công việc phù hợp hơn là phát triển nông nghiệp. Sau khi nghiên cứu về đặc tính của nhiều loại cây trồng, ông Hùng nhận thấy nhãn và mít là 2 loại cây đáp ứng được những yêu cầu về điều kiện thị trường, thổ nhưỡng canh tác. Thời gian đầu, ông Hùng chịu khó tìm tòi, học hỏi kiến thức, kinh nghiệm trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh gây hại cho cây nhãn, mít và đi tham quan thực tế mô hình canh tác ở trong và ngoài tỉnh. Áp dụng kinh nghiệm từ thực tế vào sản xuất giúp vườn cây ăn trái của gia đình phát triển tốt, trái sai.
Sau thành công bước đầu, ông Hùng quyết định mở rộng diện tích sản xuất vườn nhãn và mít lên 2ha. Hướng tới sự phát triển bền vững, ông Hùng chọn sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn, ông chia sẻ: “Để có được những trái nhãn, mít lớn đẹp, an toàn, chất lượng, ngoài dùng các loại phân và chế phẩm sinh học đúng liều lượng, phần lớn tôi dùng phân chuồng qua xử lý để bón cho cây, thường xuyên làm cỏ bằng phương pháp thủ công, không dùng thuốc phun xịt. Ở mỗi thời kỳ sinh trưởng của cây, tôi đều thực hiện đúng quy trình kỹ thuật, bổ sung đầy đủ dinh dưỡng, thực hiện tỉa cành, tạo tán cho cây”.
Ông Cao Văn Hùng chăm sóc cây trồng
Sau nhiều năm miệt mài chăm sóc, vườn cây ăn trái của gia đình ông Cao Văn Hùng thu về trái ngọt. Từ năm 2021, vườn nhãn và mít của ông Hùng thu được khoảng 30 tấn trái/năm. Riêng năm 2023, dự kiến sẽ thu hoạch khoảng 60 tấn trái nhãn và mít trên tổng diện tích canh tác. Ngoài trồng nhãn và mít, để phát huy tiềm năng, thế mạnh vườn cây ăn trái, ông còn trồng xen canh thêm dừa xiêm xanh và một số loại cây khác. Ông Hùng, chia sẻ: “Tôi chọn canh tác theo quy trình VietGAP nhằm đảm bảo sức khỏe, đáp ứng xu hướng tất yếu của thị trường. Đồng thời, giảm chi phí sản xuất cho nông dân...”. Qua thời gian canh tác, hiện tổng diện tích vườn cây ăn trái của ông Hùng trên 3ha, thu nhập bình quân mỗi năm trên 1,5 tỷ đồng.
Lan tỏa tinh thần thiện nguyện
Sau thời gian phát triển kinh tế gia đình với cơ nghiệp vững chãi, ông Nguyễn Văn Bé Hai và ông Cao Văn Hùng đều hướng tới tinh thần chia sẻ, thiện nguyện vì cộng đồng.
Chung tay thực hiện các công tác thiện nguyện tại địa phương, ông Nguyễn Văn Bé Hai tham gia cùng các ngành, tổ chức chính trị - xã hội tại địa phương vận động bà con đi xây cầu, cất nhà tình thương, tặng quà cho hộ nghèo trên địa bàn xã. Lúc đầu, việc vận động không ít khó khăn, ông Hai tự nguyện đóng góp 100 triệu đồng, qua thời gian, được nhiều bà con yêu mến, tin tưởng và cùng đóng góp.
Được sự tin tưởng của người dân và chính quyền địa phương, ông Hai cùng 15 thành viên khác thành lập nhóm đi xây cầu từ thiện. Từ năm 2000 đến nay, ông Hai và các thành viên đã vận động, xây dựng trên 170 cây cầu trong và ngoài tỉnh. Riêng tại xã Tân Bình, ông Hai và các thành viên xây dựng gần 30 cây cầu lớn nhỏ, mỗi cây cầu kinh phí xây dựng trung bình từ 300 triệu đồng - 600 triệu đồng.
Tương tự, ông Cao Văn Hùng rất nhiệt tâm trong công tác thiện nguyện tại địa phương. Thời gian qua, bản thân ông Hùng đã vận động hội viên nông dân tham gia trải bê tông các tuyến đường trong ấp với tổng chiều dài 6,4 km; tổng kinh phí 6,5 tỷ đồng. Trong đó, ông và gia đình đóng góp tiền và ngày công trên 300 triệu đồng. Ông Hùng chủ động vận động bắc mới 4 cây cầu bê tông trên địa bàn xã với tổng kinh phí 1,2 tỷ đồng. Trong đó, gia đình ông đóng góp tiền của, ngày công lao động trên 80 triệu đồng. Ngoài ra, ông Hùng cũng vận động 93 hộ dân hiến đất làm đường nông thôn theo chuẩn nông thôn mới với chiều dài 2,6km. Hàng năm, ông còn vận động tặng quà cho học sinh nhân dịp tựu trường; hỗ trợ vốn, vật tư, kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất cho bà con nông dân...