|
  • :
  • :

Nông dân thích ứng chuyển đổi số 

Ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, phân phối nông sản đã và đang trở thành xu thế tất yếu của ngành Nông nghiệp. Trong đó, sự tham gia của nông dân là yếu tố quan trọng, từ khâu tiếp cận khoa học - kỹ thuật, quản lý quy trình sản xuất, đến tiếp cận thị trường, đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử. Chuyển đổi số không chỉ giúp nông dân đưa sản phẩm lên mạng một cách đơn thuần, mà còn thay đổi tư duy sản xuất, xây dựng kỹ năng số trong thế giới phẳng.

Do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, một số nông dân trên địa bàn TP Cần Thơ đã tận dụng mạng xã hội để kết nối, tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Trong ảnh: Từ thông tin về bắp đang đến đợt thu hoạch, tuổi trẻ TP Cần Thơ đã hỗ trợ tiêu thụ nông sản ở quận Thốt Nốt, cấp phát đến các khu phong tỏa, khu cách ly.

Ðồng hành cùng nông dân

Theo bà Trần Thị Thiên Thư, Phó Chủ tịch Hội Nông dân (HND) TP Cần Thơ, có nhiều chương trình truyền thông hỗ trợ tiêu thụ nông sản qua kênh trực tuyến; một số nông sản bước đầu được kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử. Thực tế, một số sàn thương mại điện tử đã khảo sát, tìm hiểu thông tin nông sản tiêu biểu trên địa bàn thành phố để đưa lên sàn và công việc này đang được HND thành phố xem xét hỗ trợ, xúc tiến. Bà Thư cho rằng, thương mại điện tử là xu thế kinh doanh hiện đại, đồng thời là một trong những nội dung của chuyển đổi số ở lĩnh vực nông nghiệp. Tuy nhiên, bên cạnh tận dụng nền tảng trực tuyến để kết nối tiêu thụ nông sản, thì công nghệ thông tin còn giúp nông dân tiếp cận dữ liệu về khoa học - kỹ thuật mới, thay đổi quy trình sản xuất theo hướng hiện đại, tìm kiếm thị trường và quảng bá sản phẩm. Vì vậy, để thích ứng với chuyển đổi số, bên cạnh sự chủ động học hỏi, việc tập huấn, nâng cao kỹ năng số cho nông dân là yêu cầu cấp thiết cần được các cấp, các ngành quan tâm hơn nữa. Bà Trần Thị Thiên Thư cho biết: “Với 76.798 hội viên, HND thành phố đã và đang triển khai nhiều giải pháp nâng cao kỹ năng số cho nông dân. Cụ thể, Hội phối hợp các sở, ngành liên quan tập huấn nâng cao kiến thức và kỹ năng ứng dụng khoa học - kỹ thuật cho hội viên, trong đó có kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin, kỹ năng quảng bá nông sản qua mạng, đăng ký nhãn hiệu hàng hóa; đồng thời giới thiệu một số trang thông tin hướng dẫn sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GLOBALGAP”.

Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên TP Cần Thơ cũng đã tổ chức nhiều hoạt động truyền thông hỗ trợ nông dân, thanh niên khởi nghiệp lĩnh vực nông nghiệp, như: tập huấn kiến thức, kỹ năng sử dụng công nghệ số trong sản xuất; xây dựng thương hiệu, kỹ năng tự doanh, tiếp cận thị trường. Anh Nguyễn Hữu Huy Hào ở phường Hưng Phú, quận Cái Răng, là một trong những bạn trẻ nhận được sự hỗ trợ nhiều mặt từ Trung tâm. Với hơn 8ha trồng dưa lưới ở TP Cần Thơ, Hậu Giang và Cà Mau, chỉ cần chiếc điện thoại thông minh, anh Hào đã có thể học hỏi kinh nghiệm, tìm hiểu kiến thức, quảng cáo và kết nối với đối tác. Nông sản từ các khu vườn của anh đều bán cho siêu thị hoặc xuất khẩu. Ðặc biệt, từ các nền tảng mạng xã hội, mô hình của anh được nhiều người biết đến, từ đó anh còn nhận thiết kế, lắp đặt hệ thống tưới nước nhỏ giọt cho các nhà vườn, góp phần tăng thu nhập.

Sự chủ động, sáng tạo

Dưới góc độ doanh nghiệp tiêu thụ nông sản, bà Nguyễn Kim Nhiên, Giám đốc Công ty TNHH Chế biến nông sản Kim Nhiên, xã Thới Hưng, huyện Cờ Ðỏ, TP Cần Thơ, cho rằng các doanh nghiệp đã đồng hành với nông dân trong kết nối và tiêu thụ nông sản qua mạng. Từ những chương trình này, nông dân dần quen với các phương thức giới thiệu, quảng bá, bán hàng trực tuyến, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh, kênh tiêu thụ gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh sự liên kết giữa nhà nước, doanh nghiệp và nông dân, còn có sự tham gia của các đại lý, sàn thương mại điện tử, tạo thành mạng lưới rộng khắp cả nước. Câu chuyện một số nông sản ở Bắc Giang, Hải Dương, Vĩnh Long, Ðắk Lắk và Sơn La đồng loạt lên sàn thương mại điện tử Sendo cho thấy tín hiệu tích cực. Và nông dân cũng bắt đầu tập tành xây dựng “thương hiệu cá nhân” để bán nông sản trên các nền tảng trực tuyến. Tại xã Thới Hưng, doanh nghiệp Kim Nhiên cũng đã hướng dẫn nông dân khai thác các ứng dụng mạng xã hội để chia sẻ, bổ trợ kiến thức, quy trình, kỹ thuật canh tác, từ đó làm ra sản phẩm chất lượng và uy tín. Theo chị Nhiên, một số nông dân không “rành” sử dụng các thiết bị công nghệ,  khó khăn khi áp dụng công nghệ số vào sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, với tính ham học hỏi, sáng tạo nên khi được hướng dẫn, đa số nông dân đều ứng dụng và khai thác tốt các kênh thông tin từ mạng, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất.

Anh Nguyễn Duy Linh ở xã Thạnh Tiến, huyện Vĩnh Thạnh, một trong những người khởi nghiệp trẻ tâm huyết với mô hình trồng lúa sạch. Anh Duy Linh cho rằng, từ khi trồng lúa sạch, anh tích lũy nhiều kiến thức từ các trang mạng. Chỉ cần cái nhấp chuột, kho tàng kiến thức về kỹ thuật trồng trọt rất hữu ích cho nông dân. Hay như việc sử dụng mạng xã hội giúp anh kết nối với các chuyên gia, kỹ sư nông nghiệp để nhờ tư vấn, hỗ trợ, đồng thời mở rộng thị trường tiêu thụ. Nhiều nhà nông cho rằng ngành chức năng cần hỗ trợ nông dân đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử, xây dựng dữ liệu tích hợp thông tin về khoa học - kỹ thuật, mô hình sáng tạo trên không gian mạng, giúp họ tự học tập, nâng cao kiến thức. Có thể thấy, để nông dân thích ứng với chuyển đổi số, cần sự vào cuộc của các bên: Nhà nước, doanh nghiệp, nhà phân phối trong định hướng và xây dựng kỹ năng số cho nông dân. Dĩ nhiên, sự chủ động, sáng tạo của chính nông dân đóng vai trò then chốt vì đó là nhu cầu tự thân để phát triển trong nền kinh tế số, xã hội số.

Theo Quyết định số 1034/QĐ-BTTTT ngày 21-7-2021 của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) về việc phê duyệt Kế hoạch hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn, Bộ TT&TT đề nghị UBND các tỉnh, thành chỉ đạo Sở TT&TT chủ trì, phối hợp các sở, ngành liên quan hướng dẫn, đào tạo kỹ năng số, kỹ năng tham gia hoạt động trên môi trường số cho hộ sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, hướng dẫn đăng ký tài khoản để đưa sản phẩm lên sàn và thanh toán trực tuyến, phục vụ giao dịch trên sàn thương mại điện tử; tập huấn, đào tạo kỹ năng số và hỗ trợ kết nối hộ sản xuất nông nghiệp với sàn thương mại điện tử. Kế hoạch hướng đến mục tiêu mở rộng tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên kênh phân phối mới, hiện đại và bền vững thông qua nền tảng số; mở rộng thị trường trong nước và quốc tế, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn. 

Bài, ảnh: QUỐC THÁI 

Nguồn: https://baocantho.com.vn/nong-dan-thich-ung-chuyen-doi-so-a136070.html
Tin liên quan
Chưa có thông tin