|
  • :
  • :

Nỗi lo thiếu lao động nghề cá

Tình trạng thiếu lao động nghề biển tại Quảng Bình đã diễn ra từ nhiều năm nay. Do thiếu hụt lao động, nhiều tàu cá trên địa bàn tỉnh phải nằm bờ hoặc chủ tàu phải giảm số lượng lao động trên tàu, dẫn đến tần suất khai thác hải sản giảm sau mỗi chuyến biển. 

Lao động trẻ không "mặn mà" với biển

Đang vào mùa đánh bắt nhưng tàu cá của gia đình anh Trương Công Toàn, xã Đức Trạch (Bố Trạch) vẫn phải nằm bờ do thiếu lao động. Anh Toàn cho biết, tàu của anh được đóng mới năm 2016, có công suất 750CV, với trị giá khoảng 7 tỷ đồng, trong đó số tiền vay ngân hàng là 6 tỷ đồng. Tàu hoạt động được khoảng 2 năm thì gặp khó khăn do giá xăng dầu, vật tư tăng cao, ngư trường thu hẹp, nguồn lợi thủy sản khan hiếm, đầu ra sản phẩm không ổn định… nên các chuyến biển đi về đều thua lỗ, các lao động trên thuyền cũng đi tìm công việc khác nên tàu đành nằm bờ.

Xã Đức Trạch hiện có hơn 480 tàu đánh bắt thủy sản, trong đó, hơn 230 tàu đánh bắt xa bờ. Đây là một trong những địa phương có đội tàu đánh bắt xa bờ hùng hậu trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, thời gian qua, các tàu đều thiếu người đi biển và thường xuyên phải ra khơi trong tình trạng thiếu lao động so với trước kia.

Theo các chủ tàu, tiền công lao động được trả theo chuyến biển nhưng do giá xăng dầu tăng cao đã đẩy chi phí mỗi chuyến biển tăng theo, trong khi năng suất đánh bắt hải sản giảm. Kèm theo đó, giá cả bấp bênh nên các chuyến biển lãi không được bao nhiêu, tiền chia đều cho các thuyền viên không ổn định khiến họ không mặn mà với nghề.

Nhiều lao động trẻ hiện nay không mặn mà với nghề biển (ảnh chỉ mang tính chất minh họa).

Nhiều lao động trẻ hiện nay không "mặn mà" với nghề biển (ảnh chỉ mang tính chất minh họa).

Chủ tịch Hội Nông dân xã Đức Trạch Trương Quang An cho biết: Thiếu lao động nghề biển là một trong những nỗi lo của địa phương thời gian qua. Những năm gần đây, ngành khai thác thủy sản gặp khó khăn, thu nhập của các thuyền viên thấp nên họ đi tìm công việc khác tốt hơn như xuất khẩu lao động, làm công ty, đầu tư làm dịch vụ… Đặc biệt, do nghề biển rất vất vả, rủi ro cao nên thế hệ trẻ không “mặn mà” với biển, lao động trên thuyền chủ yếu là người từ 40-60 tuổi.

Phường Quảng Phúc (TX. Ba Đồn) cũng là địa phương thiếu lao động đi biển từ nhiều năm nay. Ông Nguyễn Tiến Thành, Chủ tịch UBND phường cho biết: “Cái khó của nghề biển ở địa phương chúng tôi hiện nay là lao động đi biển đang “già hóa”. Trong khi lớp trẻ không “mặn mà” với nghề đi biển. Các em lớn lên chủ yếu đi học, đi làm công ty hoặc xuất khẩu lao động ở nước ngoài. Chính quyền địa phương cũng đã đẩy mạnh tuyên truyền, động viên ngư dân vươn khơi bám biển để mưu sinh, đồng thời cũng góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Tuy nhiên, khi thu nhập thấp thì thuyền viên họ cũng sẽ chuyển nghề để tăng thu nhập.

Em Nguyễn Phương Nam (SN 1997), tổ dân phố (TDP) Tân Mỹ, phường Quảng Phúc cho biết, em đi biển từ năm 16 tuổi. Trước đây, em vẫn nghĩ sẽ gắn bó với biển suốt đời nhưng nay đi biển thu nhập bấp bênh nên em làm tạm ở nhà máy đá một thời gian để chờ thủ tục xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc. Nhiều lao động địa phương sang Hàn Quốc cũng làm nghề cá, lương khá cao nên em cũng muốn sang đó, chứ đi biển ở nhà 3 chuyến thì mới được 1 chuyến có lãi.

Khó khăn tìm kiếm bạn thuyền

Tại các địa phương ven biển trong tỉnh, nhiều tàu cá không thể ra khơi do thiếu bạn thuyền. Trước đây, để có “một chân” đi biển, chủ tàu tuyển chọn rất kỹ lưỡng để tìm nhân công có sức khỏe, kỹ thuật và kinh nghiệm. Nhưng nay, tuyển lao động trên các tàu cá theo kiểu “lấy đại” bởi thiếu hụt thuyền viên trầm trọng.

Thông thường từ mồng 10/1 (âm lịch) là các tàu cá ở TDP Tân Mỹ, phường Quảng Phúc đều xuất bến ra khơi. Địa phương có 64 tàu đánh bắt xa bờ nhưng hiện tại hơn 50% số tàu cá vẫn còn nằm bờ vì thiếu bạn thuyền. Theo ngư dân, những chuyến biển gần đây hầu như không có lãi bởi giá xăng dầu ở mức cao trong khi nguồn hải sản ngày càng khan hiếm.

Anh Nguyễn Văn Thanh, TDP Tân Mỹ, xã Quảng Phúc cho biết, tôi có 2 tàu đánh bắt xa bờ, do thiếu lao động nên phải nghỉ hẳn một tàu, còn một tàu tìm không đủ lao động nên từ ra Tết đến nay tàu vẫn còn nằm bờ. Tôi đã cất công tìm người ở các huyện miền núi, ở các tỉnh bạn để cho đủ quân số, thậm chí cho họ ứng trước tiền nhưng vẫn không đủ người. Trước đây, mỗi chuyến biển chúng tôi cần từ 12-15 thuyền viên, giờ có máy móc hỗ trợ nên chỉ cần khoảng 7-10 người, vậy mà vẫn tìm không ra.

Theo anh Thanh, tìm được bạn thuyền mà chưa xuất bến đi biển thì vẫn lo lắng bởi nhiều người đã thỏa thuận, ứng tiền xong xuôi nhưng đến ngày đi thì không liên lạc được. Do phí tổn đã chuẩn bị sẵn sàng nên tàu vẫn bắt buộc phải ra khơi trong bối cảnh thiếu lao động, việc đánh bắt hải sản vì thế càng khó khăn hơn.

Tàu cá ở tổ dân phố Tân Mỹ, phường Quảng Phúc nằm bờ vì thiếu bạn thuyền.

Tàu cá ở tổ dân phố Tân Mỹ, phường Quảng Phúc nằm bờ vì thiếu bạn thuyền.

Theo nhiều chủ tàu cá, nghề đánh bắt hải sản xa bờ rất khó tìm bạn thuyền vì bám biển dài ngày, quanh năm, không chỉ đòi hỏi sức khỏe mà cần cả kinh nghiệm. Tìm được bạn đi biển đã khó, tìm được lao động trẻ, có kinh nghiệm lại càng khó hơn nên các chủ tàu thường nhận lao động không chuyên để ra khơi. Tuy nhiên, hầu hết những lao động này lại thường say sóng, những thuyền viên còn lại trên tàu phải làm việc thay. Không ít người đi một chuyến rồi nghỉ hẳn, không thấy trở lại vì không chịu được sự vất vả khi phải lênh đênh trên biển cả ngày lẫn đêm.

Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Lê Ngọc Linh cho biết: Thực tế lao động nghề biển trên địa bàn tỉnh hiện nay chủ yếu là “cha truyền, con nối”, thiếu đào tạo bài bản nên khó chủ động được nguồn nhân lực. Hiện nay, lượng lớn tàu thuyền trên địa bàn tỉnh cơ bản đã trang bị đầy đủ thiết bị hiện đại nhưng nguồn lợi thủy sản ngày càng cạn kiệt, các chuyến biển xa bờ hiệu quả cao ngày một ít dần nên khó tìm kiếm bạn đồng hành.  

Toàn tỉnh hiện có gần 3.600 tàu cá từ 6m trở lên, trong đó có 1.162 tàu đánh bắt xa bờ, năng lực khai thác đã vượt quá nguồn lợi. Số lượng tàu thuyền lớn thì ngư dân sẽ đối mặt với việc thiếu nguồn nhân lực lao động, nhất là lao động khai thác hải sản xa bờ.

Giải pháp hữu hiệu nhất để khắc phục được tình trạng thiếu nguồn nhân lực là các ngành chức năng cần hỗ trợ, khuyến khích các tàu cá tích cực triển khai, ứng dụng khoa học công nghệ, hiện đại hóa các thiết bị trong đánh bắt hải sản nhằm giảm bớt lệ thuộc vào lao động, góp phần tăng sản lượng khai thác trong giai đoạn khó khăn hiện nay. Đặc biệt, phải coi nghề cá là một nghề chính, cần có các lớp đào tạo nghiệp vụ liên quan đến nghề cá, xây dựng đội ngũ có trình độ chuyên môn, có tay nghề chứ không thể theo hình thức “cha truyền, con nối” như các xã vùng biển hiện nay. 

Chi cục Thủy sản sẽ tiếp tục chỉ đạo, tuyên truyền ngư dân phát huy hoạt động của tổ, đội khai thác trên biển, ưu tiên tiêu thụ sản phẩm trên biển nhằm tiết kiệm chi phí nhiên liệu, nâng cao hiệu quả, bảo đảm an toàn trên biển; tham mưu thực hiện tốt Quyết định số 48/2010/QĐ-TTg và các chính sách phát triển thủy sản khác, góp phần tạo nguồn lực hỗ trợ phát triển khai thác thủy sản bền vững và hiệu quả cao.

Nguồn: http://www.baoquangbinh.vn/xa-hoi/202404/noi-lo-thieu-lao-dong-nghe-ca-2217136/
Tin liên quan
Chưa có thông tin