Nông dân xã Phước Bình, huyện Bác Ái phát triển kinh tế từ mô hình trồng cây bưởi da xanh. Ảnh: Nguyễn Thành – TTXVN
Nhiều mô hình sản xuất hiệu quả
Để tăng sức hút từ thị trường, nhiều nông hộ, trang trại trồng nho đang tập trung trồng nhân rộng các giống nho mới chất lượng cao như nho hồng NH01-152, nho ngón tay đen không hạt NH04-102, nho Mẫu đơn trong nhà màng, nhà lưới. Gia đình chị Trần Thị Thu Hạnh là một trong những hộ tiên phong ở xã Nhơn Sơn, huyện Ninh Sơn đầu tư trồng 1,5 sào (1.500 m2) giống nho NH01-152 trong nhà màng theo tiêu chuẩn VietGAP.
Theo chị Hạnh, trồng nho trong nhà màng có nhiều ưu điểm như ngăn được mưa, gió, sương, hạn chế tình trạng sâu bệnh gây hại rõ rệt. Giống nho NH01-152 cho năng suất từ 1,2 - 1,5 tấn quả/sào, mỗi năm thu hoạch được 2 vụ. Với ưu điểm vượt trội về màu sắc, chất lượng quả, sản phẩm nho NH01-152 đang bán với giá từ 120.000 - 140.000 đồng/kg, cao gấp 2 - 3 lần so với các các giống nho truyền thống. Hiện gia đình chị Hạnh đang tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích trồng giống nho NH01-152 kết hợp một số giống nho mới khác để nâng cao hiệu quả kinh tế.
Tại Ninh Thuận hiện nay có nhiều nông hộ, trang trại trồng nho đẩy mạnh áp dụng tiến bộ kỹ thuật, đưa công nghệ cao vào trồng các giống nho mới, giống nho không hạt theo tiêu chuẩn VietGAP, trồng nho trong nhà màng... có thu nhập từ 500-600 triệu đồng/ha/vụ và từ 1-1,2 tỷ/ha/năm. Nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế từ cây nho, tỉnh đang tập trung phát triển 9 giống nho ăn tươi mới và nho rượu để đa dạng hóa sản phẩm cung cấp cho thị trường, tăng khả năng cạnh tranh với sản phẩm nho nhập khẩu.
Thời gian qua, nhờ mạnh dạn chuyển đổi cây lúa rẫy, ngô kém hiệu quả sang trồng cây bưởi da xanh đã giúp cho nhiều hộ đồng bào Raglai ở xã miền núi Phước Bình, huyện Bác Ái có nguồn thu nhập khá, nhiều hộ thoát nghèo. Ông Katơr Chinh, cán bộ phòng nông nghiệp xã Phước Bình cho hay, trung bình 1 ha bưởi cho sản lượng khoảng 25 tấn quả/năm, nếu canh tác tốt mỗi năm loại cây này có thể cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi ha. Nhờ hiệu quả kinh tế mang lại, đến nay diện tích trồng bưởi da xanh trên địa bàn xã Phước Bình đã phát triển lên trên 200 ha.
Để nâng cao giá trị sử dụng đất, nhiều nông hộ đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện canh tác, tiết kiệm nước, thích ứng với biến đổi khí hậu. Tính riêng trong vụ đông Xuân 2022 - 2023, tỉnh Ninh Thuận chuyển đổi gần 405 ha đất lúa và đất khác sang trồng cây ngắn ngày với diện tích trên 300 ha và cây dài ngày gần 105 ha. Cùng với đó, các địa phương khuyến khích, vận động các hộ dân đẩy mạnh nhân rộng mô hình tưới nước tiết kiệm thích ứng với tình trạng khô hạn, đến nay Ninh Thuận có trên 1.773 ha cây trồng cạn áp dụng mô hình tưới tiết kiệm nước.
Mô hình trồng cây măng tây ở xã An Hải, huyện Ninh Phước phủ xanh đất cát, cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Nguyễn Thành – TTXVN
Theo đánh giá của ngành nông nghiệp tỉnh Ninh Thuận, việc chuyển đổi cây trồng giúp tiết kiệm đáng kể lượng nước tưới, giảm từ 25-30% so với trồng lúa, hạn chế việc khai thác nước ngầm, lượng nước để sử dụng cho nhu cầu sinh hoạt, nước uống cho gia súc và dự trữ, điều tiết cho sản xuất các vụ tiếp theo. Qua tính toán trên cùng một đơn vị diện tích canh tác, hiệu quả kinh tế khi chuyển đổi sang trồng cây dài ngày như táo gấp 15,6 lần; nho gấp 16,8 lần; mía gấp 19 lần; măng tây xanh gấp 21,6 lần so với trồng hai vụ lúa mỗi năm. Đối với cây ngắn ngày như cây đậu xanh cho lợi nhuận gấp 1,4 lần; vừng gấp 1,5 lần; dưa hấu gấp 5,2 lần; ngô giống gấp 5,5 lần; kiệu gấp 18 lần so với diện tích trồng lúa kém hiệu quả.
Song song với chuyển đổi cây trồng, tỉnh cũng tập trung xây dựng, phát triển các chuỗi liên kết sản xuất thông qua các mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác, liên kết với doanh nghiệp. Đến nay, toàn tỉnh có 63 mô hình liên kết chuỗi giá trị nông sản lúa, ngô, măng tây, nho, rau các loại; 35 cánh đồng lớn với diện tích trên 4.719 ha. Qua đánh giá, tham gia vào chuỗi liên kết, người nông dân không chỉ được tiêu thụ sản phẩm với giá cả ổn định, an toàn mà giá trị thu được của các mô hình liên kết cũng cao hơn từ 15-20% so với sản xuất truyền thống.
Tạo đòn bẩy để gia tăng giá trị sản xuất
Ông Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận cho biết, với mục tiêu phát triển kinh tế nông nghiệp thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu, tạo ra giá trị gia tăng tối ưu trên một đơn vị diện tích canh tác, tỉnh đang đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng; tập trung vốn đầu tư cho nông nghiệp; quy hoạch vùng sản xuất nguyên liệu hàng hóa; chú trọng liên kết “4 nhà” nhằm phát triển kinh tế nông nghiệp theo chuỗi giá trị sản xuất bền vững.
Từ nay đến năm 2025, tỉnh Ninh Thuận đặt mục tiêu chuyển đổi khoảng 3.200 ha diện tích cây trồng; trong đó có 1.525 ha từ đất lúa sản xuất kém hiệu quả, còn lại là các loại đất khác. Các loại cây trồng có khả năng chịu được khí hậu khô hạn, mang lại giá trị kinh tế cao được tỉnh ưu tiên lựa chọn như nho, táo, măng tây xanh, cỏ chăn nuôi, ngô lai, đậu xanh, bưởi, mãng cầu, chuối, sầu riêng, xoài. Cùng với đó, tăng cường áp dụng kỹ thuật trồng trọt mới như xen canh cây họ đậu với cây ăn trái, cây dài ngày để tạo thảm thực vật giữ ẩm, cải tạo độ phì nhiêu của đất; sử dụng công nghệ nhà màng, bao lưới để phòng ngừa dịch hại nguy hiểm giúp tăng năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm thu hoạch.
Vùng trồng cây nha đam tập trung tại phường Văn Hải, thành phố Phan Rang – Tháp Chàm. Ảnh: Nguyễn Thành – TTXVN
Trong năm 2023 tỉnh Ninh Thuận dành trên 21 tỷ đồng từ nguồn kinh phí sự nghiệp phân bổ cho Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tập trung cho các hoạt động hỗ trợ xây dựng và phát triển các vùng nguyên liệu tập trung; chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi chất lượng cao; mở rộng quy mô sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP, nông nghiệp hữu cơ; cơ giới hóa đồng ruộng; nâng cao năng lực chế biến và bảo quản nông sản theo các mô hình liên kết sản xuất.
Theo lãnh đạo ngành nông nghiệp tỉnh Ninh Thuận, để triển khai thực hiện, các địa phương đang tiếp tục nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả; tập trung chuyển đổi bền vững đất trồng lúa kém hiệu quả sang cây trồng cạn, gắn với chuyển đổi luân canh cây ngắn ngày trên đất lúa kém hiệu quả và đất chuyển đổi 2 vụ lúa và 1 vụ màu. Nhân rộng mô hình tưới tiết kiệm nước, đảm bảo 100% diện tích trồng lúa được tưới theo quy trình “nông - lộ - phơi”, chấm dứt tình trạng gieo trồng cây hàng năm trái vụ.
Để nâng cao hiệu quả chuyển đổi cây trồng, các ngành chuyên môn của tỉnh tăng cường mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật về trồng trọt, bảo vệ thực vật, tổ chức hội nghị đầu bờ, hội thảo hướng dẫn sản xuất. Đồng thời tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi thu hút các doanh nghiệp, hộ kinh doanh đầu tư vào sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; đẩy mạnh phát triển chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ giữa các hộ dân, trang trại, hợp tác xã với các doanh nghiệp, hệ thống siêu thị; kết hợp phát triển du lịch sinh thái nông nghiệp.
Thời gian tới, ngành nông nghiệp tham mưu UBND tỉnh tiếp tục có thêm các chính sách, huy động các nguồn lực từ các chương trình, dự án hỗ trợ nông dân tham gia chuyển đổi cơ cấu cây trồng; xây dựng kết cấu hạ tầng, thương hiệu nông sản chủ lực gắn phát triển sản xuất nông nghiệp với chế biến sâu tạo sản phẩm hàng hóa phong phú để nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm nông sản của địa phương.