|
  • :
  • :

Niềm vui với sầu riêng 

Hướng dẫn khách tham quan vườn sầu riêng Ri6 bạt ngàn, xanh tốt, chị Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, ở ấp Thới Hòa B, xã Xuân Thắng, huyện Thới Lai, vui vẻ cho biết, chị vừa thu hoạch trên 8 tấn trái đầu tiên sau gần 5 năm canh tác, thu nhập 320 triệu đồng. Chưa hài lòng với thành quả này, vợ chồng chị Hạnh đang đầu tư cải tiến kỹ thuật, nâng cao chất lượng sầu riêng đợt thu hoạch tới.

Chị Mỹ Hạnh (bên phải) giới thiệu vườn sầu riêng Ri6 đang chờ cho trái.

Sinh trưởng tại Xuân Thắng, từ nhỏ chị Hạnh biết phụ giúp cha mẹ làm ruộng, nuôi heo. 17 tuổi, chị ra chợ học và làm thợ may, dự tính tích lũy vốn nghề làm kế mưu sinh. Năm 23 tuổi, qua mai mối, chị Hạnh lập gia đình với anh Lâm Văn Thảo chân chất, giỏi giang. Từ 4 công ruộng gia đình chồng cho, vợ chồng chị canh tác lúa 3 vụ, nấu rượu, nuôi heo, dành dụm mua thêm 24 công đất. Chị Hạnh kể: “Tôi rất có “tay” nuôi heo, heo đẻ con đều đặn, tôi để nuôi hết, bán heo thịt quanh năm. Thường thì trong chuồng luôn sẵn từ 40 con heo nuôi nối tiếp. Tôi nấu rượu gốc, tận dụng hèm để nuôi heo mau tăng cân”. Lúc sinh con gái thứ ba, vợ chồng chị Hạnh nghỉ nấu rượu, nuôi đàn heo ít lại. Ðược người em gợi ý, vợ chồng chị Hạnh bàn bạc, đồng lòng “thử” thời vận với sầu riêng. Chị Hạnh đầu tư gần 800 triệu đồng để cải tạo đất vườn, đắp mô trồng gần 300 cây sầu riêng Ri6, mua vật tư lắp đặt hệ thống tưới phun sương để đỡ công lao động. Chị Hạnh kể: “Nhớ lại lúc đó, vợ chồng tôi “gan” thiệt, tuy là nông dân nhưng hoàn toàn “mù tịt” về sầu riêng. Người ủng hộ, kẻ bàn ra nhưng chủ yếu là vợ chồng tôi đồng thuận”.

“Muốn biết phải hỏi, muốn giỏi phải học”, anh Thảo - chồng chị Hạnh, “lướt” mạng xã hội nghiên cứu; lân la học hỏi, tiếp thu kinh nghiệm nhà vườn gần, xa về kỹ thuật trồng sầu riêng, từ cách thức pha trộn phân bón gốc, tưới nước cây con, kỹ thuật trồng xen, tỉa cành, hoa, trái, tạo tán, phòng trừ sâu bệnh hại… Hiện giờ, vợ chồng chị Hạnh đã “bỏ túi” kha khá kinh nghiệm chăm bón sầu riêng và bí quyết khi thu hoạch trái từ trên cây, không để va chạm làm trầy xước trái, giữ trái nơi thoáng mát… nhằm giảm thiệt hại sau thu hoạch. “Lấy ngắn nuôi dài”, chị Hạnh vay 70 triệu đồng vốn ưu đãi, duy trì nuôi từ 10 con heo thịt, trồng xen khoảng 40 cây hạnh, dưới ao trồng bông súng, nuôi ốc bươu  đen… bán lai rai quanh năm. Sau đợt thu hoạch sầu riêng vừa qua, hiện chị Hạnh đang ứng dụng kỹ thuật mới để tăng năng suất, hứa hẹn thành công đợt thu hoạch tới.      

Chị Hạnh chia sẻ, hơn 30 năm chia ngọt sẻ bùi, vợ chồng chị Hạnh tạo dựng nhà cửa tươm tất, khang trang, đất vườn phì nhiêu, màu mỡ. Tổ chức xong đám cưới con gái út cuối năm nay, anh chị đã chu toàn gia thất đề huề cho 4 con gái. Tròm trèm 60 tuổi, các con có thể phụng dưỡng, chăm lo cha mẹ cuộc sống đủ đầy, sung túc nhưng vợ chồng chị Hạnh chưa vội nghĩ ngơi mà luôn động viên nhau cố gắng lao động, tích lũy về sau, với mong muốn con cháu luôn yêu quê, quý đất như chính cuộc sống gia đình, tiếp nối niềm vui trong lao động mỗi ngày…

“Vợ chồng chị Mỹ Hạnh đồng tâm hiệp lực, chí thú làm ăn, nhạy bén ứng dụng khoa học kỹ thuật, mô hình sản xuất vườn - ao - chuồng, phát triển kinh tế gia đình, từng bước vươn lên khấm khá” - Chị Phạm Thị Kim Liên, Chủ tịch Hội LHPN xã Xuân Thắng, nhận xét.

Nguồn: https://baocantho.com.vn/niem-vui-voi-sau-rieng-a164570.html
Tin liên quan
Chưa có thông tin