Phụ nữ làm kinh tế giỏi
Những ngày đầu tháng 10, chúng tôi có dịp trở lại xã Phổng Lái, huyện Thuận Châu (Sơn La). Phổng Lái có khí hậu khá mát mẻ, đất đai màu mỡ với những đồi chè xanh bát ngát. Cũng từ cây chè, cuộc sống của người dân nơi đây vươn lên làm giàu. Về với Phổng Lái lần này, chúng tôi may mắn gặp được bà Nguyễn Thị Bình, nữ phó Giám đốc HTX sản xuất kinh doanh và dịch vụ tổng hợp Bình Thuận (xã Phổng Lái, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La), người xây dựng lên thương hiệu chè Phổng Lái, đưa chè Phổng Lái do đồng bào dân tộc nơi đây trồng và chăm sóc đến với thị trường nước ngoài.
Bà Bình gốc gia đình ở Thái Bình. Những năm 1960, bố mẹ từ Thái Bình lên vùng đất Phổng Lái để khai hoang, lập nghiệp. Đến năm 1971, bà được sinh ra ở Phổng Lái và gắn bó với mảnh đất ở đây đến tận bây giờ. Sinh ra và lớn lên ở vùng chè Phổng Lái, tuổi thơ của bà Bình gắn liền với những đồi chè xanh ngút ngàn, đắm chìm trong hương vị thơm ngát của những mẻ chè mẹ sao bên bếp lửa. Bà Bình mong muốn góp sức mình để chia sẻ khó khăn với người dân trong bản, đồng thời tăng thu nhập cho bà con.
Nghĩ là làm, để cải thiện chất lượng chè Phổng Lái, bà Bình nhận thấy yếu tố quan trọng là phải thay đổi tư duy sản xuất, canh tác. Sau khi khảo sát, nắm bắt nhu cầu thị trường, năm 2013, bà cùng với một số hộ nông dân cùng ý tưởng xây dựng nên thương hiệu chè Phổng Lái, từ đó HTX sản xuất kinh doanh và dịch vụ tổng hợp Bình Thuận được thành lập.
Bà Bình cho biết: Mục tiêu của HTX là sản xuất và xây dựng thương hiệu chè Phổng Lái để cung cấp cho thị trường, góp phần nâng cao giá bán chè cho người dân địa phương. HTX Bình Thuận được thành lập, bà Bình được tín nhiệm bầu làm Phó Giám đốc HTX. Các sản phẩm chính của HTX Bình Thuận, gồm: Chè kim tuyên, shan tuyết, chè lai F1, F2, 100% chè sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn. Dây chuyền sản xuất của HTX hiện đang có công suất 20 tấn chè búp tươi/ngày, tương đương với khoảng 5 tấn chè khô thành phẩm.
Trung bình mỗi năm bao tiêu khoảng 2.500 tấn chè búp tươi cho bà con, sản xuất 500 tấn chè khô xuất ra thị trường. Cuối năm 2019, sản phẩm chè Phổng Lái, Thuận Châu của HTX đã được UBND tỉnh Sơn La chứng nhận là sản phẩm OCOP và đạt hạng sản phẩm 4 sao. Năm 2019, HTX được UBND tỉnh Sơn La cấp chứng nhận "Chè Trọng Nguyên – Phổng Lái Thuận Châu" là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh. Ngoài tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho các thành viên, HTX Bình Thuận đã liên kết sản xuất với 500 hộ nông dân ở các xã như: Phổng Lái, Chiềng Pha, Mường É (huyện Thuận Châu), giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động địa phương với thu nhập bình quân gần 5 triệu đồng/người/ tháng. Với những đóng góp quan trọng, bà Nguyễn Thị Bình đã vinh dự có tên trong danh sách "100 nông dân Việt Nam xuất sắc" năm 2023".
Rời Phổng Lái (Thuận Châu) chung tôi về xã Chiềng Chung (Mai Sơn) nơi được mạnh danh là thủ phủ của cà phê trên đất Sơn La. Được trồng từ những năm 1990, cà phê đã trở thành cây chủ lực ở xã Chiềng Chung (huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La). Loại cây công nghiệp này đang giúp bà con nông dân các dân tộc thiểu số xã Chiềng Chung giảm hộ nghèo, tăng hộ khá, giàu, tạo vô số việc làm, tăng thu nhập bình quân đầu người.
Người dân Chiềng Chung đoàn kết ấp ủ khát vọng xây dựng thương hiệu cà phê đặc sản, nâng tầm giá trị cho cây trồng chủ lực của mình. Sự ra đời của HTX Ara-Tay Coffe đã hiện thực hóa giấc mơ của mảnh đất Chiềng Chung. Điều đặc biệt, người mang trong mình khát vọng nâng tầm hạt cà phê của quê hương là nữ dân tộc thái đó là chị Cầm Thị Mòn, Giám đốc HTX Ara-Tay Coffee, xã Chiềng Chung (Mai Sơn, Sơn La).
Chị Mòn chia sẻ: Khi bắt tay vào xây dựng thương hiệu cà phê Ara-Tay, làm ra "những hạt cà phê hoàn hảo, tử tế đến từng hạt", những người phụ nữ ở HTX Ara-Tay Coffee buộc phải thay đổi thói quen canh tác. Không còn việc hái xô, hái lẫn tất cả quả chín và quả xanh, để hạt cà phê đạt chất lượng cao nhất phải chuyển sang hái chọn những hạt cà phê chín cho chất lượng đồng đều. Khi ấy, bàn tay người phụ nữ đóng vai trò không thể thiếu trong mọi công đoạn của quá trình sản xuất. Từ cách thu hái, cách vận chuyển, rửa hạt, phơi sấy và đóng gói… Dù đòi hỏi nhiều công sức và thời gian hơn, những việc hái chọn mang lại thu nhập cao và đều đặn hơn.
Không chỉ còn là câu chuyện biết trồng, hái và bán cà phê xô, chỉ sau 3 năm, chị em phụ nữ của HTX Ara Tay đã làm chủ quy trình chăm sóc, thu hái chế biến, đánh giá đúng kỹ thuật theo tiêu chuẩn cà phê đặc sản. Chính cây cà phê cũng đã gắn kết mọi người lại với nhau, tạo nên sức mạnh tập thể gồm những người yêu và tấm huyết với cây trồng này.
Bên cạnh đó, hơn 100 thành viên luôn hoạt động tối đa năng suất, trực tiếp cung cấp quả cà phê tươi cũng là điểm tựa vững chắc cho sự phát triển của HTX. Hiện diện tích cà phê của các thành viên HTX lên đến hơn 200ha và trên 300ha của các hộ trong xã để có thể lựa chọn được những quả cà phê có chất lượng tốt nhất.
Hiện HTX có 4 sản phẩm cà phê chất lượng cao, gồm: Cà phê nhân xanh Natural, cà phê Honey nhân xanh, cà phê bột và hạt Natural, cà phê bột và hạt Honey. Năm 2022, Thương hiệu Ara Tay Coffee được công nhận là một trong 19 sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của tỉnh. Sự phát triển về thương hiệu cà phê đặc sản Chiềng Chung cũng minh chứng cho những nỗ lực đổi thay của người dân nơi đây, đặc biệt là những chị em người phụ nữ dân tộc.
Phụ nữ giúp nhau sáng tạo khởi nghiệp phát triển kinh tế
Toàn tỉnh Sơn La hiện có trên 206.000 hội viên phụ nữ sinh hoạt tại 2.485 chi hội; 204 Hội Liên hiệp phụ nữ xã, 12 Hội Liên hiệp phụ nữ huyện, thành phố và 3 đơn vị nữ công trực thuộc. Các cấp hội đã thực hiện có hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng; phát động sâu rộng phong trào thi đua “Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới”, gắn với xây dựng người phụ nữ Sơn La “Đoàn kết, nhân ái, thân thiện, sáng tạo, khát vọng vươn lên”; tập hợp phụ nữ, phát triển hội viên, xây dựng đội ngũ cán bộ hội ngày càng chuyên nghiệp.
Thực hiện phong trào “Phụ nữ giúp nhau sáng tạo khởi nghiệp phát triển kinh tế”, các cấp hội phụ nữ tỉnh Sơn La đã vận động hội viên tham gia các tổ hợp tác, tổ nhóm liên kết, HTX; tham gia chương trình “Mỗi xã 1 sản phẩm”. Năm 2022, toàn tỉnh đã hỗ trợ 2.133 hộ hội viên phụ nữ nghèo, cận nghèo phát triển kinh tế. Duy trì 16 HTX do phụ nữ tham gia quản lý, trong đó có 13 HTX sản xuất sản phẩm OCOP. Thực hiện Đề án 939 “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025”, Hội đã tổ chức 249 hoạt động tuyên truyền cho 16.129 cán bộ hội viên; tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho 328 chị em. Phối hợp đào tạo việc làm cho 3.623 hội viên, trong đó 466 hội viên có việc làm ổn định. Phối hợp tổ chức 16 hội nghị tập huấn về khởi nghiệp, tư vấn giới thiệu việc làm cho 806 hội viên, phụ nữ.
Phong trào thi đua làm kinh tế giỏi thời gian qua đã được cán bộ, hội viên và các tầng lớp phụ nữ trong toàn tỉnh hưởng ứng tích cực. Cùng với sự hỗ trợ của các cấp Hội, nhiều chị em đã mạnh dạn, năng động, sáng tạo, vượt khó vươn lên, khẳng định vị trí, vai trò của mình trong sản xuất, kinh doanh, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.