Thu hoạch lúa đông xuân 2022-2023 tại Thốt Nốt, TP Cần Thơ.
Liên kết, hợp tác
Những năm qua, ngành Nông nghiệp đã tích cực hỗ trợ, khuyến khích các nông hộ liên kết, thành lập các hợp tác xã (HTX) gắn với xây dựng mô hình "cánh đồng lớn" và các vùng trồng trọt, chăn nuôi tập trung, quy mô lớn, đảm bảo an toàn, chất lượng đáp ứng nhu cầu thị trường. Qua đó, tạo thuận lợi trong kết nối với các đơn vị, doanh nghiệp bao tiêu để hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) TP Cần Thơ, trong năm 2022, thành phố đã mở rộng diện tích liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị nông sản tăng trên 3.000ha đối với lúa và tăng 205ha đối với cây ăn trái. Ðến nay, Cần Thơ đã có gần 1.500ha diện tích sản xuất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản đạt theo các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt như VietGAP, Global GAP… Thành phố xây dựng được 99 chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn, với 260 sản phẩm được xác nhận trong chuỗi. Mô hình cánh đồng lớn (CÐL) lúa được thực hiện từ vụ hè thu 2011, với diện tích ban đầu chỉ 400ha tại huyện Vĩnh Thạnh, nhưng đến nay đã được nhân rộng lên hầu khắp các quận, huyện trồng lúa, với tổng diện tích hơn 33.570 ha/vụ, trong đó có 10.000ha lúa sạch, hơn 560ha đạt tiêu chuẩn VietGAP, Global GAP và SRP. Thành phố cũng đã có hơn 500ha sản xuất rau màu và cây ăn trái theo VietGAP.
Thành phố có 104 HTX nông nghiệp, trong đó có 38 HTX sản xuất lúa, 49 HTX trồng cây ăn trái, 17 HTX sản xuất rau màu… Thông qua các HTX này, các doanh nghiệp có nhiều điều kiện thuận lợi để liên kết xây dựng vùng nguyên liệu, thu mua, chế biến và tiêu thụ lúa gạo, trái cây, rau màu với giá cao nhờ bán được vào các siêu thị và xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Nhật Bản, Mỹ, EU, Úc… Tuy nhiên, hiện nhiều diện tích sản xuất rau màu, lúa gạo còn tiêu thụ chủ yếu ở dạng tươi thô thông qua thương lái vì chưa có hợp đồng bao tiêu của doanh nghiệp. Ðồng thời, nông dân sản xuất manh mún nhỏ lẻ, sản phẩm không đảm bảo về số lượng và chất lượng đồng đều để có thể bán được giá cao nhờ đẩy mạnh chế biến, xuất khẩu vào các thị trường cấp cao, khó tính. Do vậy, các nông hộ và HTX rất cần tăng cường liên kết hợp tác với nhau và với các đơn vị, doanh nghiệp để hình thành các chuỗi sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm bền vững, giúp mang lại giá trị gia tăng cao.
Tháo gỡ các khó khăn
Ðể tạo điều kiện gặp gỡ, trao đổi thông tin và kịp thời tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa gạo và rau màu, Sở NN&PTNT TP Cần Thơ vừa phối hợp với Hội Nông dân TP Cần Thơ tổ chức hội thảo "Liên kết tiêu thụ chuỗi ngành hàng lúa gạo và rau tại TP Cần Thơ". Tại hội thảo này, nhiều doanh nghiệp cho biết, để có nguồn lúa gạo và rau màu đảm bảo chất lượng và an toàn đáp ứng nhu cầu chế biến, tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, doanh nghiệp cần xây dựng các vùng nguyên liệu khá lớn và có nhu cầu liên kết với nông dân. Tuy nhiên, để thuận lợi trong kết nối với doanh nghiệp, các nông hộ nhỏ lẻ cần chủ động liên kết với nhau để thành lập các HTX và quan tâm sản xuất đạt theo các tiêu chuẩn an toàn.
Ông Võ Thành Phong, Giám đốc vùng nguyên liệu Lộc Nhân, Công ty cổ phần Lương thực Lộc Nhân ở huyện Cờ Ðỏ, TP Cần Thơ, cho biết: "Ðể sản xuất và tiêu thụ lúa gạo bền vững, Công ty đang có nhu cầu liên kết với nông dân để xây dựng vùng nguyên liệu với diện tích rất lớn nhằm phục vụ xuất khẩu, trong đó vùng nguyên liệu tại TP Cần Thơ là 5.000ha. Vụ đông xuân 2022-2023, Lộc Nhân đã ký kết bao tiêu hơn 1.000ha lúa tại huyện Cờ Ðỏ. Công ty cung cấp các loại vật tư đầu vào như lúa giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và ký hợp đồng bao tiêu lúa từ đầu vụ cho nông dân thông qua các HTX". Theo anh Phạm Chánh Huy, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần BJ & T ở TP Cần Thơ, công ty đang có nhu cầu thu mua nhiều loại nông sản như ớt, đậu bắp, khổ qua, khoai môn… để phục vụ chế biến, xuất khẩu sang Nhật Bản, Mỹ, Úc, Canada và các nước EU, với tổng sản lượng khoảng 300 tấn/tháng. Công ty cần liên kết với nông dân để xây dựng các vùng nguyên liệu bền vững lâu dài. Ðể liên kết với công ty, nông dân cần thành lập HTX để dễ ký hợp đồng và đảm bảo sản xuất theo quy trình an toàn, sản phẩm không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.
Theo ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, hiện ngành Nông nghiệp thành phố tiếp tục thúc đẩy xây dựng mô hình CÐL trong sản xuất lúa. Ðồng thời, tập trung triển khai các giải pháp để thúc đẩy liên kết, nhất là liên kết trực tiếp giữa các doanh nghiệp với các HTX và tổ, nhóm nông dân. Chú ý tháo gỡ các khó khăn và tăng cường các hoạt động kết nối, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp phối hợp cùng với HTX và các bên liên quan trong xây dựng vùng nguyên liệu truy xuất được nguồn gốc xuất xứ và tổ chức sản xuất đạt theo các tiêu chuẩn chất lượng, an toàn để đáp ứng yêu cầu thị trường và theo đặt hàng của doanh nghiệp. Ðẩy mạnh thực hiện các chính sách hỗ trợ và có giải pháp nhằm khuyến khích nông dân và doanh nghiệp tăng cường liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo hướng hài hòa lợi ích giữa các bên liên quan. Ðể phát triển chuỗi giá trị lúa gạo bền vững, Sở NN&PTNT TP Cần Thơ cũng đang tích cực phối hợp với Bộ NN&PTNT thực hiện Ðề án "Phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng ÐBSCL". Sở tham mưu UBND thành phố tham gia thực hiện Ðề án tại thành phố với diện tích khoảng 50.000ha gắn với xây dựng mở rộng mô hình CÐL và mời gọi doanh nghiệp tham gia liên kết với nông dân trong mô hình để thực hiện chiến lược phát triển sản xuất xanh, phát triển nông nghiệp tuần hoàn và giảm phát thải khí nhà kính. Liên kết, đẩy mạnh cơ giới hóa và khai thác tốt các phụ phẩm trong quá trình sản xuất lúa gạo để nâng cao chuỗi giá trị ngành hàng.