Trồng thành cô sâm Ngọc Linh trên đất Sơn La
Phát biểu tại Gala "Sâm Ngọc linh trên đất Sơn La - Từ quốc bảo trở thành sinh kế" do Báo NTNN/Điện tử Dân Việt phối hợp với Công ty TNHH một thành viên đầu tư xây dựng Thành Long tổ chức, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Nguyễn Thành Công cảm ơn Báo NTNN/Điện tử Dân Việt phối hợp với Công ty TNHH một thành viên đầu tư xây dựng Thành Long đã tổ chức một chương trình Gala ý nghĩa để tôn vinh sâm Ngọc Linh. Sơn La tự hào về cây sâm Ngọc Linh - loại cây dược liệu mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân.
Hiện nay, tỉnh Sơn La đang phấn đấu trở thành Trung tâm chế biến nông sản theo Nghị quyết 11 của Ban Bí thư và xây dựng thành trung tâm phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của vùng Tây Bắc.
Cũng tại Gala này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thành Công cũng đặt ra câu hỏi: Hôm nay, chúng ta ngồi ở đây thảo luận, bàn về cây Sâm Ngọc Linh. Chúng ta cần suy nghĩ Sơn La Sơn La cần nhân rộng việc trồng sâm Ngọc Linh như thế nào? Cũng giống như cách đây 8 năm trước, chúng ta đã đặt ra câu hỏi: Sơn La có thể trở thành vựa trái được không? Nếu ta quyết tâm, tận dụng khoa học, công nghệ, môi trường, khí hậu, đất đại và từ những câu hỏi đó, Sơn La đã trở thành trung tâm trái cây, thủ phủ vùng cây ăn quả của Tây Bắc và cả nước về trái cây".
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cũng đề nghị các cơ quan Nhà nước đồng hành cùng với doanh nghiệp, người nông dân để mở rộng vùng trồng sâm Ngọc Linh. Đặc biệt là trên địa bàn các huyện Mai Sơn, Bắc Yên, Ngọc Chiến, Mường La, Mai Sơn - nơi có khí hậu, thổ nhưỡng thích hợp để trồng loại cây dược liệu này, giúp nâng cao thu nhập cho người nông dân.
"Cụ thể, các tổ chức chính trị xã hội, đoàn thể trên địa bàn tỉnh cũng phải vào cuộc, như Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân để xây dựng các mô hình làm điểm, cần sự hỗ trợ thì đề xuất với địa phương để xin ý kiến cấp trên và có chính sách hỗ trợ. Bên cạnh đó cũng cần tiếp tục chú trọng công tác xây dựng những mô hình cụ thể, những nơi phù hợp có thể trồng được cây sâm trên địa bàn tỉnh" - ông Nguyễn Thành Công thông tin thêm.
Ông Nguyễn Chí Long Giám đốc Công ty TNHH MTV Đầu tư xây dựng Thành Long cho biết: "Trong nông nghiệp, trồng cây gì, nuôi con gì phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu luôn được chính quyền địa phương và người sản xuất quan tâm, trăn trở. Lâu nay, nói tới sâm Ngọc Linh, người tiêu dùng nghĩ ngay tới vùng trồng ở Quảng Nam, Kon Tum… Việc tôi mang cây sâm về trồng ở Sơn La khiến nhiều người ngỡ ngàng.
Lâu nay, mỗi khi nói tới sâm Ngọc Linh, người tiêu dùng thường nghĩ loài cây quốc bảo này được trồng ở Quảng Nam, Kon Tum, Gia Lai, Lâm Đồng…. Tuy nhiên, sau nhiều năm tìm tòi, thử nghiệm, nghiên cứu, bằng hành động tôi đã chứng minh cho mọi người thấy được rằng, sâm Ngọc Linh trồng ở Sơn La phát triển tốt và chất lượng không thua kém sâm Ngọc Linh trồng tại huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam".
Ông Nguyễn Chí Long chia sẻ: "Tôi yêu Sơn La như quê hương thứ 2, từ động cơ đó tôi mang trong mình những lời tâm sự, tấm lòng đến với quê hương thứ 2 hôm nay. Tôi từng tham gia kháng chiến biên giới phía Bắc, làm tròn trách nhiệm với Tổ quốc, khi trở về đời thường tôi tiếp tục cố gắng phát triển sản xuất, phát huy bản chất người lính cụ Hồ. Qua những chặn đường đi qua tôi tự hào rằng trước đồng tiền của Nhà nước, nhân dân đóng góp đầu tư những công trình giao thông... Đã thôi thúc bản thân tôi quyết lao động, sản xuất và được cấp uỷ, chính quyền tỉnh Sơn La, người dân vùng sâu, vùng xa ghi nhận".
Ông Long nói tiếp: "Cây Sâm Ngọc Linh bén rẽ trên đất Sơn La 18 năm nay, tôi mang cây sâm Ngọc Linh từ tỉnh Quảng Nam, đầu tiên tôi chỉ mua của những người nông dân bán hàng rong. Bởi thực tế đi tìm cây sâm Ngọc Linh trong rừng rất khó nhận biết mà chỉ dựa vào quả sâm màu đỏ mới biết được là sâm rừng.
Từ những trăn trở, ấp ủ trong lòng, tôi quyết tâm đưa sâm Ngọc Linh về trồng, cố gắng vượt qua chính bản thân mình, trồng loại cây trồng này phải phù hợp với khí hậu, đất đai Sơn La, đặc biệt là nơi có độ cao hơn 1.600m so với mực nước biển. Đồng thời, phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước...
Công ty của tôi đã gửi sâm tới Viện Dược liệu để phân tích và kiểm nghiệm đối với sâm 5 năm tuổi. Ngày 12/4/2023, kết quả của Viện Dược liệu cho thấy, hoạt chất Majonosid R2 (hợp chất chính đặc trưng cho sâm Việt Nam) trong mẫu sâm Ngọc Linh của Công ty đạt tới 5,74%. Ngoài ra, Công ty cũng gửi mẫu cao sâm Ngọc Linh Thành Long tới Viện Công nghiệp thực phẩm phân tích hàm lượng 17 ACIDAMIN có trong cao sâm. Kết quả, phân tích hàm lượng 17 ACIDAMIN có trong sản phẩm cao sâm Ngọc Linh Thành Long đều đạt chỉ số rất cao so với cao sâm có trên thị trường. Trong đó, có hàm lượng Cystein lên tới 36,82; hàm lượng Lysine đạt 1501,58, trong khi một số mẫu cao sâm khác trên thị trường hàm lượng Cystein và hàm lượng Lysine không phát hiện ra.
Đánh giá thêm về hiệu quả kinh tế cây Sâm Ngọc Linh trên đất Sơn La, ông Long nhấn mạnh: "Đến thời điểm này, tôi khẳng định cây sâm Ngọc Linh đang phát triển rất tốt, mang lại giá trị kinh tế cao. 1 ha sâm Ngọc Linh chắc chắn đánh bại gấp nhiều lần ha bà con trồng cây ngô, dong riềng... Nhưng điều quan trọng nhất ai sẽ là người trồng và trồng như thế nào cho hiệu quả?"
Giám đốc Công ty TNHH MTV Đầu tư xây dựng Thành Long bày tỏ: Tôi có đủ khả năng để mua vài tấn sâm ở Quảng Nam về đây để chế xuất cao sâm, rượu sâm. Thế nhưng với tình yêu với cây sâm Ngọc Linh nên tôi càng quyết tâm trồng thành công loài cây dược liệu này. Từ những sản phẩm chế ra từ Sâm Ngọc Linh tốt cho sức khoẻ mọi người, nhất là người bệnh ung thư...
"Hiện nay, nhiều huyện của Sơn La đề nghị chúng tôi thực hiện mô hình để bà con địa phương học tập, làm theo. Hiện tại và trong tương lai gần, tôi sẽ mở thêm mô hình ở Bắc Yên, Thuận Châu, Mường La với mục đích để nông dân có thêm một loại cây, thêm một giống cây, có thêm mô hình để học tập phát triển kinh tế", ông Long tâm sự.
Chia sẻ tại Gala, PGS. TS Nguyễn Thị Minh Tú - Phó Viện trưởng Viện Công nghệ Sinh học và Công nghệ Thực phẩm, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội cho rằng: Trong quá trình nghiên cứu, tôi có cơ hội làm việc với nhiều loại dược liệu, trong đó có sâm Ngọc Linh, đây là một sản phẩm rất đặc biệt.
Sản phẩm từ sâm Ngọc Linh rất tốt cho sức khoẻ, đặc biệt là đối với người cao tuổi. Từ những nghiên cứu về thổ nhưỡng, điều kiện khí hậu, cây giống,... cho thấy hàm lượng sâm Ngọc Linh ở Sơn La rất tốt. Thậm chí, đây cũng là loại sâm tốt nhất thế giới hiện nay. Để trồng được sâm Ngọc Linh trên đất Sơn La thì người trồng cần có những kiến thức nhất định, trong đó yếu tố tiên quyết là phải làm chủ được điều kiện khắc nghiệt của thời tiết".
Phát triển sâm Ngọc Linh bền vững trên đất Sơn La
Chia sẻ tại Gala, bà Trịnh Thị Phượng - Phó Chủ Tịch UBND huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La thông tin: Với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng các xã vùng cao của huyện đặc trưng là mát mẻ quanh năm, có sương mù bao phủ, với mùa đông lạnh, diện tích rừng tự nhiên tương đối lớn cùng với nguồn lao động dồi dào là tiềm năng rất lớn cho sự phát triển của nhiều loại cây dược liệu nói chung và nhất là phát triển trồng cây Sâm Ngọc Linh, Sâm Lai Châu dưới tán rừng tại các xã vùng cao huyện Bắc Yên.
Thời gian qua thực hiện Công văn số 3433-CV/TU ngày 12/5/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sơn La về việc khảo sát, đánh giá mức độ phù hợp với vùng trồng Sâm Ngọc Linh tại một số xã vùng cao của tỉnh Sơn La; Công văn số 2546-SNN-CCKL ngày 01/8/2023 của Sở Nông nghiệp và PTNT về việc khảo sát, đánh giá mức độ phù hợp vùng trồng Sâm Ngọc Linh, Sâm Lai Châu tại một số xã vùng cao của tỉnh Sơn La.
Qua khảo sát trên địa bàn huyện Bắc Yên về đề xuất diện tích có khả năng trồng cây Sâm Ngọc Linh, Sâm Lai Châu là 690 ha (trong đó: cây Sâm Ngọc Linh là 309 ha và cây Sâm Lai Châu là 381 ha); dự kiến đề xuất triển khai tại các xã: Tà Xùa, Làng Chếu, Xím Vàng và Hang Chú.
UBND huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn nghiên cứu, đối chiếu về yêu cầu sinh thái của cây Sâm Ngọc Linh và cây sâm Lai Châu và khảo sát nhu cầu của người dân đã xác định các xã vùng cao của huyện Bắc Yên có điều kiện phù hợp với việc trồng cây sâm Ngọc Linh và cây sâm Lai Châu với diện tích đề xuất là 690 ha và diện tích có khả năng mở rộng lên. Với mong muốn trồng và phát triển sâm Ngọc Linh ở dưới tán rừng vừa góp phần tạo giá trị gia tăng rất cao, phát triển đời sống; đồng thời giúp bảo vệ môi trường, giữ gìn tán rừng đảm bảo độ che phủ, hướng đến một nền nông lâm nghiệp phát triển bền vững.
Trong thời gian sắp tới, huyện Bắc Yên xác định các nhiệm vụ trong thời gian tới phải lãnh đạo, chỉ đạo để khai thác tiềm năng phát triển cây Sâm trên địa bàn huyện như:
Một là, tiếp tục kêu gọi các doanh nghiệp tham gia đầu tư dự án thu hút đầu tư thuộc lĩnh vực đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2476/QĐ-UBND của UBND tỉnh Sơn La ngày 22/11/2023.
Hai là, trên cơ sở định hướng phát triển kinh tế dưới tán rừng của Trung ương và của tỉnh, huyện sẽ tham mưu, đề xuất với tỉnh xây dựng cơ chế chính sách nhằm thu hút các nhà đầu tư. Tạo điều kiện về đất đai, chính sách… để các công ty, doanh nghiệp có tâm huyết, kinh nghiệm và năng lực đầu tư vào huyện Bắc Yên để khảo sát, thử nghiệm mô hình trồng cây Sâm Ngọc Linh, Sâm Lai Châu, thực hiện liên kết sản xuất, phối hợp chuyển giao kỹ thuật, hỗ trợ người dân trồng, chăm sóc, thu hoạch chế biến và tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là tại các xã vùng cao của huyện Bắc Yên.
Ba là, huyện đề xuất với UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp & PTNT thử nghiệm mô hình tại huyện, trên cơ sở mô hình thực hiện khảo nghiệm, đánh giá quá trình sinh trưởng, phát triển của cây Sâm Ngọc Linh, Sâm Lai Châu được triển khai trên địa bàn và sự tư vấn của cơ quan chuyên môn, các nhà khoa học, công ty, doanh nghiệp huyện sẽ chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các tổ chức chính trị tuyên truyền đến người dân về "Tiềm năng, giá trị trong phát triển cây Sâm Ngọc Linh, Sâm Lai Châu trên đất Bắc Yên".
Bốn là, trên cơ sở chuyến thăm quan học tập kinh nghiệm tại tỉnh Lai Châu do UBND tỉnh tổ chức, huyện sẽ Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chuyên môn phối hợp với các công ty, doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực trồng cây Sâm Ngọc Linh, Sâm Lai Châu xây dựng lộ trình kế hoạch; khảo sát định hướng vùng trồng và đề xuất thử nghiệm mô hình trồng cây Sâm Ngọc Linh, Sâm Lai Châu trên địa bàn.
Trong thời gian tới, huyện Bắc Yên luôn đồng hành cùng các công ty, doanh nghiệp và người dân để giải quyết khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ và tạo điều kiện tốt nhất để các nhà đầu tư, người dân tham gia trong sản xuất nông lâm nghiệp nói chung và phát triển cây Sâm Ngọc linh, sâm Lai Châu nói riêng, nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế sẵn có trên địa bàn giúp đồng bào các dân tộc vùng cao làm giàu từ trồng cây dược liệu nâng cao đời sống, xóa đói giảm nghèo bền vững.
Chia sẻ tại Gala, ông Nguyễn Huy Tuấn- Chi cục Trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Sơn La cho biết: Tổng diện tích đất quy hoạch cho lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Sơn La là 817.890,4 ha, chiếm 58% tổng diện tích tự nhiên toàn tỉnh, trong đó: Quy hoạch đất, rừng đặc dụng 87.851,4 ha, chiếm 10,74% đất lâm nghiệp; quy hoạch đất, rừng phòng hộ 377.909,2 ha, chiếm 46,26% đất lâm nghiệp; quy hoạch đất, rừng sản xuất 352.129,7 ha, chiếm 43,0% đất lâm nghiệp. Theo số liệu công bố hiện trạng rừng tỉnh Sơn La năm 2022 tại Quyết định 348/QĐ-UBND ngày 08/03/2022 của UBND tỉnh Sơn La, diện tích rừng hiện có trên địa bàn tỉnh là 666.887,7 ha. Tỉnh Sơn La là địa phương có diện tích rừng và đất lâm nghiệp lớn trong toàn (đứng thứ 3 toàn quốc sau các tỉnh: Nghệ An, Quảng Nam).
Là tỉnh có diện tích đất lâm nghiệp lớn, với nhiều loài động thực vật quý hiếm, Sơn La có tiềm năng, lợi thế phát triển các loài dược liệu dưới tán rừng, trong đó có cây Sâm Ngọc Linh, sâm Lai Châu.
Theo kết quả báo cáo đánh giá sơ bộ tại các huyện trên địa bàn tỉnh Sơn La có một số xã vùng cao có điều kiện tự nhiên sinh thái gần tương đồng với vùng phát triển của cây Sâm Ngọc linh, dự kiến trên địa bàn toàn tỉnh có 41 xã trong đó: Tại huyện Thuận Châu: 5 xã, gồm các xã: Mường É, Bản Lầm, Co Mạ, Long Hẹ, Nậm Lầu. -
Hiện nay có 5 huyện: Mường La, Bắc Yên, Mai Sơn, Sốp Cộp, Thuận Châu đề xuất diện tích dự kiến trồng Sâm Ngọc Linh, Sâm Lai Châu với quy mô, diện tích 3.688 ha. Tuy nhiên hiện nay chưa có các nghiên cứu đầy đủ đánh giá đầy đủ về điều kiện lập địa, điều kiện sinh thái làm cơ sở cơ sở khoa học và thực tiễn phục vụ di thực cây sâm Ngọc Linh, sâm Lai Châu trên địa bàn tỉnh Sơn La đối với từng khu vực, địa bàn nêu trên.