|
  • :
  • :

Nhiều chi phí "đè nặng" người nuôi tôm

Ông Nguyễn Viết Hoài - người nuôi tôm ở tỉnh Cà Mau cho biết, giá tôm 2 tháng trở lại đây liên tục “lao dốc”, trong khi chi phí thức ăn, điện, lãi suất ngân hàng, nhân công… tăng cao khiến người nuôi tôm như ông đang rất khốn đốn.

Nhiều chi phí "đè nặng" người nuôi tôm

Cuối tháng 6/2023, ông Nguyễn Viết Hoài (ấp Hiệp Tùng, xã Hiệp Tùng, huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau) "đứng ngồi không yên" khi giá tôm vẫn chưa có dấu hiệu hồi phục. Do giá tôm xuống quá thấp nên nhiều hộ nuôi tôm ở huyện Năm Căn đã phải "treo ao". 

Theo ông Hoài, tôm thẻ loại 100 con/kg được thương lái mua chỉ từ 70.000 - 80.000 đồng, giảm 30% so với tháng trước. Loại 30 - 40 con/kg giá cũng đồng loạt giảm 20%, xuống chỉ còn 105.000 - 115.000 đồng/kg.

Việc giá tôm giảm sâu như hiện nay, cộng với chi phí nguyên vật liệu, lãi vay, logistic, điện, bao bì, nhân công… tăng vọt khiến người nuôi tôm đang gặp vô vàn khó khăn. Ông Hoài lấy ví dụ đơn cử như chi phí nhân công từ 6 triệu đồng/tháng giờ tăng lên 9 triệu đồng/tháng.

Giá tôm nguyên liệu từ đầu năm giảm mạnh, trong khi đó xuất khẩu thủy sản cũng "ảm đạm" không kém. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), qua 5 tháng, xuất khẩu thủy sản Việt Nam chỉ đạt hơn 3,2 tỷ USD, tiếp tục giảm mạnh gần 30% so với cùng kỳ năm ngoái và giảm sâu từ 10% đến 50% tại các thị trường xuất khẩu chính. 

Trong đó, Mỹ là thị trường giảm mạnh nhất, với hơn 50%, tiếp đến là thị trường Liên minh châu Âu (EU) giảm gần 32% và Trung Quốc giảm hơn 25%.

Giảm lãi suất, kích cầu vốn... “hồi sức” ngành thủy sản - Ảnh 1.

Giá tôm tại Bạc Liêu xuống thấp khiến người nuôi gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Nhật Hồ

Giảm lãi suất, kích cầu vốn... “hồi sức” ngành thủy sản - Ảnh 2.

Tôm là mặt hàng sụt giảm mạnh nhất, giảm 34% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 1,2 tỷ USD. Tiếp đến là cá tra, trong 5 tháng đầu năm cũng giảm 30% so với cùng kỳ, đạt 841 triệu USD. Các thị trường lớn nhất là Hongkong, Trung Quốc và Mỹ đều giảm mạnh nhập khẩu cá tra Việt Nam. Xuất khẩu cá ngừ 5 tháng đầu năm giảm 31%, chỉ đạt 317 triệu USD.

Tại Bến Tre, ông Đặng Văn Bảy (ấp Đại Thôn, xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú) cũng chia sẻ: "Hơn 2 tháng qua, giá tôm liên tục giảm sâu. Từ chỗ 150.000 đồng/kg loại 40 con/kg, nay thương lái mua vào chỉ còn 105.000 đồng/kg". 

Theo ông Bảy, so với 2 năm trước, giá thức ăn tôm tăng khoảng 5.000 đồng/kg. Chi phí thuê lao động, thuốc thú y thủy sản… cũng tăng từ 20 - 30%. Đa số người nuôi tôm đều thiếu vốn, phải mua thức ăn trả chậm với mức lãi phải trả cho các đại lý không dưới 30%/năm nên chi phí nuôi tôm càng tăng cao.

Cần nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn

Cá tra cùng với tôm là hai mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ngành thủy sản Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay giá cá tra cũng giảm mạnh và xuất khẩu cũng "cùng chung số phận" với tôm.Ông Ong Hoàng Văn - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản Trường Giang nói, sức tiêu thụ cá tra ở các thị trường thấp do chính sách thắt lưng buộc bụng, người dân tiết kiệm chi tiêu.

Ông Văn cho hay, 2 năm nay, kể từ khi dịch Covid-19 diễn ra, giá thành nuôi cá tra quá cao. Trước đây giá thành chỉ 1USD (khoảng 20.000 đồng)/kg, nhưng nay giá thành nuôi cá lên tới 28.000 đồng/kg. Giá con giống trước là hơn 20.000 đồng/kg, nay lên đến hơn 30.000 đồng/kg, tháng 5/2023 lên hơn 40.000 đồng/kg. 

Giá thức ăn từ 10.000 đồng/kg lên 13.000 đồng/kg. Hệ số FCR nuôi trước dưới 1.6, hiện nếu được 1.7 là mừng (1,7kg thức ăn mới được 1kg cá nguyên liệu). Nên đặt trọng tâm vào giá thức ăn.

Còn theo ông Đỗ Ngọc Tài - Phó Chủ tịch VASEP, Chủ tịch Ủy ban tôm, Giám đốc Công ty CP chế biến Thủy sản Tài Kim Anh, với tình trạng giá tôm xuống thấp từ đầu năm đến nay, đa số nông dân từ hòa đến lỗ. Vì vậy vụ 2 sẽ có nhiều nông dân "treo" ao và trong quý III, IV, các nhà máy sẽ thiếu nguyên liệu để chế biến, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành sẽ giảm...

Ông cho rằng, nguyên nhân dẫn đến xuất khẩu thủy sản gặp khó khăn như hiện nay là: Dịch bệnh, chiến tranh dẫn đến kinh tế toàn cầu đi xuống, lạm phát gia tăng. Người người thực hiện chính sách "thắt lưng buộc bụng", giảm chi tiêu, lựa chọn những thực phẩm giá rẻ... chính vì vậy chúng ta phải đối mặt với 2 thách thức. 

Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu thụ giảm và nguồn cung trên thế giới tăng, đặc biệt là Ecuador và Ấn Độ. Tại Ecuador chi phí nuôi thấp, những trang trại lớn chủ động tôm bố mẹ cho đẻ con giống, diện tích nuôi rộng lớn, nuôi theo hình thức quảng canh, mật độ nuôi thưa, không dùng kháng sinh, chi phí thấp, hiệu quả cao - có thể lên trên 80%. Giá thành nuôi tôm của Ecuador thấp hơn Việt Nam từ 25 - 30%.

"Trong khi đó, ở Việt Nam, hiệu quả trung bình dưới 50%. Những trang trại lớn đầu tư tốt thì đạt hiệu quả khoảng 80%, những hộ dân nhỏ lẻ điều kiện nuôi kém thì chỉ đạt dưới 40%. Tôm bố mẹ thì không tốt, dẫn đến chất lượng tôm giống xấu, diện tích nuôi nhỏ, mật độ nuôi dày đặc, nguồn nước ô nhiễm cho nên tỷ lệ thành công không cao. Giá thức ăn cao hơn từ 10 - 15%. Các chi phí khác cũng cao, giá điện cao... dẫn đến giá thành cao hơn từ 20 - 35% so với Ecuador" - ông Tài phân tích.

Trước khó khăn của người nuôi tôm nói riêng và xuất khẩu thủy sản nói chung, ngày 14/6/2023, VASEP đã có công văn đề xuất Bộ KHĐT các giải pháp tháo gỡ khó khăn có liên quan cho ngành thủy sản. 

Theo đó, đề xuất điều chỉnh lãi suất vay USD xuống dưới 4% và lãi suất vay VNĐ xuống dưới 7% để hỗ trợ cho doanh nghiệp xuất khẩu; Giãn nợ 4-6 tháng cho các khoản vay đến lịch phải trả.

Đối với gói tín dụng 10.000 tỷ đồng để kích cầu hỗ trợ cho doanh nghiệp thủy sản thu mua nguyên liệu thủy sản nuôi cho nông dân, VASEP kiến nghị Ngân hàng Nhà nước thực hiện kích cầu sớm để "người nuôi thủy sản có tâm lý yên tâm tiếp tục thả nuôi thay vì treo ao trong giai đoạn hiện nay". 

Bên cạnh đó, VASEP cũng kiến nghị các giải pháp giảm chi phí kinh doanh thông qua chính sách thuế, phí, mức đóng BHXH và thời điểm đóng BHXH cùng các giải pháp liên quan để giảm chi phí, hỗ trợ sản xuất kinh doanh và xuất-nhập khẩu, duy trì chuỗi cung ứng, việc làm...

Xuất khẩu thủy sản tháng 5/2023 đạt mức cao nhất từ đầu năm

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho biết, tháng 5/2023, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 809,46 triệu USD, giảm 23% so với tháng 5/2022. Tính chung 5 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 3,38 tỷ USD, giảm 27,9% so với cùng kỳ năm 2022.

Theo VASEP, qua 5 tháng, xuất khẩu thủy sản Việt Nam chỉ đạt hơn 3,2 tỷ USD, tiếp tục giảm mạnh gần 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Ảnh: T.L

Xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong tháng 5/2023 tiếp tục giảm do nhu cầu tiêu thụ thủy sản của các thị trường lớn giảm bởi tác động của lạm phát và lãi suất cao.Tuy nhiên, xuất khẩu thủy sản tháng 5/2023 đã có tín hiệu tốt hơn khi tốc độ giảm xuất khẩu sang một số thị trường lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Australia, Hà Lan… chậm lại so với các tháng đầu năm 2023.

Trong đó, tốc độ giảm xuất khẩu thủy sản của Việt Nam vào thị trường Mỹ chậm lại, đưa Mỹ trở lại vị trí thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam trong tháng 5/2023, đạt 150,89 triệu USD, giảm 36,9% so với tháng 5/2022.

Mức giảm xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc trong tháng 5/2023 cũng chậm lại khi chỉ giảm 10% so với tháng 5/2022, đạt 150,27 triệu USD. Tính chung 5 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 512,69 triệu USD, giảm 25,7% so với cùng kỳ năm 2022.

Nguồn: http://trangtraiviet.vn/nhieu-chi-phi-de-nang-nguoi-nuoi-tom-20230625171301851.htm
Tin liên quan
Chưa có thông tin