|
  • :
  • :

Người mang nghề tằm về Ryông Srê

Ryông Srê là tổ dân phố nằm trong diện khó khăn duy nhất của thị trấn Đinh Văn, huyện Lâm Hà, diện tích đất sản xuất nông nghiệp ít, đất cằn cỗi. Hôm nay, người Ryông Srê chuyển dần sang một loại cây trồng, vật nuôi mới, đó là cây dâu - con tằm. Và, những chiếc kén trắng tinh trong nhà tằm của người Ryông Srê gắn với tâm huyết của một người nông dân, anh K’Tiêu - Chi hội trưởng Chi hội Nông dân tổ dân phố Ryông Srê.

Anh K’Tiêu đang chăm sóc bầy heo nái

Anh K’Tiêu đang chăm sóc bầy heo nái

Như hầu hết người dân Ryông Srê, gia đình anh K’Tiêu vốn quen với trồng cây lúa, cây bắp. Đất Ryông Srê cằn, diện tích lại ít, cây bắp, cây lúa cao sản cũng chỉ giúp bà con không còn đói. Nhưng để lo được cho con đi học, xây nhà mới, nâng cao mức sống gia đình thì còn là một chặng đường khá xa. Là chi hội trưởng nông dân, anh K’Tiêu băn khoăn mãi, tìm tòi học hỏi khắp nhiều buôn, nhiều tổ dân phố. Và cuối cùng, anh quyết tâm chọn vật nuôi còn rất xa lạ với người Ryông Srê quê anh, đó chính là nuôi tằm. 

Anh về thuyết phục vợ - chị K’Ớt, phá bỏ 3 sào ruộng lúa của gia đình, xuống giống dâu để nuôi tằm. Trồng lúa vốn là căn cơ của người Ryông Srê, trồng dâu nuôi tằm lại là nghề mà người Ryông Srê chưa hề quen thuộc. Nhưng anh thuyết phục có lý, chị K’Ớt đồng lòng cùng chồng phá lúa, lên luống trồng dâu. Giống dâu S7-CB cho năng suất cao, lá to như bàn tay người lớn. Anh chị học theo các hộ ở các tổ dân phố lân cận, làm giàn sắt, mua né gỗ, lấy hộp tằm về nuôi. Thuở ban đầu, còn bao bỡ ngỡ, tằm tuổi 4 tuổi 5, tằm ngủ tằm ăn, tằm bệnh…, anh chị vừa làm vừa học, vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Và, những lứa kén trắng tinh đã không phụ lòng người người nông dân chăm chút. Anh chị dần dần nuôi tằm giỏi hơn, năng suất kén cao hơn. Kinh tế được cải thiện dần từ những lứa kén trắng.

Nhà nuôi được rồi, anh K’Tiêu nghĩ đến việc vận động bà con trong tổ dân phố Ryông Srê cùng nuôi tằm. Anh chia sẻ, ban đầu bà con rất ngại ngần với con tằm. Bà con quen trồng lúa, trồng bắp, trồng cà phê, quen với nhịp điệu mùa vụ chậm rãi. Nuôi tằm phải chăm hàng ngày, phải hái dâu, chăm tằm ăn, tằm ngủ. Nhiều người còn sợ con tằm, cảm giác tằm giống như sâu bọ trên cây cà phê. Vận động một lần chưa được, anh K’Tiêu thực hiện kiểu mưa dầm thấm lâu, vận động từ chính những hộ lân cận, những hộ là bà con, anh em trong dòng họ. Anh mời mọi người tới nhà anh, trực tiếp xem con tằm, xem tằm lên né, kéo kén… Mấy năm nay, giá kén luôn ổn định, thấy nhà anh có thu tốt từ kén, một vài hộ cũng xiêu lòng, phá bớt bắp, cà phê già cỗi để xuống giống dâu. Anh cũng nhờ thị trấn, nhờ Hội Nông dân hỗ trợ giống dâu cao sản cho bà con muốn chuyển đổi. Và dần dần, cây dâu bén rễ trên đồng đất Ryông Srê, thay cho cây cà phê già cỗi, cho cây bắp, cây lúa thu nhập không cao.

Anh chị K’Tư - K’Đeo là một trong những hộ nuôi tằm “theo” gia đình anh K’Tiêu. Chị K’Tư chia sẻ, nhà chị có con nhỏ, chồng đi làm công ty nông nghiệp nên chị ở nhà vừa trông con, vừa chăm vườn cà phê. Đất ít, cà phê cỗi, kinh tế cũng không nhiều để đầu tư phân bón nên năng suất cà phê thấp. Được anh K’Tiêu động viên, vợ chồng chị mạnh dạn phá bớt cà phê cỗi, trồng dâu nuôi tằm. Cần kỹ thuật gì, chị chỉ cần hỏi anh K’Tiêu là được hướng dẫn tận tình, trực tiếp cầm tay chỉ việc. Chị ở nhà, vừa chăm sóc con, vừa nuôi nửa hộp tằm/lần. Chỉ 15-17 ngày, gia đình lại có khoản thu từ 4-5 triệu đồng, đủ chi phí sinh hoạt ăn uống, cho con đi học. Không chỉ gia đình anh chị, nhiều hộ trong tổ Ryông Srê cũng mạnh dạn trồng dâu nuôi tằm từ sự vận động của anh K’Tiêu. 

Người chi hội trưởng nông dân tâm sự: “Tổ Ryông Srê là tổ nghèo nhất thị trấn Đinh Văn, tổ có 180 hộ và hầu hết gia đình nào cũng ít đất sản xuất, đất lại cằn. Cá nhân tôi nhận thấy cây dâu, con tằm cho thu rất mau, bà con chỉ cần nuôi 1 hộp/tháng là đủ cho gia đình sinh sống, rất phù hợp với nông dân ít đất. Vì vậy, tôi vẫn vận động mỗi ngày để thêm nhiều hộ trồng dâu nuôi tằm”.

Ông K’Bin - Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Đinh Văn cho biết, gia đình anh K’Tiêu còn là gia đình hiếu học, anh chị cho 4 con tới trường, các cháu đều chăm ngoan, học tốt tại các trường cao đẳng, đại học tại Đà Lạt và TP Hồ Chí Minh. Làm kinh tế giỏi, dạy dỗ con ngoan, chăm học, anh K’Tiêu còn là một cán bộ Hội nhiệt tình, tận tâm, đồng hành cùng bà con Ryông Srê vượt khó xây dựng cuộc sống.

Nguồn: http://baolamdong.vn/kinhte/202210/nguoi-mang-nghe-tam-ve-ryong-sre-3140489/