Phá bỏ cây thuốc phiện trồng cây thảo quả
Là xã vùng cao của huyện Bắc Yên (Sơn La), Hang Chú thời gian qua đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ trong việc phát triển kinh tế. Để có những kết quả đó là nhờ vào những người đầu tàu tiên phong mang những cái mới, giá trị kinh tế cao về cho bà con.
Ông Giàng A Chu, 75 tuổi, ở bản Pa Cư Sáng đã có những hướng đi mới, vận động bà con phá bỏ trồng cây thuốc phiện theo chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, thay vào đó là trồng cây thảo quả cho giá trị cao. Đến nay cuộc sống đã bớt gieo neo, con cháu của ông được cắp sách đến trường, cuộc sống mới bớt vất vả hơn thuở trước…
Mùa thu hoạch thảo quả ở Hang Chú - một xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La. Cây ông Chu, người dân ở đây gọi cây thảo quả bằng cái tên này bởi ông là người đầu tiên đưa cây thảo quả về với bà con. Những ngày đầu tiên của 16 năm trước, ông Giàng A Chu nghe về cây thảo quả ở bên Lào Cai nên đã đi sang đó để hỏi và học cách trồng.
Ông Giàng A Chu, bản Pa Cư Sáng, xã Hàng Chú, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La chia sẻ: Bà con hỏi là trồng cái này có bán được tiền không. Bác bảo là bác đi học nhiều ở các nơi khác như Lào Cai, Sa Pa, Văn Bàn người ta giàu là giàu thảo quả. Bác tuyên truyền cho dân là chịu khó, trời rét cũng phải đi thì mới có thêm thu nhập cho bà con
Với quyết tâm giúp bà con thoát nghèo, ông đã tự mua 15 cân giống thảo quả về, mày mò nghiên cứu và hướng dẫn, giúp đỡ người dân xóa đói giảm nghèo từ mô hình này. Từ 3 ha thảo quả đầu tiên của nhà ông, giờ ở Hang Chú diện tích thảo quả đã hơn 300ha. Đây hiện là vùng Thảo quả lớn nhất tỉnh Sơn La, thu nhập của các hộ gia đình từ mô hình này đạt từ 40 đến 50 triệu đồng/ năm.
Thảo quả giúp dân bản vùng cao no ấm
Giàng A Daư, bản Pa Cư Sáng, xã Hàng Chú, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La chia sẻ: Trước kia gia đình tôi còn nhiều khó khăn, nhưng từ khi được Đảng, nhà nước vận động tuyên truyền, được ông Chu bảo cánh trồng cây thảo quả, gia đình tôi đã làm theo. Nhờ trồng cây thao quả môi năm gia đình tôi có thu nhập từ 30-40 triệu đồng. Gia đình giờ không phải lo đói nghèo nữa, có tiền sinh hoạt hàng ngày, có tiền lo cho con đi học. Cuộc sống ổn định, trong những năm tối gia đình tôi sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trồng thảo quả để tăng thêm thu nhập. Cảm ơn Đảng và Nhà nước nhiều lắm.
75 năm tuổi đời, 35 năm tuổi Đảng, ông Giàng A Chu cho rằng, việc nêu gương đối với cán bộ Đảng viên, như cơm ăn nước uống hàng ngày, đảng viên đi trước, làng nước theo sau. Ông được người dân tín nhiệm, việc gì trong bản cũng có ông tham gia, từ phong trào thi đua yêu nước hay các hoạt động xã hội của địa phương như làm đường, vận động các gia đình cho con em đi học. Bản Pa Cư Sáng được chọn là bản sạch đẹp và giữ rừng tốt nhất trong xã.
Ông Hờ A Dua, Chủ tịch UBND xã Hang Chú, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La cho biết: Đồng chí Giàng A Chu không chỉ gương máu trong phát triển kinh tế, Đồng chí Chu còn còn đi đầu trong các phong trào của địa phương, như vận động bà con xây dựng Nông thôn mới, bảo vệ môi trường. Đặc biết Đồng chí vân động người dân trong bản phát triển kinh tế tăng thu nhập. Đồng chí Chư là một Đảng viên gương mẫu để mọi người học tập và làm theo.
"Bàn tay ta làm nên tất cả. Có sức người sỏi đá cũng thành cơm". Mảnh đất Hang Chú cằn cỗi năm nào thì nay nơi đây bạt ngàn màu xanh của cây Thảo quả núp bóng dưới những tán cây vươn mình giữa đại ngàn. Khi gieo những hạt giống thảo quả, người đảng viên dân tộc H'mông đã gieo những suy nghĩ mới về cách làm giàu trên chính quê hương mình.