Hòa Bình có giống lợn đen bản địa quý hiếm
Từ xa xưa, giống lợn đen bản địa đã được người dân huyện vùng cao Đà Bắc nuôi để lấy thịt phục vụ cho cuộc sống hằng ngày. Lợn đen bản địa được người dân thả rông ở vườn, đồi. Đặc điểm của giống lợn này là chân nhỏ, bụng thon, thích ứng tốt trong điều kiện tự nhiên, đồng thời sinh trưởng phát triển nhanh, thịt thơm ngon, ít mỡ.
Nhiều năm trở lại đây, giá lợn đen bản địa luôn duy trì ở mức cao, thị trường ưa chuộng nên nhiều hộ gia đình trên địa bàn huyện Đà Bắc đã xây dựng chuồng trại, mở rộng quy mô để nuôi giống lợn này.
Tại xã Đoàn Kết của huyện Đà Bắc, mô hình nuôi lợn đen bản địa đang giúp người dân nơi đây gia tăng thu nhập. Hiện, nhiều hộ chăn nuôi với quy mô hàng chục con.
Trước đây, gia đình ông Lò Văn Ân ở xóm Khem, xã Đoàn Kết chỉ nuôi 1 - 2 con lợn nái. Sau khi lợn nái sinh sản được bao nhiêu con thì gia đình ông để nuôi. Sau thời gian 8 tháng - 1 năm, ông Ân xuất bán với giá 100 nghìn đồng/kg.
Thấy nhu cầu thị trường ngày càng cao, giống lợn đen bản địa dễ bán, ông đã mở rộng quy mô chuồng trại và nuôi 5 - 6 con lợn nái. Mỗi năm, gia đình ông xuất bán hàng chục con lợn đen bản địa, với giá bán bình quân 120 nghìn đồng/kg đã đem lại nguồn thu nhập không nhỏ cho gia đình.
Còn đối với gia đình anh Sa Văn Đương ở xóm Mới, xã Đồng Chum, huyện Đà Bắc, nhờ nuôi lợn đen bản địa mà gia đình anh có nguồn thu nhập đáng kể.
Anh Đương cho hay, năm 2015, gia đình anh mua 3 con lợn đen nái về nuôi, nhờ chăm sóc tốt, thời tiết thuận lợi nên mỗi năm đàn lợn cho hai lứa, mỗi lứa trung bình đàn lợn đẻ được 8 - 10 con lợn con. Sau 8 tháng chăm sóc, gia đình anh xuất bán 30 con lợn thịt thu về gần 50 triệu đồng.
Hiện nay, đàn lợn của gia đình anh đang có hàng chục con bao gồm cả lợn nái và lợn thịt. Lợn được nuôi bằng thức ăn tự nhiên như ngô, chuối, sắn…
Đặc biệt, bí quyết để gia đình anh xuất chuồng những lứa lợn chất lượng nằm ở một loại thực vật mà người dân ở Đồng Chum hay gọi bằng cái tên là cây chè khổng lồ.
"Cây chè khổng lồ có lượng Protein thô khoảng 15 - 22%, cao gấp khoảng 2 lần cỏ, hàm lượng canxi, chất xơ và vitamin cũng cao hơn so với các loại cây thức ăn khác. Lợn nếu bị tiêu chảy ăn vào rất tốt. Gia đình tôi thường cho lợn ăn chè khổng lồ để tăng sức đề kháng, chống chọi với dịch bệnh. Hơn thế, do được nuôi theo hình thức bán chăn thả, những con lợn của gia đình đều cho chất lượng thịt thơm ngon nên được nhiều khách hàng biết đến", anh Đương chia sẻ.
Tương tự, chị Lường Thị Lâm, xóm Ênh, xã Tân Minh, huyện Đà Bắc cho biết: "Trước đây, gia đình tôi nuôi trâu, bò để bán. Mấy năm trở lại đây, nhận thấy, lợn đen bản địa dễ bán, giá thành khá cao, chi phí nuôi thấp nên tôi chuyển sang nuôi lợn đen bản địa".
Theo chị Lâm, lợn đen bản địa tại địa phương được nuôi truyền thống bằng cách nấu cám gạo, ngô…, đồng thời tận dụng nguyên phụ phẩm gia đình nên thịt thơm, ít mỡ. Một số món ăn được chế biến từ thịt lợn đen bản địa như: Thịt lợn luộc chấm hạt dổi, thịt nướng hạt dổi hay xương lợn nấu cây chuối rừng… được khách hàng ưa thích.
" Mỗi con lợn đen bản địa tầm 15kg đến 20kg, tôi bán với giá từ 140.000 đồng/kg - 150.000 đồng/kg. Từ chuyển sang nuôi lợn đen bản địa, gia đình tôi nâng cao được thu nhập, khấm khá lên hẳn", chị Lâm nói.
Theo lãnh đạo Phòng NN&PTNT huyện Đà Bắc, những năm qua, trên địa bàn huyện duy trì trên 23 nghìn con lợn đen bản địa và được trên 3 nghìn hộ dân nuôi. Lợn đen bản địa thả rông, thức ăn chủ yếu là tận dụng từ phụ phẩm nông nghiệp hoặc thức ăn có sẵn trong tự nhiên như ngô, khoai, chuối..., không sử dụng kháng sinh, các chất kích thích tăng trưởng nên chất lượng được đánh giá cao.
Mô hình nuôi lợn đen bản địa đã và đang cho thấy hiệu quả kinh tế rõ rệt, giúp hộ dân nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.