Hộ dân phường Thốt Nốt đang chăm sóc cúc pha lê phục vụ nhu cầu trưng hoa dịp Tết Giáp Thìn 2024.
Thời điểm tháng 11 âm lịch, đến quận Thốt Nốt đã nghe hương Tết lan tỏa, với hình ảnh nhà vườn tất bật chăm sóc các loại hoa, kiểng. Hướng dẫn chúng tôi tìm đến các hộ dân “thâm niên” trồng hoa Tết, khu vực Long Thạnh 2, phường Thốt Nốt, ông Từ Hòa Khải, Chủ tịch Hội Nông dân phường, giới thiệu việc bà con tận dụng các bờ ruộng, vuông vườn để trồng các loại hoa cắt cành, như cúc tiger, vạn thọ... bán lẻ, phục vụ nhu cầu người dân cúng kiến dịp rằm, ngày 30 hằng tháng, góp phần tăng thu nhập.
Cặp căn nhà khang trang của vợ chồng anh Văng Phú Máy, trị giá 350 triệu đồng từ lợi nhuận của nghề trồng hoa, là khoảng đất rộng đặt hàng trăm chậu hoa vạn thọ, cúc pha lê đang vươn mình đón nắng. Anh Máy cho biết, năm nay, vợ chồng anh đầu tư khoảng 40 triệu đồng trồng 500 chậu cúc pha lê với 3 cỡ lớn, vừa, nhỏ và trên 1.000 chậu vạn thọ, giao vào giữa tháng Chạp. Anh Máy trồng cúc pha lê từ tháng 6 âm lịch. Để ngăn hiện tượng cúc ra nụ, ra hoa sớm, anh Máy lắp đặt hệ thống đèn bổ sung chiếu sáng. Chị Bùi Thị Thu, vợ anh Máy, bộc bạch: “Vợ chồng tôi theo nghề trồng hoa khoảng 20 năm. Hầu như năm nào cũng bán đến ngày 30 Tết, đủ cảm xúc vui, buồn, khi thắng, lúc thua nhưng chẳng buông nghề, chắc do “duyên nợ” với hoa”. Khoảng 4 năm nay, anh Máy trồng hoa theo đơn đặt hàng, không ra chợ bán nữa. Năm nay, anh Máy “chốt” giá hoa cúc pha lê: cặp loại lớn 2 triệu đồng, loại vừa 1,7 triệu đồng, loại nhỏ 1,4 triệu đồng; còn vạn thọ thì tùy thời giá thị trường, đảm bảo không lỗ. Thời điểm cúc pha lê ra hoa, anh Máy mướn 5 nhân công phụ chăm dưỡng hoa, với giá 200.000 đồng/ngày/người.
Trên 15 năm nay, vợ chồng anh Thái Văn Châu mướn đất mưu sinh với nghề trồng hoa và dưa hấu. Hiện anh Châu mướn 3 công đất cặp tuyến lộ giao thông trồng dưa hấu và trên 2.000 chậu hoa vạn thọ, cúc tiger, mãn đình hồng, bày bán tại chỗ. Chị Nguyễn Thị Liên, vợ anh Châu, cho biết: “Vợ chồng tôi trồng dưa hấu 3 vụ, bán quanh năm. Riêng với hoa, bên cạnh các loại truyền thống, năm nay, chúng tôi học hỏi kỹ thuật trồng thêm hoa mãn đình hồng, phục vụ nhu cầu khách hàng. Từ rằm tháng Chạp, tôi bắt đầu bán hoa lai rai, kiếm tiền xài Tết”.
Ông Từ Hòa Khải, Chủ tịch Hội Nông dân phường Thốt Nốt, cho biết, các nông hộ đều có “thâm niên” trồng hoa vạn thọ và cúc bán lẻ dịp lễ, Tết, thu nhập đủ đảm bảo cuộc sống. Năm 2016, Tổ hợp tác sản xuất trồng hoa phường Thốt Nốt thành lập với 7 thành viên, nay tăng lên 25 thành viên ở 2 khu vực Tràng Thọ 1 và Long Thạnh 2, diện tích canh tác 3,5ha. Tham gia tổ hợp tác, các thành viên có nhiều quyền lợi, như tham gia tập huấn về kiến thức, kỹ thuật trồng trọt; vay vốn ưu đãi Ngân hàng Chính sách xã hội trên 1 tỉ đồng và Quỹ Hỗ trợ nông dân; cung ứng cây giống; giới thiệu, kết nối đầu mối tiêu thụ, thu mua hoa, giá cả thỏa thuận. Năm 2023, Hội Nông dân phường phối hợp hỗ trợ 115.000 cây giống hoa cúc cấy mô; 3.600 cây giống hoa trồng nhà lưới cho 25 thành viên tổ hợp tác; theo kế hoạch tổ chức gian hàng hoa Tết Giáp Thìn 2024, có 11 thành viên đăng ký. Đồng thời, Hội Nông dân phối hợp các ngành, đoàn thể phường giới thiệu, vận động các cơ quan, đơn vị ủng hộ mua hoa chưng Tết tại cơ quan, nhà và tặng người thân. Mỗi năm, trừ chi phí, thành viên tổ hợp tác có lợi nhuận từ 40-80 triệu đồng, tùy diện tích đất và thời giá thị trường. Hiện tổ hợp tác không còn hộ nghèo, cận nghèo, đa số thu nhập ổn định, phát triển kinh tế.
Theo Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội quận Thốt Nốt, các phường trên địa bàn quận đều có hộ trồng hoa phục vụ Tết nhưng tập trung nhiều ở phường Thốt Nốt. Hầu hết hộ trồng hoa Tết được vay vốn ưu đãi giải quyết việc làm từ 50 triệu đồng/hộ để phát triển và nhân rộng mô hình. Hiện doanh số cho vay chương trình hỗ trợ việc làm, duy trì và mở rộng việc làm toàn quận trên 85 tỉ đồng, với 1.861 lao động.