|
  • :
  • :

Ngành tôm và thách thức từ nguồn phát thải 

Tại hội nghị “Phát triển ngành hàng tôm ít phát thải và bền vững ở Việt Nam” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) và UBND tỉnh Bạc Liêu tổ chức vào cuối tháng 10 vừa qua. Các chuyên gia cho rằng, lĩnh vực nuôi trồng thủy sản chịu tác động mạnh của biến đổi khí hậu (BÐKH) nhưng nuôi trồng thủy sản cũng chính là một trong những “thủ phạm” gây ra BÐKH, do phát thải ra môi trường một lượng lớn khí nhà kính.

Mô hình tôm - lúa hữu cơ được đánh giá là có lượng phát thải khí nhà kính thấp nhất khi tiệm cận mức Net - Zero. Trong ảnh: mô hình tôm - lúa hữu cơ tại huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng.

Mô hình tôm - lúa hữu cơ được đánh giá là có lượng phát thải khí nhà kính thấp nhất khi tiệm cận mức Net - Zero. Trong ảnh: mô hình tôm - lúa hữu cơ tại huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng.

Nhận diện “thủ phạm” gây phát thải

Theo phân tích của các chuyên gia, do muốn rút ngắn thời gian nuôi và nuôi được kích cỡ lớn nhằm giảm giá thành, tăng giá bán, người nuôi tôm thường sử dụng các loại thức ăn đạm cao. Tuy nhiên, do tôm thường không thể hấp thu hoàn toàn lượng thức ăn được đưa vào cơ thể nên tôm sẽ thải ra rất nhiều amoniac và đây là một phần nguyên nhân sản sinh ra các chất gây phát thải khí nhà kính. Kết quả giám sát phát thải khí nhà kính trong ao nuôi tôm do Dự án “Chuyển đổi năng lượng và thích ứng với BÐKH tại ÐBSCL” thực hiện từ các ao nuôi tôm tại huyện Ðông Hải, tỉnh Bạc Liêu cho thấy, mô hình nuôi tôm thâm canh phát thải khí nhà kính gấp 15 lần so với nuôi tôm quảng canh. Trong đó, nguồn phát thải từ nuôi quảng canh chủ yếu xuất phát từ mật độ nuôi, nạo vét ao và vèo nuôi thì điện và thức ăn là hai nguồn phát thải chính trong mô hình nuôi tôm thâm canh.

PGS.TS. Võ Nam Sơn, Trường Ðại học Cần Thơ, cho rằng, trong chuỗi giá trị ngành hàng tôm, có khá nhiều công đoạn gây phát thải khí nhà kính. Ðơn cử như ở khâu nuôi tôm, từ các dạng năng lượng, như xăng, dầu, điện, cho đến các loại vật tư đầu vào phục vụ quá trình nuôi (vôi, phân bón, thức ăn, chế phẩm sinh học…) đều gây ra phát thải. Riêng khâu chế biến, ngoài các dạng năng lượng trên, còn có khí NH3 hay các dung dịch làm lạnh khác… đều gây ra phát thải khí nhà kính. Sau khi dẫn chứng các số liệu đo đạc lượng phát thải khí nhà kính từ các mô hình nuôi tôm, PGS.TS. Võ Nam Sơn, nhận xét: “Hiện chỉ có các mô hình nuôi tôm theo hướng xanh, như tôm rừng, tôm rừng hữu cơ, quảng canh cải tiến, lúa - tôm là có lượng phát thải khí nhà kính tiệm cận mức Net - Zero như kỳ vọng”.

Liên quan đến nguồn phát thải góp phần làm tăng hiệu ứng nhà kính, ông Ngô Tiến Chương, Cán bộ cao cấp của Tổ chức GIZ, cho rằng, nước thải, phân, bùn thải chứa các loại hóa chất, thuốc kháng sinh… tích tụ và tồn lưu trong môi trường chính là những nguồn phát thải góp phần làm tăng hiệu ứng nhà kính (phát thải khí CO2, SO2, PO4) và làm gia tăng tác động của biến đổi khí hậu. Vì vậy, theo PGS.TS Nguyễn Hiếu Trung, Phó Hiệu trưởng Trường Ðại học Cần Thơ, việc nghiên cứu phát thải khí nhà kính từ ao nuôi thủy sản nói chung và nuôi tôm nói riêng là vấn đề cần quan tâm để có biện pháp giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam về thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc.

Giải pháp giảm phát thải

Ðể giảm phát thải nhà kính từ nuôi trồng thủy sản, PGS.TS Lê Anh Tuấn, đại diện nhóm nghiên cứu của Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên, Trường Ðại học Cần Thơ đề xuất, cần chuyển đổi sử dụng năng lượng tái tạo trong nuôi trồng thủy sản (biogas, điện mặt trời); quản lý tốt cách cho ăn và quản lý sử dụng thức ăn nhằm giảm thiểu hệ số thức ăn; sử dụng năng lượng hiệu quả, tiết kiệm và áp dụng mô hình nuôi tôm hai giai đoạn, trong đó tập trung vào giai đoạn vèo. Ngoài ra, việc đo lượng khí nhà kính phát thải từ ao nuôi tôm, từ đó xác định được các nguồn phát thải chính và đưa ra những biện pháp can thiệp phù hợp, giúp giảm lượng khí nhà kính phát thải trong quá trình nuôi trồng thủy sản là cần thiết và cần được nhân rộng trong thời gian sắp tới. Còn theo PGS.TS. Võ Nam Sơn, ngành hàng tôm cần phải chuyển đổi sang mô hình sản xuất kinh tế tuần hoàn: Ðầu vào “xanh” - tái sử dụng tất cả các nguồn “thải” cho một quy trình sản xuất khác.

Thực tế cho thấy, sau 9 tháng áp dụng kết hợp các biện pháp giảm lượng điện tiêu thụ, thay thế điện từ năng lượng hóa thạch bằng tái tạo; xử lý chất thải của tôm bằng ủ khí sinh học; tối ưu hóa lượng thức ăn cho tôm và thay đổi cách thức cho ăn (đối với mô hình nuôi tôm thâm canh) và thay đổi mật độ thả tôm; cải thiện hệ thống xử lý nước để tránh dịch bệnh cho tôm giúp giảm tỷ lệ tôm chết (đối với mô hình nuôi tôm quảng canh)… do Dự án “Chuyển đổi năng lượng và thích ứng với BÐKH tại ÐBSCL” thực hiện tại huyện Ðông Hải, tỉnh Bạc Liêu cho thấy, lượng khí nhà kính phát thải từ các ao nuôi tôm đã giảm 16,9% đối với mô hình nuôi tôm quảng canh và giảm 10,8% đối với mô hình nuôi tôm thâm canh.

Ðánh giá cao các kết quả nghiên cứu cũng như các giải pháp được đề xuất, ông Nguyễn Ðỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN&PTNT), cho biết việc tham gia các cam kết và sáng kiến quốc tế tạo ra sự chuyển biến lớn về cách tiếp cận phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng minh bạch, trách nhiệm và bền vững hơn. Ðiều này phù hợp với mục tiêu trở thành quốc gia sản xuất và cung cấp thực phẩm minh bạch - trách nhiệm - bền vững, đáp ứng yêu cầu an ninh lương thực và dinh dưỡng của khoảng 100 triệu dân Việt Nam và góp phần đảm bảo an ninh lương thực thế giới mà Việt Nam đã đề ra. Ðể cụ thể hóa mục tiêu trên, Bộ NN&PTNT đang làm thủ tục tham gia “Tuyên bố Emirates về nông nghiệp bền vững, hệ thống lương thực thực phẩm có khả năng chống chịu và hành động vì khí hậu”, dự kiến sẽ thông qua tại hội nghị COP28 vào tháng 12-2023.

Nguồn: https://baocantho.com.vn/nganh-tom-va-thach-thuc-tu-nguon-phat-thai-a166804.html