|
  • :
  • :

Ngăn chặn tình trạng tái trồng cây có chứa chất ma túy ở Tây Nguyên (Kỳ 1)

Mấy năm gần đây, lực lượng công an tỉnh Đắk Lắk liên tục phát hiện các đối tượng trồng cây cần sa trên địa bàn. Các đối tượng này đã dùng nhiều thủ đoạn hòng qua mặt cơ quan chức năng, nhưng đều bị phát hiện, xử lý nghiêm cả đường dây từ bán giống, gieo trồng, thu hoạch và mang cây cần sa đi tiêu thụ.

Kỳ 1: Triệt phá những đường dây trồng, tiêu thụ cây cần sa

Tỉnh Đắk Lắk có những vùng đất phì nhiêu, là thủ phủ của cây tiêu, cà phê và sầu riêng. Tuy nhiên, bên cạnh những hộ nông dân ngày ngày chịu khó vun trồng, chăm sóc các vườn, rẫy trồng cây công nghiệp thì một số hộ dân lại lén lút mua giống về lén lút ươm, trồng trái phép cây cần sa trong vườn nhà.

"Cất vó" đối tượng trồng cần sa để bán kiếm lời

Nảy ý định tìm nguồn hoa cần sa để bán kiếm lời, tháng 9/2021, Trần Hữu Phước (sinh năm 1979) và Nguyễn Văn Quốc (sinh năm 1986) cùng ở xã Hòa Thuận, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắc Lắk thỏa thuận Phước tìm hạt giống cây cần sa đưa cho Quốc trồng, thu hoạch được hoa cần sa khô thì bán cho Phước với giá khoảng 15 triệu đồng/1kg. Tùy loại hoa hoa xấu, đẹp giá có thể cao hơn hoặc thấp hơn.

Ngăn chặn tình trạng tái trồng cây có chứa chất ma túy ở Tây Nguyên (Kỳ 1) - Ảnh 1.

Tang vật cần sa khô được Công an huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk phát hiện và bắt giữ quả tang từ vụ việc các đối tượng tròng cần sa để bán kiếm lời. Ảnh: N.G

Ngăn chặn tình trạng tái trồng cây có chứa chất ma túy ở Tây Nguyên (Kỳ 1) - Ảnh 2.

Các đối tượng trồng, buôn bán cần sa bị lực lượng công an tỉnh Đăk Lắk phát hiện, bắt giữ. Ảnh: CACC

Tự tìm kiếm trên Facebook, thấy có người bán hạt giống, Phước đã mua 410 hạt giống giao cho Quốc để trồng. Sau khi tìm hiểu về cách trồng, chăm sóc và thu hoạch, Quốc định tự mình trồng cần sa trong rẫy nhà mình ở xã Ea Sin, huyện Krông Búk. Tuy nhiên, do khu vườn rẫy không đủ nước tưới nên Quốc đã tìm đến nhà Phan Văn Quý ở buôn Ea Kăp, xã Ea Sin, huyện Krông Búk hỏi xem Quý có trồng cần sa để bán kiếm lời không thì được Quý đồng ý.

Trong quá trình Quý trồng cần sa, ông Nguyễn Thanh Duy (sinh năm 1970) biết, hỏi thăm thì được Quốc nói nếu muốn trồng thì Quốc sẽ đưa hạt giống, hướng dẫn kỹ thuật và thu hoa hoa cần sa khô với giá từ 12-15 triệu đồng. Duy đã đồng ý trồng cần sa.

Ngày 9/5/2022, vụ việc trồng cần sa này đã bị Công an huyện Krông Búk phát hiện và bắt giữ quả tang 2 đối tượng gồm: Nguyễn Thanh Duy (sinh năm 1970, trú tại buôn Ea Kăp, xã Ea Sin) và Nguyễn Văn Quốc (sinh năm 1986, trú tại xã Hòa Thuận, thành phố Buôn Ma Thuột) về hành vi trồng, mua bán cần sa trái phép tại buôn Ea Kăp, xã Ea Sin, huyện Krông Búk. Tại hiện trường, Công an huyện Krông Búk thu giữ hơn 1.600 cây cần sa lớn, nhỏ các loại và hơn 3,4 kg hoa cây cần sa.

 Mở rộng điều tra, Công an huyện Krông Búk đã đấu tranh, làm rõ được đường dây cung cấp hạt giống, trồng, mua bán trái phép cần sa. Đến nay, cơ quan Cảnh sát điều tra đã khởi tố, bắt giữ 6 đối tượng có liên quan về tội mua bán trái phép chất ma túy và trồng cây có chứa chất ma túy.

Một vụ việc điển hình về trồng và mua bán trái phép cây cần sa đã được Công an huyện Krông Búk phát hiện vào cuối tháng 12/2022. Do có biểu hiện nghi vấn, vào khoảng 21 giờ ngày 11/12/2022, tổ tuần tra kiểm soát của Trạm Cảnh sát giao thông Krông Búk đã dừng phương tiện ô tô mang biển kiểm soát 48A-137.05 để kiểm tra và phát hiện trên xe chở 3 bao bên trong chứa hoa thảo mộc (nghi là hoa cần sa) với khối lượng là 22kg.

Trước chứng cứ bị lực lượng chức năng phát hiện, Nguyễn Thành Nhân (lái xe) và Chu Văn Mạnh cùng trú ở thôn 8, xã Đắk Ha, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông khai nhận số hoa thảo mộc chở trên xe là ha của cây cần sa đã được phơi khô do Mạnh mua của Chu Văn Thiêm – người cùng thôn tổ chức trồng tại tỉnh Gia Lai. Mạnh đã thuê Nhân vận chuyển về tỉnh Đắk Nông nhằm mục đích bán kiếm lời. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Krông Búk đã lập biên bản bắt người phạm tội quả tang, niêm phong tang vật.

Ngăn chặn tình trạng tái trồng cây có chứa chất ma túy ở Tây Nguyên (Kỳ 1) - Ảnh 4.

Lực lượng công an tỉnh Đắk Lắk nhổ bỏ cây cần sa được các đối tượng trồng trái phép trong vườn nhà.Ảnh: N.G

Khám xét khẩn cấp phương tiện xe ô tô mà Mạnh và Nhân sử dụng chuyển hoa cần sa, lực lượng chức năng phát hiện 2 túi nilon đựng 6 ống nhựa trong suốt, bên trong mỗi ống có chứa các hạt thực vật. Lực lượng công an cũng phát hiện 6 túi nilon đựng các ống nhựa trong suốt tại nhà Mạnh, bên trong có chứa các hạt thực vật nghi là hạt giống của cây cần sa. Mạnh khai nhận số hạt thực vật này là hạt giống cần sa Mạnh mua nhằm mục đích đưa cho các đối tượng trồng để thu mua hoa cần sa.

Mở rộng điều tra, lực lượng chức năng phát hiện chiều tối cùng ngày Mạnh đã gửi 3 thùng xốp bên trong có chứa hoa cần sa khô theo xe khách xuống thành phố Hồ Chí Minh bán cho khách hàng, trong đó có 2 thùng khách hàng không nhận. Số hoa cần sa mà Chu Văn Thiêm bán lại cho Mạnh do Thiêm mua của Phùng Văn Kiên (thôn Đồng Tâm, xã Ia Ga, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) tổ chức trồng tại rẫy.

Công an huyện Krông Búk cho biết, tổng khối lượng ma túy (hoa, lá, hạt cây cần sa) trong vụ án này vào khoảng 30kg. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Krông Búk đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, quyết định khởi tố bị can đối với Nguyễn Văn Mạnh, Chu Văn Thiêm, Phùng Văn Kiên, Nguyễn Thành Nhân về tội mua bán trái phép chất ma túy quy định tại điểm c, Khoản 3, Điều 251 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017); sau đó chuyển vụ án cùng các bị can đến Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Công an tỉnh Đắk Lắk) để tiếp tục điều tra theo thẩm quyền.    

Sau những án điểm, bản làng đã trở lại bình yên

Theo Sở NNPTNT tỉnh Đắk Lắk, việc trồng cây có chất ma túy (cây cần sa) xảy ra chủ yếu tại các huyện: Cư'Mgar, Ea H'leo, Ea Kar, Cư Kuin, Krông Búk… Một số đối tượng đã hình thành cả đường dây buôn bán giống và các sản phẩm của loại cây này. Những vụ việc mà công an tỉnh Đắk Lắk đã phát hiện, xử lý kịp thời đã giúp ngăn chặn việc tái trồng cây cần sa trên địa bàn, góp phần đem lại bình yên cho các buôn làng.

Đại tá Nguyễn Quang Trung – Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Công an tỉnh Đắk Lắk) cho biết, trong năm 2022, phát hiện 24 vụ 31 đối tượng, thu trên 8.238 cây cần sa tươi và trên 34 kg cần sa khô. Tuy nhiên, từ đầu năm 2023 đến nay, tình trạng trồng cây cần sa trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã được kéo giảm đáng kể. Trong 11 tháng  đầu năm 2023, toàn tỉnh Đắk Lắk chỉ xảy ra 5 vụ, 5 đối tượng, thu giữ hơn 2.000 cây cần sa tươi, giảm 19 vụ, 26 đối tượng so với cùng kỳ năm 2022.

Từng là phức tạp và nóng bỏng về tình trạng trồng và tái trồng cây cần sa của tỉnh Đắc Lắk, Thượng tá Nguyễn Trần Tuấn – Trưởng Công an huyện Krông Búk cho biết, trong 2 năm (2020-2022), trên địa bàn huyện, lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt giữ và xử lý 15 vụ việc trồng, tiêu thụ cây cần sa. Sau những vụ việc trồng và tiêu thụ ma túy lớn bị phát hiện, xử lý, trong năm 2023 trên địa bàn huyện không có vụ việc trồng cần sa nào xảy ra.

Với những quyết tâm trong việc triệt phá những đường dây dây từ bán giống, gieo trồng, thu hoạch và tiêu thụ cây cần sa, những trường hợp vi phạm đã được lực lượng cơ quan chức năng kịp thời phát hiện, ngăn chặn, thu giữ tang vật và tiến hành điều tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Nhờ đó, đã giúp người dân nâng cao nhận thức, không trồng và tái trồng cây cần sa trái phép trong vườn rẫy của gia đình.

Nguồn: http://trangtraiviet.vn/ngan-chan-tinh-trang-tai-trong-cay-co-chua-chat-ma-tuy-o-tay-nguyen-ky-1-20231220141635965.htm
Tin liên quan
Chưa có thông tin