|
  • :
  • :

Nâng tầm sản phẩm OCOP

Với sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành và các chủ thể, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của Quảng Bình đã có sự chuyển biến tích cực. Thông qua hồ sơ tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP hàng năm cho thấy, chương trình đã khẳng định hướng đi đúng trong phát triển kinh tế khu vực nông thôn.

Số lượng sản phẩm OCOP tăng

Năm 2023, với 9 sản phẩm OCOP 4 sao được đánh giá và đánh giá lại, toàn tỉnh hiện có 28 sản phẩm OCOP 4 sao và 153 sản phẩm OCOP 3 sao. Đáng chú ý là các sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP đã có sự chuyển biến về chất, nhiều sản phẩm có chỗ đứng trên thị trường trong và ngoài tỉnh.

Theo đề xuất của các địa phương về đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP 4 sao năm 2023, tổ giúp việc của Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh đã tổng hợp có 20 sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng. Tất cả các sản phẩm đều thuộc nhóm thực phẩm, trong đó, Lệ Thủy 4 sản phẩm, TP. Đồng Hới 1 sản phẩm, Bố Trạch 14 sản phẩm, TX. Ba Đồn 1 sản phẩm. Các địa phương còn lại không có sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh.

Các thành viên Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh và tổ giúp việc xem trưng bày các sản phẩm tham gia phân hạng OCOP 4 sao năm 2023.

Các thành viên Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh và tổ giúp việc xem trưng bày các sản phẩm tham gia phân hạng OCOP 4 sao năm 2023.

Thông qua hồ sơ tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP những năm gần đây cho thấy, chương trình OCOP đã khẳng định một hướng đi đúng trong phát triển kinh tế khu vực nông thôn. Qua từng năm, sản phẩm OCOP ngày càng được chủ thể quan tâm đầu tư phát triển, một số chủ thể đã bước đầu chủ động xây dựng vùng nguyên liệu, đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, chế biến sản phẩm, thiết kế lại bao bì, nhãn mác ngày càng thuận tiện, bắt mắt, dễ sử dụng; một số chủ thể đã xây dựng các chứng nhận quản lý chất lượng tiên tiến như HACCP, ISO nhằm nâng cao giá trị sản phẩm và hướng đến thị trường cao hơn.

Bên cạnh đó, các sở, ngành chức năng và đặc biệt là chính quyền địa phương đã quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn các chủ thể trong triển khai xây dựng và phát triển sản phẩm OCOP. Một số địa phương đã tích cực tư vấn, hỗ trợ chủ thể trong xây dựng và hoàn thiện hồ sơ tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP nên sản phẩm OCOP ngày càng tăng lên về số lượng cũng như chất lượng.

Là một trong những địa phương dẫn đầu toàn tỉnh trong thực hiện chương trình OCOP, đến nay, huyện Bố Trạch có 64 sản phẩm đạt OCOP, trong đó có 10 sản phẩm đạt 4 sao và số còn lại đạt OCOP 3 sao. Có gần 30 chủ thể có sản phẩm OCOP, 22/28 địa phương có sản phẩm OCOP. Nhiều sản phẩm OCOP có bao bì, nhãn mác đẹp, chất lượng tốt… và xây dựng được uy tín, có chỗ đứng ổn định trên thị trường, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động địa phương với thu nhập khá.

Cùng với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, việc xây dựng sản phẩm OCOP có ý nghĩa hết sức quan trọng. Trong đó, công tác rà soát, đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP là cơ sở để các chủ thể hoàn thiện hơn sản phẩm, bảo đảm chất lượng tốt, an toàn vệ sinh thực phẩm, phục vụ tốt người tiêu dùng; hình thức phải đẹp, hấp dẫn, cuốn hút người tiêu dùng.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện Bố Trạch Nguyễn Cẩm Long cho biết: Phát triển sản phẩm OCOP có ý nghĩa quan trọng trong xây dựng nông thôn mới (NTM), chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp. Thời gian qua, Bố Trạch đã khuyến khích các cơ sở sản xuất đầu tư công nghệ để nâng tầm sản phẩm. Chú trọng sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị, gắn với công nghiệp chế biến và liên kết thị trường phù hợp với tiềm năng, thế mạnh từng vùng...

Mặt khác, huyện cũng đã triển khai điểm trưng bày, giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP của địa phương để tạo điều kiện cho doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh có thêm kênh quảng bá, trưng bày, giới thiệu, kết nối và tiêu thụ sản phẩm.

Đánh giá, phân hạng OCOP khách quan, nghiêm túc

Xác định việc rà soát, đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP là yếu tố quan trọng để phát triển các sản phẩm bảo đảm chất lượng, trở thành sinh kế lâu dài của chủ thể, được thị trường chấp nhận, những năm qua, công tác này đã được các địa phương, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh và tổ giúp việc thực hiện rất nghiêm túc, khách quan.

Phó chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, Phó chánh Văn phòng Điều phối NTM tỉnh Nguyễn Quốc Tuấn cho biết: Năm 2023, qua kết quả rà soát của tổ giúp việc, có 9 sản phẩm đạt trên 70 điểm, còn lại 11 sản phẩm dưới 70 điểm. Kết quả rà soát 20 sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm cấp tỉnh cho thấy, các sản phẩm đều được tổ giúp việc đánh giá giảm điểm so với cấp huyện khi đề nghị lên.

Theo quy định, một số tiêu chí cần đạt tối thiểu đối với sản phẩm OCOP 4 sao cần có, đó là: Hồ sơ, thủ tục về môi trường theo quy định, nguồn gốc ý tưởng sản phẩm, ghi nhãn hàng hóa có truy xuất nguồn gốc điện tử, sở hữu trí tuệ. Khi rà soát hồ sơ, các sản phẩm không đạt 4 sao là do chưa đáp ứng được các tiêu chí này, hoặc chỉ đáp ứng một vài tiêu chí, còn lại thiếu một số tiêu chí quan trọng như sở hữu trí tuệ, hồ sơ thủ tục bảo vệ môi trường.

Bên cạnh đó, một số tiêu chí khi rà soát hồ sơ chưa có đầy đủ tài liệu minh chứng và quá trình kiểm tra thực tế ở một số chủ thể kinh tế cho thấy, sản lượng sản xuất sản phẩm còn hạn chế; máy móc, thiết bị chế biến cũ, quy mô, năng lực chưa đáp ứng được yêu cầu.

Điểm giới thiệu đặc sản địa phương, trong đó có sản phẩm OCOP của huyện Minh Hóa tại Tú Làn Lodge (xã Tân Hóa).

Điểm giới thiệu đặc sản địa phương, trong đó có sản phẩm OCOP của huyện Minh Hóa tại Tú Làn Lodge (xã Tân Hóa).

Đối với những tồn tại, hạn chế nói trên, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đoàn Ngọc Lâm, Sở NN-PTNT đã có văn bản nhắc nhở, đôn đốc các chủ thể sớm có giải pháp khắc phục, nhằm góp phần nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP, nhất là đối với các sản phẩm có tiềm năng và đã có chỗ đứng trên thị trường, hướng đến thị trường xuất khẩu và bảo đảm các tiêu chí sản phẩm OCOP.

Điểm đáng chú ý đối với các sản phẩm được đánh giá, phân hạng OCOP 4 sao năm 2023 là các sản phẩm đều có thị trường tiêu thụ ổn định và độ hoàn thiện cao về bao bì nhãn mác. Các chủ thể ngày càng chú trọng thực hiện các chỉ tiêu chất lượng cao như ISO, HACCP, thực hiện đăng ký sở hữu trí tuệ, gia tăng quy mô sản lượng sản xuất. Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực này, nhiều địa phương chưa có sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng OCOP 4 sao năm 2023, ông Nguyễn Quốc Tuấn cho biết thêm.

Nguyên nhân là do: Về khách quan, các chủ thể kinh tế tại các địa phương này hầu hết có quy mô nhỏ lẻ, sản phẩm mới sản xuất nên đang trong quá trình hoàn thiện và phát triển, bao bì, nhãn mác còn đơn giản, thực hiện các chứng nhận chất lượng tiên tiến còn ít, do sản lượng mới sản xuất nên thị trường tiêu thụ đang còn hạn chế. Về chủ quan, chính quyền địa phương và chủ thể chưa nhận thức đầy đủ về ý nghĩa và nội dung chương trình OCOP, vì vậy, chưa quan tâm bố trí nguồn lực để hỗ trợ chủ thể trong việc nâng cấp và hoàn thiện sản phẩm.

Quảng Bình đang đẩy mạnh thực hiện chương trình OCOP, trong đó ưu tiên các sản phẩm chủ lực đạt tiêu chuẩn 4 sao, 5 sao nhằm mang lại lợi thế cạnh tranh theo đề án OCOP gắn với phát triển du lịch, nâng cao giá trị sản phẩm. Đặc biệt, trong năm 2024 và những năm tiếp theo, Quảng Bình sẽ định hướng một vài sản phẩm cụ thể để hỗ trợ nâng tầm trở thành sản phẩm nổi bật, thương hiệu của tỉnh; đồng thời, áp dụng hiệu quả việc chuyển đổi số vào các sản phẩm OCOP để nâng cao giá trị và giúp quảng bá sản phẩm được rộng hơn. Đẩy mạnh công tác đào tạo, tập huấn, các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, kết nối cung-cầu sản phẩm OCOP.

Nguồn: http://www.baoquangbinh.vn/kinh-te/202401/nang-tam-san-pham-ocop-2215244/
Tin liên quan
Chưa có thông tin